Dân Việt

Thị trường bất động sản 2020 khó xảy ra bong bóng?

Văn Dũng 31/01/2020 18:58 GMT+7
Bộ Xây dựng cho rằng, năm 2020 thị trường bất động sản (BĐS) ít có nguy cơ xảy ra bong bóng. Tuy nhiên, tình trạng tăng giá đất nền vẫn có thể xảy ra tại các khu vực có quy hoạch trở thành đặc khu.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có báo cáo về tình hình thị trường BĐS 2019. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng nhận định thị trường nhận định thị trường BĐS năm 2019 phát triển tương đối ổn định, kể cả về nguồn cung, số lượng giao dịch, giá cả, dư nợ tín dụng và vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù dự báo ít có khả năng xảy ra tình trạng bong bóng BĐS, nhưng Bộ Xây dựng vẫn cho rằng tình trạng tăng giá đất nền vẫn có thể xảy ra tại các khu vực có quy hoạch trở thành đặc khu, khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tình trạng sốt nóng cục bộ tại các dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp. Đây cũng là quy luật của thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường cũng có thể sụt giảm ở một số phân khúc do lệch pha cung cầu hoặc chưa tìm được giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho một số dự án BĐS, nhất là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng, hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS liên quan đến nhiều hệ thống văn bản như đất đai, đấu thầu... Vì thế, dự án phải trải qua nhiều quy trình nên nếu "tắc" một bước thì sẽ bị chậm ngay.

img

Bộ Xây dựng cho rằng năm 2020 thị trường sẽ ít xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản. 

Thời gian qua, nguồn cung trên thị trường khan hiếm là do các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự chấp thuận thủ tục đầu tư dự án.

Qua phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội và hội ngành nghề, hiện tại Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đang xem xét sửa đổi, điều chỉnh hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo, trùng lặp, gỡ khó nhằm triển khai nhanh các dự án theo tiến độ.

Về phía Bộ Xây dựng đang tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình theo định kỳ hoặc đột xuất để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về diễn biến của thị trường BĐS.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”; đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo an sinh xã hội”. Đây cũng chính là các căn cứ để quản lý, giám sát hiệu quả các hoạt động của thị trường BĐS.

Theo thống kê, lực hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của lĩnh vực BĐS vẫn duy trì vị trí thứ 2 trong nền kinh tế trong năm vừa qua với tổng vốn đầu tư 3,88 tỉ đô la Mỹ, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng sau công nghiệp chế biến, chế tạo.

Từ nguồn cung BĐS trong năm 2019 cho thấy, số dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tại 2 thành phố lớn là 105 dự án. Trong đó, Hà Nội có 58 dự án với 31.184 căn chung cư, tăng 20,1% so với năm 2018 và 1.963 căn thấp tầng, giảm 49,1%; tại TP.HCM có 47 dự án với 23.485 căn chung cư, giảm 14,1% so với năm 2018 và 1.319 căn thấp tầng, tăng 9,9%.

Số lượng giao dịch tại dự án BĐS thuộc địa bàn trọng điểm gồm Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương có thị trường BĐS phát triển như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Kiên Giang... có khoảng 83.136 giao dịch thành công, giảm 26,1% so với năm 2018. Số lượng BĐS nghỉ dưỡng (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) có khoảng 6.280 giao dịch, giảm 20%.

Giá bất động sản cũng có sự thay đổi tại một số khu vực, đặc biệt là thị trường đất nền tại một số địa phương vùng ven đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ... Trong đó, giá nhà chung cư tại Hà Nội và TP.HCM được ghi nhận có biến động nhưng không lớn.