Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề có ý nghĩa ở tầm chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình công cuộc đổi mới đồng thời quyết định cả vấn đề sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (ảnh: Thành An)
Chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay
Thưa PGS - TS Nguyễn Trọng Phúc, là người dành phần lớn thời gian của cuộc đời nghiên cứu về lịch sử Đảng, ông có thể cho biết những dấu ấn đậm nét nết trong suốt 90 năm qua của Đảng?
- Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta có thể khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua, đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
Để có thành quả ngày hôm nay, có thể điểm lại sự nghiệp Cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ năm 1930 đến nay qua 3 thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại đã được lịch sử dân tộc và bạn bè thế giới công nhận.
Thứ nhất, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công như mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Có thể khẳng định, Cách mạng tháng Tám như một cuộc đổi đời của dân tộc Việt Nam, từ thân phận một nước thuộc địa bị thực dân, phát xít, phong kiến cai trị trở thành một quốc gia độc lập và nhân dân được làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. Đây là một thắng lợi mang đầy ý nghĩa lịch sử và mở ra một thời kỳ – thời đại Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, giành lại thống nhất đất nước hoàn toàn, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và tạo tiền đề để chúng ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Đó là kháng chiến chống Thực dân Pháp (1954), chống đế quốc Mỹ (1975) cho đến chiến tranh bảo vệ biên giới ở Tây Nam và ở biên giới phía Bắc gắn với nghĩa vụ quốc tế cứu nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước.
Thứ ba, là thắng lợi của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 tới nay. Thắng lợi của công cuộc đổi mới đã làm biến đổi sâu sắc diện mạo đất nước, tiềm lực đất nước. Thắng lợi cả trên phương diện kinh tế: Tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế dựa trên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, Việt Nam được công nhận là nền kinh tế năng động của khu vực và thế giới; Thắng lợi về chính trị: Giữ vững được sự ổn định về chính trị, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị của đất nước ta.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thắng lợi trên phương diện xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại làm cho đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân được tăng cao. Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này được khẳng định trong Hội nghị Trung ương 4, khóa XII rằng: "Chưa bao giờ, đất nước ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay"
Ông vừa nhắc đến điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc đến, đó là: “Chưa bao giờ, đất nước ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay”. Vậy ông có thể phân tích cụ thể về những “cơ đồ” mà ngày nay chúng ta có được ?
- Cơ đồ đó biểu hiện trên một số điểm như sau: Thứ nhất, đất nước ta độc lập thống nhất, trọn vẹn, bảo vệ được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giành lại đất nước, giành lại độc lập, tự tạo dựng quốc gia độc lập và cho tới ngày nay đang có nhiều bước phát triển.
Cụ thể, từ đầu thế kỷ XX, Việt Nam còn là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, quốc gia thuộc địa không được nhiều người biết đến thì sau đó chúng ta đã trở thành một quốc gia độc lập, đánh thắng được mọi kẻ thù.
Một góc phát triển của Thủ đô Hà Nội. (ảnh: Thành An)
Thứ hai, đất nước ta ngày càng mạnh lên cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đời sống của nhân dân. Đúng như mong muốn của Bác Hồ đó là “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Bây giờ đất nước ta đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp nhiều chục lần so với trước đổi mới.
Chúng tôi thấy rằng cơ ngơi của chúng ta bây giờ lớn lắm, thế hệ chúng tôi cũng chưa thể giải thích được tại sao đất nước mình lại có bức phát triển ghê gớm như vậy.
Cụ thể, kinh tế đời sống của chúng ta gấp nhiều lần so với trước đổi mới, từ có 150 USD/người năm 1986 đến nay thu nhập bình quân gần 3.000 USD/người/năm. Như vật, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Không chỉ mức sống mà các giá trị dịch vụ người dân được thụ hưởng.
Trước đổi mới chúng tôi không bao giờ nghĩ đến con số 99% số hộ dân trên cả nước có điện mà bây giờ chúng ta đã thực hiện được.
Một biểu hiện nữa đó là tiềm lực của đất nước ta, không chỉ tài nguyên mà là con người. Người ta nhìn vào các nước phát triển thì tiềm lực con người là yếu tố quyết định.
Dân số trong nước và cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài có trên 100 triệu dân trong đó có nhiều lao động trẻ, có điều kiện để đào tạo thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này cũng được Bác chỉ ra trong "Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa", ngày 15/9/1945 “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không…, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bên cạnh đó, điểm thể hiện cơ đồ của chúng ta nữa là vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng nâng cao. Hiện tại chúng ta đã có quan hệ quốc tế với 187 nước về ngoại giao, quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước.
Việt Nam cũng đã tham gia vào các tổ chức quốc tế. Việt Nam từng 2 lần là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 -2009 và nhiệm kỳ 2020-2021.
Vai trò trong ASEAN, năm 2020 chúng ta là Chủ tịch ASEAN. Theo đó, Việt Nam được bạn bè thế giới công nhận có những tín nhiệm rất tuyệt đối trong quan hệ quốc tế. Việt Nam là bạn, là thành viên có trách nhiệm, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Đó là thành công lớn về mặt ngoại giao.
Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, bạn bè quốc tế công nhận Việt Nam là quốc gia năng động và có vai trò trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của quốc tế. Cho nên vị thế, cơ ngơi của chúng ta đã khác hẳn ngày xưa, đời sống của người dân cũng dần tăng lên, trước người dân “ăn no mặc ấm” giờ đổi lại là “ăn no mặc đẹp”. Tức là chất lượng cuộc sống tăng cao trên tất cả các lĩnh vực.
Bài học lớn trong công tác lãnh đạo của Đảng
Có thể khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vậy 90 năm qua Đảng đã để lại cho chúng ta bài học gì trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thưa ông?
- Đảng ta đã tổng kết và nêu ra 5 bài học lớn. Bài học thứ nhất, đó là dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với CNXH. Suốt chặng đường lịch sử, Đảng luôn luôn kiên định và thực hiện ngày càng tốt mục tiêu độc lập dân tộc gắn với CNXH.
Từ quá trình giành độc lập, thống nhất non sông, xây dựng bảo vệ Tổ quốc như thế nào đều hướng theo 2 mục tiêu có ý nghĩa chiến lược, xuyên suốt lịch sử và không được bao giờ rời bỏ mục tiêu đó. Bài học này có cả ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong đó. Nếu rời bỏ 2 mục tiêu đó thì ắt dẫn đến thất bại của Đảng.
Ở mọi thời kỳ lịch sử, Đảng luôn luôn dựa vào lực lượng của toàn dân, lấy dân làm gốc. (ảnh IT)
Bài học thứ hai, ở mọi thời kỳ lịch sử, Đảng luôn luôn dựa vào lực lượng của toàn dân, lấy dân làm gốc. Nếu không có sức mạnh của nhân dân thì cũng không có thắng lợi như chúng ta đã khẳng định. Cho nên ở mọi thời kỳ lịch sử, vai trò, sức mạnh của nhân dân, vai trò làm chủ của nhân dân mà Đảng khẳng định "dân là gốc".
Ở đây không phải chỉ huy động sức dân mà mang lại lợi ích cho nhân dân. Cho nên chúng ta khẳng định: Sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân và vì dân. Cách mạng đạt được thành tựu gì thì cuối cùng cũng phải vì lợi ích của nhân dân, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Bài học thứ ba, về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và trong đại đoàn kết, Đảng ta luôn chú trọng đoàn kết trong nội bộ Đảng. Đảng xác định đoàn kết trong nội bộ Đảng là hạt nhân đoàn kết toàn xã hội. Từ "đại đoàn kết toàn dân tộc" như vậy là cơ sở để thực hiện đoàn kết quốc tế. Tư tưởng đoàn kết của Bác Hồ là "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" nó có ý nghĩa tầm chiến lược như vậy.
Ở mọi thời kỳ, từ đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến, xây dựng CNXH và đổi mới hiện nay đều phải hết sức chú trọng đại đoàn kết. Đấy là cội nguồn của sức mạnh và nhân tố quyết định sức mạnh, thắng lợi của cách mạng.
Bài học thứ tư, là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nguồn lực trong nước cũng như nguồn lực từ nước ngoài. Từ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến công cuộc đổi mới hiện nay đều phải chú trọng điều đó. Luôn phát huy tự lực, tự cường, độc lập tự chủ của Đảng, của dân tộc nhưng cũng phải tranh thủ tối đa tác động thuận lợi của thời đại.
Điều này thể hiện rõ trong Cách mạng tháng Tám, chúng ta phải tranh thủ thời cơ do tình hình quốc tế mang lại; hay như cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ đều có nhân tố thời đại tác động, mặc dù bản thân mình lực lượng của mình vẫn là chính.
Như Bác Hồ nói "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", nhưng cũng phải tranh thủ tối đa quan hệ quốc tế. Bây giờ chúng ta cũng như vậy, ngoài những nguồn lực ở trong nước như tài nguyên, nhân lực thì cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ hợp tác, hội nhập quốc tế để coi đấy như cơ hội phát triển, đồng thời đẩy lùi những tác động tiêu cực do quốc tế mang lại. Đây là bài học tranh thủ cơ hội và đẩy lùi nguy cơ.
Bài học thứ 5 là phải giữ vững nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Coi vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Cả cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến trước đây cho tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay đều phải đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Và muốn lãnh đạo đúng đắn thì Đảng phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền phải là Đảng có trí tuệ, có đạo đức, có bản lĩnh, uy tín chính trị với nhân dân, với dân tộc. Và phải có vị thế quốc tế để hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo. Do đó phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cầm quyền ở Việt Nam. Đó là 5 bài học lớn nhìn suốt toàn bộ tiến trình 90 năm của Đảng.
Ông vừa nhấn mạnh đến những vấn đề lớn, trong đó có nói đến việc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và đề cập đến vấn đề "xây dựng chỉnh đốn Đảng". Vậy, công tác "xây dựng chỉnh đốn Đảng" của ta trong 90 năm qua được thực hiện như thế nào ?
- Ngay từ khi thành lập Đảng chúng ta đã xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức và cũng phòng ngừa những sai lầm. Ví dụ như trong "Phong trào 1930-1931" chúng ta đã phê phán kịp thời những biểu hiện "tạo khuynh" trong xây dựng Đảng.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh công tác, xây dựng chỉnh đốn Đảng (ảnh IT).
Đến thời kỳ năm 1939, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm "Tự chỉ trích", tự phê bình những khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của một số đồng chí trong Đảng. Đến nay, tác phẩm này vẫn là mẫu mực của tự phê bình, tự chỉ trích, sửa chữa những khuyết điểm và củng cố những nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối chính trị thống nhất trong đổi mới hệ thống chính trị.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ cũng đã có những chấn chỉnh về những khuyết điểm của một số cán bộ đảng viên đã có chức có quyền trong tay. Điều này được thể hiện trong thư Bác viết gửi chính quyền các cấp tháng 17/10/1945, Bác đã phê phán một số căn bệnh của một số đồng chí nắm chức vụ quyền hạn trong bộ máy chính quyền nhà nước như: cậy thế, tư túng, kiêu ngạo, hủ hóa, chia rẽ. Sau đó, đi vào kháng chiến Bác Hồ có tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" tháng 10/1947.
Đấy là những tác phẩm rất quan trọng về mặt xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Vừa phát huy những ưu điểm, đồng thời phê phán những sai lầm khuyết điểm của một số Đảng viên và nêu ra những chuẩn mực của Đảng cách mạng. Lúc đó, Bác nêu ra 12 chuẩn mực của Đảng Cách mạng chân chính. Bác kết luận một câu rằng: "Muốn cho Đảng được vững bền, 12 điều ấy chớ quên điều nào". Chúng tôi vẫn coi đây là tác phẩm kinh điển trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây cũng là lần đầu tiên Bác Hồ dùng từ "chỉnh đốn đảng".
Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng cũng thường xuyên chỉnh đốn, nhất là những cuộc chỉnh huấn, thí dụ cuộc chỉnh huấn năm 1952 thời kháng chiến chống Pháp, hay chỉnh huấn năm 1961 thời xây dựng CNXH miền Bắc thời đánh Mỹ.
Hay như trong Di chúc, Bác cũng đã dặn lại rằng "sau này thắng lợi, công việc trước hết là phải chỉnh đốn lại Đảng, giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân".
Bên cạnh đó, khi giải phóng miền nam thống nhất đất nước, Đảng cũng thường xuyên xây dựng, mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và trong thời kỳ đổi mới có những điều cần ghi nhớ về chỉnh đốn đảng như bảo vệ tư tưởng của đảng trong hội nghị T.Ư 6, T.Ư 7 năm 1989, khi CNXH trên thế giới bị sụp đổ để bảo vệ con đường XHCN, Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Một điểm nữa khi CNXH tan rã ở Liên Xô, chúng ta có cương lĩnh ở Đại hội 7, với Nghị quyết (NQ) rất quan trọng về xây dựng chỉnh đốn đảng - NQ T.Ư 3, khóa 7, tháng 6/1992. Cho đến bây giờ nhiều tư tưởng của NQ đó đang thực hiện; sau này chúng ta có NQ T.Ư 6 lần 2 khóa 8, tháng 1/1999 gắn xây dựng chỉnh đốn Đảng với học tập và làm theo di chúc của Bác (kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Bác).
Mới đây chúng ta có NQ T.Ư 4 khóa 11, NQ T.Ư 4 khóa 12 về "nhận diện những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa"…để xây dựng chỉnh đốn Đảng thực sự quan trọng. Việc này được thể hiện bằng những hành động về chống tham nhũng rất quyết liệt trong nhiều năm vừa qua.
Đây gọi là xây dựng chỉnh đốn Đảng bằng hành động chứ không phải chỉ bằng NQ; tăng cường kỷ luật của Đảng; học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tức là triển khai xây dựng Đảng về đạo đức, coi xây dựng đảng về đạo đức là ngang với xây dựng đảng về tư tưởng chính trị tổ chức, đặc biệt hiện nay chúng ta đang tập trung vào công tác cán bộ lựa chọn cán bộ quản lý để chuẩn bị cho Đại hội đảng các cấp trong năm 2020, tiến tới Đại hội 13 để chọn được cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược và những cán bộ thật xứng đáng…
Bên cạnh đó, vấn đề nêu gương, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, rồi vấn đề theo Chỉ thị 28/ tháng 1/2019. Nghĩa là sàng lọc đội ngũ cán bộ đảng viên, kết nạp những quần chúng ưu tú, đồng thời loại bỏ khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất, không còn đủ tư cách.
Tóm tắt lại tiến trình lịch sử, có rất nhiều NQ và cuộc vận động quan trọng thực hiện những nhiệm vụ chính trị quan trọng, bây giờ chúng ta đang thực hiện NQ T.Ư 6 khóa 12 và thực hiện Chỉ thị 05 tốt hơn. Đây là thực hiện tư tưởng chính trị đạo đức.
Trong năm qua nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử, trong đó có vụ Mobifone -AVG (đồ họa Việt Anh).
Phát huy dân chủ, còn "xin-cho" còn tham nhũng
Thưa ông, có thể nói, những năm vừa qua Đảng và Nhà nước phần nào đã buông lỏng kiểm soát quyền lực trong thời gian dài. Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã có tới 8 tổ chức Đảng bị Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật vì nhiều sai phạm khác nhau. Ông bình luận về vấn đề này ra sao ?
- Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng đã khẳng định “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của nhà nước. Đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”, song chúng ta lại chưa có cơ chế để “ngăn ngừa vi phạm”. Điều đó có nghĩa là trong một thời gian dài chúng ta đã buông lỏng việc kiểm soát quyền lực.
Chính việc kiểm soát quyền lực trong nội bộ các tổ chức Đảng không tốt đã sinh ra tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực, thậm chí chuyên quyền, độc đoán của một số người đứng đầu. Khi có quyền lực, tự nhiên sẽ đẻ ra phe cánh, “nhóm lợi ích”, “sân sau” để củng cố quyền lực.
Bên cạnh đó, cũng chính việc thiếu kiểm soát quyền lực đã triệt tiêu sự đấu tranh, phê bình và tự phê bình trong các tổ chức Đảng dẫn tới mất dân chủ. Chẳng hạn như vừa rồi xử 2 nguyên chủ tịch TP. Đà Nẵng với rất nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật nhưng khi ông này còn đương chức thì thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra hay thanh tra của TP. Đà Nẵng có dám lên tiếng đâu? Tôi cho đây chính là cái gốc của những sai phạm, tiêu cực trong thời gian qua.
Vậy thưa ông, chúng ta cần giải quyết vấn đề này như thế nào ?
- Tôi cho rằng thực hành rộng rãi dân chủ trong nội bộ Đảng như một cơ chế kiểm soát quyền lực chính là cái gốc của vấn đề. Khi chúng ta phát huy mạnh mẽ dân chủ trong nội bộ cấp ủy, chính quyền tất cả các cấp thì mọi khuất tất, tiêu cực đều có thể phơi bày không đến mức sai phạm hàng chục năm mới được đem ra xử lý như hiện nay. Chỉ có phát huy dân chủ thì cán bộ, đảng viên mới có thể “bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai”.
Tuy nhiên, để phát huy dân chủ thực sự trong nội bộ Đảng thì quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh, trình độ và nhất là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu anh có trách nhiệm với Đảng, đất nước, với dân thì anh sẵn sàng ủng hộ cái tốt, vạch ra cái xấu thì sẽ đỡ đi rất nhiều, chứ bây giờ cứ “mũ ni che tai”, rồi “gió chiều nào che chiều ấy” dẫn tới quyền lực không được kiểm soát, dẫn tới tiêu cực, sai phạm...
Cách tốt nhất là kết hợp chặt chẽ giữa kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thượng tôn kỷ luật, pháp luật, theo đó mà làm không để chi phối bởi những ý kiến chỉ đạo chủ quan. Nếu thực hiện được điều này thì sẽ bớt đi rất nhiều những xin - cho, quan hệ ngoài luồng, “bôi trơn”, sân sau, “lợi ích nhóm”.
Trân trọng cảm ơn ông!