Coco Chanel - huyền thoại của thời trang thế giới.
Cô bé mồ côi trong cô nhi viện
Gabrielle Bonheur Chanel sinh ngày 19/8/1883, tại một thị trấn nhỏ nằm bên sông Loire,miền Tây nước Pháp. Chanel trải qua tuổi thơ nghèo khó, mẹ mất sớm vì bị lao lực và viêm phổi, sau đó người cha bỏ đi, mặc 5 đứa con bơ vơ. Cô bé Chanel khi đó 12 tuổi được gửi vào cô nhi viện, và chính tại đây, cô đã được dạy những đường kim mũi chỉ đầu tiên...
Sau 6 năm, Chanel rời cô nhi viện, lúc đó đã là một cô gái trẻ trung với niềm đam mê ca hát mãnh liệt, tới thành phố Moulin để trở thành ca kỹ. Hằng đêm nàng xuất hiện trên sân khấu với bài hát “Ai đã gặp Coco?” rất “hot” thời bấy giờ. Khán giả là những chàng sĩ quan hào hoa đồn trú trong vùng thường hát theo và hét to “Coco! Coco!”. Từ đó “Coco” trở thành biệt danh của Gabrielle Chanel.
Sự nghiệp ca hát phòng trà không đưa Chanel tới đỉnh cao, nhưng chính nơi đây đã cho cô gái trẻ cơ hội gặp gỡ chàng cựu sĩ quan kỵ binh Étienne Balsan, người thừa kế của ông chủ ngành dệt giàu có. Chàng công tử chính là người đã đưa Chanel từ tỉnh lẻ lên Paris, sống một cuộc đời nhung lụa. Cuộc sống phù hoa với tơ lụa, ngọc ngà đã thôi thúc Chanel phải tạo ra những thứ đẹp đẽ dường ấy. Nàng bắt đầu thiết kế và tự làm ra những chiếc mũ đầy phong cách, đặt bước chân đầu tiên vào thế giới thời trang.
Thời trang giải phóng phụ nữ
Năm 1909, Chanel yêu người bạn của người yêu cũ, Đại úy Arthur Edward ‘Boy’ Capel, một tay chơi nổi tiếng khắp Paris. Chanel được người tình hào phóng chu cấp giúp mở cửa hiệu tạo mẫu đầu tiên chuyên bán các loại mũ và một số kiểu quần áo.
Mỗi chiếc mũ của Chanel như một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, hết sức tao nhã và duyên dáng. Nàng đã vượt lên công việc của một người thợ may để trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Thành công đầu tiên đến với Chanel là khi cô đào Gabrielle Dorizat đội chiếc mũ thanh tao do nàng tạo ra lên sân khấu, từ đó những thiết kế tinh xảo của nhà thiết kế trẻ bắt đầu được công chúng Paris đón nhận nồng nhiệt.
Nhưng chỉ đến khi Coco Chanel bước sang thiết kế trang phục thì tài năng của nàng mới thực sự bùng nổ.
Thế chiến thứ Nhất diễn ra dẫn tới việc đa phần những người đàn ông phải ra trận, để lại trẻ nhỏ, người già và phụ nữ. Những chiếc áo corset chật chội cùng đường thít eo nhỏ xíu không còn thích hợp cho việc lao động hoặc di chuyển liên tục, đây là lúc những thiết kế phá tan kết cấu chật hẹp truyền thống của Chanel bắt đầu lên ngôi. Nàng bình thản tháo bỏ bộ khung corset đanh cứng, thay vào đó là những đường cắt mạnh tay tạo sự thanh thoát, khoáng đạt. Mọi phụ nữ đều muốn trở thành bản sao phong cách của Coco Chanel: tự chủ, phóng khoáng nhưng vẫn lịch sự và thanh tao.
Sự nghiệp của Chanel lên đến đỉnh cao vào năm 1935, với trên 4.000 công nhân may và chế tác; bà tạo phong cách thời trang cho hầu như toàn bộ các nhân vật nổi tiếng nhất Hollywood.
Năm 1954, trước nghi án phản quốc vì mối quan hệ nhân tình với những “tên đồ tể” Đức quốc xã trong thời gian Thế chiến thứ Hai, Coco Chanel trở về nước Pháp, một lần nữa bước lên vinh quang với cuộc cách mạng thời trang lần thứ hai. Bà mở cửa trở lại cửa hiệu haute couture (may đo cao cấp) và tung bộ sưu tập mới, gây tiếng vang khắp các kinh đô thời trang. Bằng phong cách thiết kế sang trọng không diêm dúa, Coco Chanel dần lấy lại vị thế của mình trước sự thống trị của nhà Dior có tính chất duy mỹ, hào hoa và đỏm dáng.
Năm 1955, bà khiến mọi cô gái đều ước mong có một chiếc túi bằng da thật “Quý cô 2.55” với những đường kẻ vạch vuông vức trên thân, quai là sợi xích vàng và dập nổi biểu tượng hai chữ C đan lồng kiêu hãnh.
Chanel No. 5 - hương thơm “nổi loạn”
Sau cái chết của người tình ‘Boy’ Capel vào năm 1919, Chanel đã có một bước ngoặt lớn – bắt tay vào lĩnh vực sản xuất nước hoa, để tôn vinh thêm thời trang và vẻ đẹp của người phụ nữ. Và cả trong lĩnh vực mới mẻ này Chanel cũng tiến hành một cuộc cách tân lớn. Phá vỡ tất cả những điều cấm kỵ, nàng tạo ra một loại nước hoa mới với hương thơm bền lâu, đầy khơi gợi và bí ẩn.
Điều bí ẩn ấy chỉ có Coco và nhà hóa học Ernest Beaux nắm giữ. Ernest đã điều chế ra một loạt hợp chất rồi cho đánh số thứ tự. Chẳng cần cân nhắc nhiều, Coco đã chọn ngay hợp chất số 5. Hai nguyên liệu chính của Chanel No. 5 là hoa hồng và nhài chỉ được lấy gần như duy nhất từ các cánh đồng hoa Rose De Mai ở quận Grasse thuộc xứ Provence, Pháp. Hai loại hoa này ở đây được đánh giá cao nhất về mùi hương.
Coco tiếp tục phá vỡ các phép tắc khi đặt tên cho loại nước hoa của mình đơn giản là “Chanel No.5”. Và thay vì đựng nó trong một chiếc lọ yểu điệu, nàng chọn chiếc lọ hình hộp vuông vức gợi nhớ đến chai… whisky. Vỏ chai cứng cáp, tinh tế, thuần chất, không thừa thãi bất cứ chi tiết gì để nhấn mạnh vào một điểm sáng duy nhất là mùi hương nồng nàn và cao cấp.
Năm 1922, bà chính thức tung sản phẩm nước hoa Chanel No5 ra thị trường. Và ngay sau khi cô đào bốc lửa Marilyn Monroe tiết lộ với báo giới rằng cô chẳng mặc gì đi ngủ mà chỉ xức lên mình vài giọt hương Chanel No5 thì cả thế giới gần như đổ xô đi lùng sục thứ hương phẩm này.
Chanel No.5 trở thành loại nước hoa nổi tiếng nhất thế giới, mang lại cho Coco sự giàu có và danh tiếng lẫy lừng. Được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại nước hoa”, ngày nay Chanel No5 vẫn là nước hoa bán chạy nhất mọi thời đại. Người ta ước tính cứ mỗi 30 giây lại có một chai Chanel No% được bán ra.
Trong suốt một thời gian dài, tới tận khi Coco Chanel qua đời ở tuổi 88 vào năm 1971, bà là người phụ nữ duy nhất trong thế giới thiết kế thời trang do nam giới thống trị, đã thay đổi cục diện thời trang thế giới, chứng tỏ cho mọi người thấy những tư tưởng thời trang gây tù túng cho cơ thể cần phải xóa bỏ, và những bộ đồ xa xỉ thanh nhã cũng phải tiện lợi, thoải mái. Tư tưởng vượt thời gian này đã giúp đế chế Chanel thịnh vượng cho tới tận ngày nay.