Tảo mộ, thăm viếng phần mộ tổ tiên là một tục lệ trong “đạo thờ cúng ông bà” và đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với mỗi dòng tộc, tảo mộ có thể là trước hoặc sau Tết nhưng phần lớn mỗi gia đình ở quê tôi, sau phần tảo mộ ông, bà, cha mẹ, người thân của mình đã khuất thường là phần mời những linh hồn của người đã khuất về sum vầy, ăn tết với gia đình.
Má thường dạy mấy chị em tôi rằng: “Ngày Tết người sống lo quét dọn, sửa sang nhà cửa, mua sắm nhiều thứ để đón một cái Tết ấm cúng thì cũng không thể bỏ quên những người đã khuất được. Ở dưới đó cũng có tết, nếu mình không lo cho tổ tiên, những người thân đã mất của mình thì dưới đó họ bị thiếu thốn hơn người khác. Người sống thiếu thốn tủi thân, tủi phận thì người đã khuất cũng thế”. Tôi không bao giờ quên được những gì má tôi dạy bảo. Vì thế việc theo ba má ra nghĩa trang tảo mộ mỗi dịp năm hết Tết đến được tôi xem như là một sứ mệnh cao cả, đầy niềm vui và ngập tràn yêu thương.
Bà Năm “khòm” đang chăm chút cho phần mộ của cha mình. Ảnh: Ngũ Thanh Tuyến
Tôi cũng còn nhớ cô giáo dạy Văn đã chia sẻ với học sinh chúng tôi khi học đoạn trích Cảnh ngày xuân trong Truyện Kiều rằng: tục tảo mộ cuối năm là một phong tục đẹp phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước. Cứ vào những ngày ấy thì con cháu dù bận bịu việc gì đi chăng nữa thì cũng gác lại, tụ họp ở nghĩa trang để sửa sang, quét dọn phần mộ của ông bà tổ tiên và những thân quyến quá cố. Tục lệ này không chỉ là dịp người sống bày tỏ tấm lòng đối với người đã khuất mà còn để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết ruột thịt trong anh em, dòng họ, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày còn bé, cứ độ khoảng 22, 23 Tết, tôi lại lẽo đẽo theo ba đi tảo mộ. Năm nào cũng vậy, dù khó khăn, công việc bận rộn đến đâu, ba vẫn dành chút tiền và thời gian sơn lại phần mộ của ông nội, bà nội. Tôi phụ ba nhổ cỏ, quét rác quanh mộ. Mỗi lần dọn dẹp ngôi mộ nào, ba cũng vừa vun lại những nấm mồ, phát cỏ dại, chặt cây cối quanh mộ vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện về ông nội, bà nội khi còn sống đã nuôi nấng, dạy dỗ yêu thương ba như thế nào. Tôi rất thích thú và hào hứng lắng nghe những câu chuyện hấp dẫn đó. Hai cha con say sưa với công việc cho đến khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu.
Xong xuôi công việc, tôi lại rảo quanh khu gò để xem những phần mộ của những người khác trong làng. Đến trước mỗi căn mộ, tôi đều nhẩm nhẩm khắc ghi trong đầu họ tên của những người thân trong dòng họ và chắp tay khấn vái cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu học hành giỏi giang, nhiều sức khỏe... Tôi không dám ngồi hay bước lên những nấm mồ vì nghĩ đó là hành động vô lễ với ông bà tổ tiên, làm đau những người đã khuất.
Trong ý nghĩ non nớt của tôi lúc ấy, những thành tích cao trong học tập mà tôi đạt được ở mỗi học kỳ, những nỗ lực được đền đáp, sự khỏe mạnh hay những bình yên, đầm ấm của gia đình tôi sau khi vượt qua một năm đầy những khó khăn… đều do ông bà, tổ tiên phù hộ. Vì vậy, tôi lúc nào cũng hào hứng với những công việc “đền ơn đáp nghĩa” này.
Tết năm nay, sau bao tháng ngày xa quê theo học ở thành phố tấp nập, tôi lại về với quê hương ăn Tết cùng gia đình. Chợt thấy vui mừng vì người dân quê mình vẫn giữ được truyền thống đi tảo mộ mỗi dịp tết. Ngay sau khi về, tôi lại háo hức theo má ra gò đình - nơi ông ngoại tôi đang nằm nghỉ để sửa sang, nhổ cỏ, quét vôi mới cho phần mộ của ông. Ba bận công việc sửa sang phần mộ của ông nội, bà nội còn má thì lo bên ngoại.
Đi cùng với hai má con tôi hôm ấy là bà Năm “khòm”. Bà Năm nay tuy đã gần 80 tuổi, tay chân run rẩy nhưng vẫn lom khom chống gậy ra gò đình để chăm chút cho phần mộ người cha thân yêu của bà. Nhìn bà cặm cụi từng chút một lau rửa phần mộ một cách tỉ mỉ, tôi vô cùng xúc động và thấm thía chữ “hiếu” mà ba mẹ, thầy cô đã dạy cho tôi. Trong thâm tâm, tôi không khỏi chạnh lòng vì chữ hiếu ấy đang dần lãng quên ở giới trẻ chúng tôi trước guồng quay của cuộc sống hiện đại. Hình ảnh bà Năm đã trở đi trở lại trong suy nghĩ của tôi, khiến tôi giật mình nhìn lại sự vô tâm của mình với ba má, với những người mà mình yêu thương.
Mồng một tết, tôi tiếp tục theo ba má đi thắp nhang, dâng bánh trái ở phần mộ ông bà tổ tiên. Không khí ở khu gò đình nhộn nhịp hẳn lên bởi có rất nhiều người đến đây để thắp nhang, cúng viếng ông bà tổ tiên đầu năm mới. Có nhiều người đi lễ chùa và ghé qua khu mộ rất sớm, ai cũng cảm thấy vui tươi, phấn khởi hơn. Họ mang rất nhiều quà bánh, trái cây… thậm chí cả bia, rượu, nước ngọt hay chậu hoa cúc to để bày trước phần mộ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi thầm nghĩ về giá trị của sự quan tâm: Hãy quan tâm và đối xử tốt khi ở còn bên nhau.
Những người đi tảo mộ gặp nhau tay bắt mặt mừng vì có khi cả năm trời mới gặp được nhau sau những bôn ba vất vả. Riêng tôi, tôi lặng lẽ thắp nén nhang cắm trước mộ ông bà tổ tiên, thầm mong ông bà phù hộ độ trì cho một năm mới nhiều sức khỏe, học hành tấn tới, gia đình luôn bình an và gặt hái được nhiều thành công.
Đi giữa không gian ấm áp của mùa xuân đất trời, cơn gió xuân nhè nhẹ, ánh nắng xuân long lanh và mùi hương trầm thơm ngát, lòng tôi lại nhen lên niềm vui sướng khó tả. Tôi nghĩ ông bà tổ tiên vẫn dõi theo từng bước đi của tôi. Tôi đã thực hiện tốt truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mà lâu nay tôi nghĩ nó phải là những việc làm xa xôi, lớn lao nào đó. Tôi có cảm giác dường như ông bà đang mỉm cười tỏ vẻ hài lòng về đứa cháu tiếp nối thế hệ dòng họ mình.
Tảo mộ ngày Tết thực sự đã mang đến niềm hạnh phúc và những ký ức đẹp cho tôi trong những ngày đầu năm mới.
Họ và tên: Nguyễn Thanh Tú Địa chỉ: Tổ 9, xóm Dưới, thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa Điện thoại: 037 437 9761 Email: nguyenthanhtu.sqct2019@ |