Dân Việt

Ký ức Tết trong tôi: Những mùa Xuân không quên

Xuân Hương 29/01/2020 12:32 GMT+7
Không biết tự bao giờ, câu dân gian truyền miệng “Cu kêu ba tiếng cu kêu, Hăm ba tháng chạp dựng nêu ăn chè” vẫn luôn nằm trong ký ức những người đã từng được sống trong cái thời thanh bình trong luỹ tre xanh với cánh đồng cò bay thẳng cánh.

Mặc dù tuổi thơ ngày càng xa dần, cuộc sống nơi đô thị cũng dễ làm cho những người ly hương tưởng như mình đã là người thành thị lâu rồi.... Thế nhưng cứ mỗi lần Xuân về Tết đến là trong lòng của những kẻ xa quê lại đau đáu nhớ về một vùng quê thời xưa cũ.

Cái Tết của thời hiện đại chốn thành thị đã được tối giản khác xa cái Tết ngày xưa. Nhưng cứ mỗi lần Tết đến, trong ký ức tôi vẫn còn in rất rõ những niềm vui của bọn con nít chúng tôi và sự rộn ràng chuẩn bị của người lớn khi ngày Tết ngày càng gần. Bắt đầu hăm ba Tết là Cậu tôi đốn cây tre thật cao thật đẹp để dựng nêu ngay trước cửa. Trước đó bà Ngoại tôi đã ngâm nếp xay bột cho ngày hăm ba nấu chè đưa Ông Táo về Trời. Má tôi và Dì tôi thì lo chuẩn bị nếp ngon đậu ngon, lo rọc lá chuối ngay vườn nhà xếp lại ngay ngắn để chuẩn bị gói bánh ít bánh tét. Các cậu tôi lo tát đìa bắt cá để dành ăn Tết.

img

Ảnh minh họa.

Bọn con nít chúng tôi nôn nao chộn rộn vì sắp được ăn chè, ăn những món mà ngày thường ít khi được nếm tới. Cả bọn chúng tôi dù có đứa suýt ngủ gục nhưng vẫn cố thức chạy ra chạy vô bếp canh chừng ông Táo bay về trời. Đứa nào cũng thắc mắc sao không thấy ông Táo bà Táo bay đi, người lớn trả lời rằng chỉ khi nào con nít đi ngủ hết thì ông Táo bà Táo mới bay. Cả đám nhao nhao lên:”Sao ông Táo bà Táo lại lén con nít đi giữa ban đêm vậy?” Và càng thắc mắc hơn nữa là hôm sau thức dậy vẫn thấy cái bếp cháy đỏ, vẫn nấu được khi mà ông Táo bay về trời rồi? Đối với chúng tôi ngày xưa thì câu chuyện đó là cả một thế giới thần tiên với những câu hỏi không thể nào giải đáp được.

Đứa nào cũng nôn nao để được mặc áo mới, được coi gói bánh tét bánh ít, được coi làm heo làm bò, được thấy cậu tôi đốn tre cưa thành ống dài, một đầu để nguyên cái mắt tre đầu kia cắt ngang cho nước vô bịt kín lại rồi hơ ống tre đó trên ngọn lửa. Nước sôi lên là ống tre sẽ nổ. Tuỳ theo ống tre lớn nhỏ mà sẽ có nhiều tiếng pháo khác nhau nghe rất vui tai.

Ba mươi Tết rước Ông Bà là đã thấy cái Tết bắt đầu “bước” vô nhà với bàn thờ rực rỡ, lư hương sáng chói cùng với bánh mứt rất nhiều. Chiều đó chúng tôi đã được mặc quần áo mới đi lòng vòng đến nhà nhau để khoe áo đứa nào “oách” hơn. Có đứa còn mặc luôn cả đồ mới, đội mũ mới, mang giày mới ngủ luôn. Nhưng đến giao thừa chúng tôi được gọi dậy để mừng tuổi Ông Bà và được nhận tiền lì xì. Đây là phần “quan trọng” nhất và chờ đợi nhất của bọn trẻ chúng tôi. Còn nhớ có lần nọ, như thường lệ, vào mùng hai Tết tôi được Má tôi dẫn về Sài Gòn ăn Tết với bên Nội. Đã thành quen là khi vừa bước vô nhà đã khoanh tay chào Nội rồi chúc Tết. Nội ôm hôn tôi, khen giỏi, chúc tôi mau lớn ngoan ngoãn rồi lì xì cho tôi trong cái bao đỏ. Nhưng lần đó Nội tôi thay đổi “quy trình” nên sau khi tôi và các em con của Cô Chú tôi mừng tuổi Nội xong thì chỉ nhận được những cái hôn nồng nàn của Nội chứ không được lì xì. Đứa nào đứa nấy thấy “mất hết mùa Xuân” nên sau đó gọi nhau ra một góc, thầm thì hỏi nhau “nãy giờ có nghe Nội nói tới cái vụ lì xì không?” Đứa nào cũng lắc đầu và hoang mang tột độ, mặt mày buồn hiu. Cho đến hôm sau niềm vui mới bừng lên niềm vui khi chúng tôi được Nội lì xì.

Tôi vẫn còn nhớ khi cúng Giao thừa xong thì người lớn đợi nghe tiếng con vật nào kêu lên đầu tiên để theo đó mà những người có hiểu biết sẽ đoán năm đó tốt xấu như thế nào. Ngoài ra mỗi nhà còn chọn một người thật thành đạt, tính tình vui vẻ, hay giúp đỡ mọi người và còn phải hợp tuổi để nhờ xông đất ngay sau khi Giao Thừa vì cái vía của người xông đất sẽ ảnh hưởng thời vận của gia đình suốt năm đó.

Ông Ngoại tôi có một vuông tre rất rộng nên bọn trẻ hàng xóm tụ họp lại bày ra tất cả những trò chơi của trẻ con, nhìn như một hội chợ thu nhỏ vậy. Thêm nữa, Cậu Hai tôi rất khéo tay nên ông tự làm đầu lân, ông Địa rồi hàng xóm thay phiên nhau đi múa khắp mọi nhà, bọn con nít trong xóm đi theo thành một đoàn dài; đứa giũ đuôi lân, đứa gõ nắp nồi. Chúng tôi được vui chơi thoả thích trong suốt mấy ngày Tết.

Nhà nào cũng sạch sẽ tinh tươm. Ai ai cũng mặc áo mới đến nhà nhau chúc Tết trong ngày mùng một. Bà con xa cũng về thăm nhau và mừng tuổi Ông Bà, thắp nhang cho người đã khuất.

Bọn con nít chúng tôi thích nhất là trong mấy ngày Tết không phải quét nhà vì rác tượng trưng cho tiền bạc nên không được hốt đổ đi, nếu có quét thì phải quét từ ngoài vô trong rồi gom lại đến qua Tết mới được hốt. Chúng tôi cũng không sợ bị la rầy vì được người lớn dặn dò rất kỹ càng rằng ngày tết phải vui vẻ không được cau có, không được gây lộn với nhau, người lớn không được rầy la con nít. Nói chung là từ mùng một tết chỉ nên làm những điều hay, điều tốt đẹp để thì sẽ ảnh hưởng cả một năm mới.

Đến mùng ba là ngày cúng đưa tiễn Ông Bà với những nghi thức tự ngàn xưa để lại. Trong mâm cỗ tiễn Ông Bà có con gà luộc. Người xưa cho rằng hình dáng đôi chân con gà luộc sẽ là điềm báo tốt hay xấu về công việc làm ăn của gia đình.

Mùng bốn tết trâu, người ta cúng Ông Chuồng Bà Chuồng (là hai vị linh thiêng giữ chuồng trâu) để phù hộ cho đàn trâu khoẻ mạnh giúp gia chủ một năm mưa thuận gió hoà mùa màng sung túc. Trong ngày nầy người giữ trâu được lì xì và chúc may mắn mạnh khoẻ để giúp gia chủ chăm đàn trâu được no đủ mạnh khoẻ.

Mùng 6 tết vườn cây vì người xưa cũng cho rằng cây cối cũng có sự sống nên từ mùng một đến mùng sáu không được đốn cây bẻ trái để cho cây cối ăn Tết.

Nhưng rồi sự bình yên đó không còn nữa khi chiến tranh nổi lên. Mọi người tứ tán khắp bốn phương trời. Gia đình tôi trở thành kẻ tha hương. Những cái Tết rộn ràng sung túc ngày xưa đã không còn ai dám nghĩ tới nữa. Tôi rời quê Ngoại đi học xa.

Đến năm 1973 hiệp định Paris được ký kết nên Tết năm đó Cậu tôi và Má tôi về thăm quê Ngoại để tảo mộ Ông Bà sau gần mười năm xa quê. Tôi được đi theo với lòng nao nức vô bờ. Ngồi trên xe chạy về trên con đường quen thuộc, dẫu sau nhiều năm xa cách nhưng tôi vẫn nhớ rõ từng đoạn đường với từng đặc điểm. Rồi đến đoạn phải đi bằng chiếc xuồng nhỏ qua sông vào con kênh xuôi về quê Ngoại tôi. Chung quanh chỉ là đồng bưng vắng đìu hiu không một mái nhà. Tôi nhìn những cảnh vật cũ hai bên bờ, nơi một thời thơ ấu Má tôi thỉnh thoảng chở tôi trên chiếc xuồng ra chợ. Hai hàng cây vẫn đứng chờ tôi dù trên thân thể nó hằn vết bom đạn. Những bụi hoa dại dọc hai bờ kênh ngày xưa Má tôi vẫn hay hái cho tôi chơi vẫn đứng nhìn tôi trìu mến. Ngôi Miếu đầu con kênh vẫn nằm đó dù đã bị bom đạn phá tan hoang. Nước mắt vẫn chảy dài suốt đoạn đường. Quê hương nhoà trong nước mắt tôi. Chiếc xuồng vẫn theo nhịp chiếc dầm xuôi về ngôi nhà cũ; nơi mà lúc bấy giờ chỉ còn lại hai ngôi mộ của Ông Bà Ngoại tôi. Nhìn cảnh xưa đã chìm trong lau sậy và vết bom đạn, hình ảnh những cái Tết thật đẹp thật vui ngày xưa đã bị chiến tranh xoá sạch trên mảnh đất một thời là miền quê trù phú vẫn rất rõ trong tôi, làm cho tôi càng thêm ngậm ngùi và thấy quặn đau trong lòng.

Cuộc sống luôn phát triển. Chúng ta không thể giữ mãi tất cả những phong tục xưa cũ. Nhưng những gì đã xảy ra trong tuổi thơ của mỗi người là cả một trời thần tiên. Chính điều đó đã nuôi nấng tâm hồn mỗi người để chúng ta có được những con người biết yêu quê hương, yêu đất nước nầy và trở thành những con người có ích cho xã hội.