Từ Liên tỉnh lộ 91 đi vào hai bên là năn, sậy và những bãi lầy đầy lục bình. Mặt đường thì khúc khuỷu, lồi lõm, có đoạn bị đứt ngang dài cả một, hai chục mét. Còn cầu sắt Giáo Dẫn, cái ranh giới giữa hai xã Phước Thới và Tân Thới đã mất sạch ván lót, chỉ còn trơ lại khung sắt mà mỗi lần đi qua tôi đều hồi hộp thót tim vì sợ rớt xuống sông.
Xóm tôi nằm phía trong cầu sắt Giáo Dẫn, ngoại trừ ngôi nhà đúc của cậu Sáu, còn lại đều là nhà lá. Cả xóm cũng chỉ độc nhất nhà cậu có chiếc tivi trắng đen đời cũ, có 4 chân đứng và hai cánh cửa kéo ra, kéo vào. Dân ở đây mê cải lương lắm, mỗi khi nghe tiếng máy đèn nổ xình xịch là gần như cả xóm có mặt, kẻ bưng đèn cốc, người đi thầm kéo đến chật cả khoảng sân phơi lúa phía trước.
Vào thời điểm những năm cuối thập niên 1970 nền kinh tế của nước ta đang ở vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, giai đoạn của phân phối, của sổ mua hàng. Những người dân cố cựu ở đây sống bằng thửa ruộng, mảnh vườn của mình. Có thể không giàu lên được nhưng cũng không đến nỗi phải đói khổ. Trong khi gia đình tôi hoàn toàn xa lạ với công việc này. Mấy công ruộng bà ngoại cho chẳng làm gia đình tôi đủ gạo ăn ngày hai bữa. Tôi nhớ lần đầu tiên ra ruộng làm cỏ lúa, tôi đã giật mình hoảng hốt khi thấy một công ruộng lớn đến như vậy và ngay cả việc phân biệt cây lúa với cọng cỏ đối với tôi cũng chẳng dễ dàng gì.
Ảnh minh họa.
Tôi không thể nào nhớ hết bao nhiêu công việc không tên mà má tôi đã làm để hàng ngày mang về nhà 1, 2 lít gạo cho mấy anh em tôi no lòng. Từ việc làm bánh bán rong trên các nẻo đường quê, đến mua đi bán lại các loại hàng cấm như gạo, thịt, thuốc tây của thời ngăn sông cấm chợ. Đoạn đường từ nhà tôi ra đầu lộ dài hơn 3km lúc ấy rất khó đi, chưa nói có thể rơi xuống cầu sắt Giáo Dẫn bất cứ lúc nào nếu sơ sẩy. Vậy mà hàng đêm má tôi phải đội trên đầu hai, ba chục lít gạo đi bộ ra đầu lộ đón xe đi Cần Thơ khi gà chưa gáy bận một. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của má tôi đã đổ xuống mà đói vẫn hoàn đói. Đứa em trai thứ bảy của tôi đoạt giải nhất cuộc thi giỏi văn cấp huyện, chỉ vì không có tiền đóng cho trường nên đã không được đi thi cấp tỉnh.
Ngày thường đã vậy, Tết đến càng khốn khổ hơn, tuy không phải đến mức thiếu ăn thiếu mặc nhưng trong những ngày đầu năm ấy tôi thấy rõ sự khổ sở trong ánh mắt ba má mình. Thì cũng thịt kho, cũng bánh tét (thịt có được từ chia lúa, nếp do mấy ông cậu cho), không hiểu sao mỗi khi nuốt vào miệng tôi thấy như đang nuốt cả nước mắt của đấng sinh thành. Duy có một điều tôi nhớ rất rõ là gần như cả quãng thời gian ấy nhà tôi chưa bao giờ cúng mùng 3, không phải ba má tôi không biết phong tục ấy mà chỉ vì một lẽ rất đơn giản là không có tiền.
Một thời gian sau đó tôi đã rời gia đình để tìm cho mình một công việc. Suốt thời gian xa nhà tôi không còn nhớ gì đến Sài Gòn, nơi tôi sinh ra và có 18 năm lớn lên, mà thay vào đó là hình ảnh ngôi nhà nhỏ nằm cặp tuyến lộ Vòng Cung, nơi có ba má tôi và mấy đứa em nhỏ đang sống vất vả, khổ cực. Mỗi chuyến tôi về thăm nhà không phải vào dịp lễ lạt, tết nhất, mà là khi nào có có chút đỉnh tiền. Lần nào cũng vậy, trước khi bước vào nhà tôi lại ngước nhìn lên phía trên cánh cửa, nơi má tôi treo mấy trái cau Tầm Vung và lá bùa dựng nêu. Nếu ở đó có cặp giò gà khô, có nghĩa là ngày mùng 3 tết vừa qua nhà tôi có tiền mua gà cúng ông bà. Nhiều năm liền như vậy, tôi mong muốn được trông thấy cặp giò gà ấy biết bao mà không có.
Mấy chục năm trôi qua, em trai thứ bảy của tôi nay đã là giám đốc một công ty tầm cỡ ở TP.HCM; phần tôi cũng đã có gia đình yên ấm ở Cần Thơ. Cứ đến ngày mùng 3 tết hàng năm tôi lại nhớ đến cặp giò gà cúng mùng 3 như nhớ đến một quãng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời.
Họ tên: Nguyễn Việt Trung, bút danh Nguyễn Trung Nguyên Số điện thoại: 0834044666 Địa chỉ: 532/12 đường 30-4, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. |