Dân Việt

Bài cuối: "Đảng có vững, sự nghiệp đổi mới đất nước mới thành công"

Lương Kết (thực hiện) 30/01/2020 06:51 GMT+7
“Từ khi Đảng CSVN thành lập đến nay đã trải qua 90 năm, chúng ta vẫn luôn khẳng định cách mạng phải có Đảng lãnh đạo, không có Đảng cách mạng không thành công. Nói theo tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh, hiện nay chúng ta đang tiến hành đổi mới phải có Đảng lãnh đạo, nhưng điều quan trọng là Đảng có vững đổi mới mới thành công”, PGS –TS Bùi Đình Phong nói.

img

Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn dành sự quan tâm lớn với công tác xây dựng Đảng (ảnh T.L).

Để khép lại loạt bài “Quyết ngăn chặn những mối nguy hại lớn” nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng CSVN (3/2/1930 – 3/2/2020), PV Dân Việt có trao đổi với PGS-TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) để tìm hiểu giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Ở góc độ nghiên cứu, ông thấy những điểm nổi bật gì trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

-Trong toàn bộ di sản của Hồ Chủ tịch, nội dung nào cũng lớn, cũng giá trị nhưng có thể nói nội dung về xây dựng Đảng chiếm một vị trí rất quan trọng. Có thể nói cả cuộc đời của Bác có mối quan tâm lớn đó là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đặc biệt khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền.

Nhìn một cách xuyên suốt khi Người đến với chủ nghĩa Mác –Lê Nin đã thấy vai trò của Đảng, cùng với vấn đề đường lối, phương pháp. Biểu hiện rõ nhất là qua tác phẩm Đường kách mệnh (năm 1927).

Mở đầu tác phẩm này Người đã nói về tư cách của người cách mạng. Nghĩa là Bác đã chuẩn bị về mặt đạo đức, tư cách để cho Đảng ra đời. Đọc kỹ trong Mác –Lê Nin không thấy cách thể hiện này. Vấn đề Người đặt ra là thể hiện tầm rất đặc biệt. Tác phẩm Đường kách mệnh tính đến nay đã gần 1 thế kỷ nhưng thông điệp của Người vẫn luôn giá trị, đó là muốn đi vào con đường cách mạng thì phải có tư cách của người cách mạng.

Tư tưởng xây dựng Đảng của Người thể hiện nhất quán, xuyên suốt từ Đường kách mệnh đến Di chúc (năm 1969). Nếu như Đường kách mệnh là tác phẩm lý luận đầu tiên thì Di chúc là tác phẩm lý luận cuối cùng được đúc kết lại.

Người khẳng định, cách mạng trước hết phải có Đảng lãnh đạo, Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Cần phải thấy mối quan hệ giữa Đảng và Đảng vững mạnh. Từ khi Đảng CSVN thành lập đến nay đã trải qua 90 năm, chúng ta vẫn luôn khẳng định cách mạng phải có Đảng lãnh đạo, không có Đảng cách mạng không thành công. Nói theo tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh, hiện nay chúng ta đang tiến hành đổi mới phải có Đảng lãnh đạo nhưng điều quan trọng là Đảng có vững đổi mới mới thành công.

Tại sao lại vậy? Vì nếu như trong Đảng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống (Nghị quyết của Đảng nêu rõ), thì như các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nói đó là bước ngắn thậm chí rất ngắn dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đó là mối nguy hại rất lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

img

PGS -TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (ảnh PV).

Sinh thời Hồ Chủ tịch đã cảnh báo và chỉ ra căn bệnh dễ mắc phải của cán bộ, đảng viên như thế nào thưa ông?

- Bác vừa sáng lập, vừa xây dựng Đảng ta, Bác rất quan tâm đến câu chuyện khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Người đã phát hiện và đã sớm cảnh báo căn bệnh của Đảng cầm quyền. Năm 1945, sau khi giành được chính quyền, Người cảnh báo vấn đề này qua các bài viết gửi các kỳ bộ, huyện bộ, tỉnh bộ về các bệnh dễ mắc phải của Đảng cầm quyền. Đến năm 1947, Bác viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, nội dung trên được nhấn mạnh một cách hệ thống.

Khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có chút quyền hành trong tay rất dễ lạm dụng, rất dễ tha hóa quyền lực. Trong tác phẩm Cần, kiệm, liêm, chính viết năm 1949, Bác có câu có giá trị soi sáng cho tới ngày hôm nay, kể cả sau này. Đó là “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm có dịp đục khoét (tham ô), có dịp ăn của đút (nhận hối lộ), có dịp dĩ công vi tư (lấy của công làm của tư).

Câu nói đó của Người cho chúng ta thấy có quyền mà thiếu lương tâm, nghĩa là không phải ai có quyền cũng hư hỏng. Điều thứ hai, những người muốn hỏng (ý nói đến tham ô, tham nhũng) nhưng không có quyền thì rất khó hỏng. Ví dụ một người dân bình thường thì không ai đến đưa hối lộ cho cả, thậm chí cả cán bộ bình thường.

Trong Di chúc, Bác thể hiện tinh thần của vấn đề này nhưng bằng câu khác. Người nói rõ Đảng ta là Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Như vậy từ tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” đến Di chúc, chúng ta thấy vẫn là câu chuyện Bác nói mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức.

img

Đảng vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Người đã đưa ra các biện pháp thế nào để cán bộ, đảng viên không bị tha hóa, hư hỏng thưa ông?

- Biện pháp thứ nhất để người có quyền không rơi vào sự tha hóa quyền lực, có quyền mà không tham nhũng là phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Người từng nói từ “thực sự” đến 4 lần trong Di chúc (đoạn nói về xây dựng Đảng), vì sao?. Vì người nào nói mà không làm thì giả dối, nói một đằng làm một nẻo là giả dối, nói nhiều làm ít cũng là giả dối.

Bác cũng nói nhiều lần, một cán bộ đảng viên, đặc biệt cán bộ đảng viên có chức, có quyền phải luôn luôn tu thân chính tâm, tâm phải trong trẻo, tâm phải đứng đắn, tâm phải luôn nghĩ về nước về dân, phải đặt lợi ích của Tổ quốc của nhân dân lên trên hết, phải tu thân hàng ngày từ việc nhỏ, việc lớn, suốt đời cứ như vậy.

Người cũng nhắc cán bộ phải luôn có tính liêm sỉ, không có tính liêm sỉ không được. Nếu cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên có chức cao, quyền lớn mà không tự hoàn thiện mình, không tự tu thân chính tâm, không tự luôn nâng cao đạo đức cách mạng thì sớm hay muộn sẽ dẫn tới tai họa.

Đối với số cán bộ, đảng viên vi phạm rất nghiêm trọng, Nhà nước dùng pháp luật xử lý, điều này rất đúng, rất cần. Nhưng có thể nói pháp luật không thể xử hết được, cuộc sống phong phú hơn pháp luật rất nhiều, có những việc đòi hỏi lương tâm con người chứ pháp luật khó có thể bàn tới được. Chính vì thế Bác vẫn nói phải có tòa án lương tâm trong mỗi người.

Từ phân tích trên có thể thấy biện pháp tự tu dưỡng mình là cực kỳ quan trọng, nhưng như thế vẫn chưa được, cần có biện pháp thứ hai. Bác Hồ đã nói, về mặt tổ chức phải giáo dục cho cán bộ, đảng viên. Nơi nào mà coi nhẹ việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cho cán bộ đảng viên là không được, phải giáo dục thường xuyên, mưa lâu thấm dần.

Hai biện pháp nêu trên mới chỉ là đức trị, trong tư tưởng Hồ Chí Minh nếu chỉ có đức trị thì chưa ổn. Biện pháp thứ ba Người nói tới đó là pháp trị, nghĩa là pháp luật. Đây là biện pháp hiện nay đang được Đảng và Nhà nước ta làm mạnh để xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải phát huy hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay thưa ông?

- Đảng ta nhận thức và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Điều này thể hiện rõ trong cả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII và thực tế đang làm. Có thể thấy việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay chúng ta kết hợp cả đức trị và pháp trị.

Về mặt pháp trị chúng ta đã xử lý được nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, như cách nói của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta là xử lý sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và phải kiên quyết, kiên trì, có những biện pháp mới. Đặc biệt phải bằng mọi cách để huy động sức mạnh trí tuệ của nhân dân vào công cuộc này thì sẽ đạt được kết quả lớn.

Xin cảm ơn ông !