Việc tổ chức lễ hội Lồng tông được huyện Chiêm Hóa tổ chức đến từng thôn bản, làng xã. Cụ thể, từ ngày mùng 2 đến mùng 6, hội diễn ra ở các xã, điểm thôn, làng. Riêng ngày mùng 7 và 8, lễ hội chính thức diễn ra tại trung tâm thị trấn Chiêm Hóa.
Lễ hội Lồng tông hàng năm được huyện Chiêm Hóa tổ chức một cách trang nghiêm, quy mô
Trong những ngày này, đi đến đâu ở huyện Chiêm Hóa, du khách cũng được hòa mình, thưởng trọn những nét đặc sắc trong lễ hội của cộng đồng người dân tộc Tày với những trò chơi dân gian như đi cầu khỉ, nhảy bao bố, đánh bam, tung còn, đẩy gậy…
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh bỏng... để đón khách. Đặc biệt, mâm cúng được người dân nơi đây chuẩn bị rất cầu kỳ, tinh túy và đẹp mắt với gà luộc, bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc nhuộm phẩm màu, xôi đỏ, xôi vàng tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, cho âm dương, trên mỗi đĩa xôi có một con én màu đỏ làm bằng giấy đậu lên, những mơ ước, những khát vọng về cuộc sống ấm no, sinh sôi nảy nở, an lành đều được gửi gắm tất cả vào trong đó.
Ngoài những món cúng truyền thống, mâm cúng ngày hội còn được chuẩn bị khá công phu, nhà không có điều kiện thì vài chục món, còn nhà khá giả thì làm đến hàng trăm món. Trên mỗi mâm cỗ còn có thêm đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát và bông, có tua rua nhiều màu sặc sỡ.
Cuộc thi khâu còn được tổ chức tại xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa
Sau phần lễ, mọi người sẽ cùng nhau tham gia phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống. Là một hoạt động hấp dẫn thu hút nhiều người tham gia, tung còn được chọn làm trò chơi khai hội. Mở đầu là hội tung còn. Ðây là hoạt đông vui nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất. Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn đựơc chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai cao từ 20 - 30cm làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 - 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khoẻ và sự khéo léo.
Trong tiếng trống hội rộn rã, hàng trăm quả còn ngũ sắc được tung lên trời cao, mang theo bao điều ước nguyện về một năm mới gặp nhiều điều tốt lành. Người già tung còn là để cầu cho sức khỏe bình an, mong mùa màng bội thu, gia đình êm ấm. Những quả còn được các thanh niên tuấn tú tung lên, cũng là thời điểm bắt đầu hành trình đi tìm một nửa hạnh phúc của đời mình…
Tại lễ hội Lồng tông, trò hát then, Sli, lượn cũng thu hút được lượng lớn du khách thập phương. Các trò này được kéo dài từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc lễ hội, được đưa vào nhà và khắp thôn bản đều hát; nội dung hát chủ yếu là hát giao duyên, hát chúc tụng, hát mừng xuân mới, đặc biệt các đôi trai gái thanh niên tìm hiểu nhau sau này trở thành vợ chồng...
Đẩy gậy, kéo co, đánh bóng truyền hơi hay đi cầu khỉ luôn thu hút được đông đảo mọi người cổ vũ
Đặc biệt, các trò chơi như thi khâu còn, đẩy gậy, đánh bam, đánh yến, kéo co và đi cầu khỉ... đã đem đến không khí náo nhiệt, thu hút từ người trẻ nhỏ đến người già đến cổ vũ, hò reo cùng tiếng cười rộn rã.
Điểm nhấn của lễ hội Lồng tông có lẽ là cuộc thi chọi trâu sẽ được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng (Âm lịch). Kết thúc cuộc thi chọi trâu, nếu con nào thắng cuộc thì được mổ, đầu trâu được đem đi cúng đền bách thần trong đêm 7 và sáng tinh mơ ngày mùng 8.
Được biết, năm 2013 cùng với làn điệu then, lễ hội Lồng tông đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.