Dân Việt

Chiều TP.HCM đầu năm thời dịch virus Corona

Song Minh 31/01/2020 18:44 GMT+7
Hôm nay, mùng 7 tháng Giêng (tức ngày 31/1), dân công sở đã đi làm được 2 ngày, nhưng phố xá TP.HCM vẫn vắng tanh. Từ quận 1 cho đến quận 3, quận 5, lan sang cả quận Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp,... nhiều cửa hàng vẫn khóa im ỉm.

img

Những ngày đầu năm, tìm được quán ăn ở Sài Gòn "đỏ con mắt". Trong ảnh là Quán ăn AKE trên đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) chật ních thực khách. Ảnh: M.P

Nhiều quán ăn, quán nhậu treo biển thông báo: “Mùng 10 khai trương!" khiến những ai lâu nay quen thói “cơm hàng cháo chợ” khốn khổ. 

Tối mùng 5 Tết, tại quận Gò Vấp, chờ mua được hộp cơm, tiền cầm sẵn trên tay mà tôi phải xếp hàng gần 1 tiếng. Quán ăn thì sềnh sệch nước, trong đầu tôi nghĩ: “Không cần tới virus Corona, môi trường ăn uống như thế này cũng đủ thứ bệnh thấm vào người!". Biết là dơ nhưng đói quá, mọi người vẫn đành mua.

Một thực khách vừa lấy xe, vừa nhìn dòng người xếp hàng mà cười nói: “Tui ngồi chờ hơn 1 tiếng mới tới lượt. Không ăn ở đây, biết ăn chỗ nào. Ăn đại miếng rồi đi làm”. Nhìn vào lưng áo, ông ấy có lẽ là công nhân của công ty môi trường đô thị quận Phú Nhuận.

Cũng vẫn là tối mùng 5 Tết, khi tôi ghé chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu ở đường Thống Nhất (quận Gò Vấp) để hỏi mua khẩu trang và nước rửa tay khô, cô nhân viên bán hàng nói: “Anh thông cảm, hai món đó đã hết hàng, chờ vài ngày nữa”.

Đến chiều nay, mùng 7 Tết, tôi ghé lại một cửa hàng thuốc tên Long Châu nhưng nằm trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận), hỏi lại hai món ấy nhưng vẫn nhận một câu trả lời: “Chưa có! Mai hàng mới về. Hàng Việt Nam và hàng Nhật”.

Hỏi giá, cô nhân viên chỉ ỏn ẻn: “Dạ, hàng bán trên toàn hệ thống nên chưa có giá. Lỡ nói giá này, mai đăng giá khác, sao được”. Nghe loáng thoáng chuyện hai cô gái Tây hỏi chai gel rửa tay khô thì nhiều cửa hàng thuốc tây quanh đó cũng trả lời như vậy.

img

Chuỗi cửa hàng thuốc tây Long Châu đã hết khẩu trang và nước rửa tay khô từ tối mùng 5 Tết. ảnh: M.P

Tôi ghé chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại mang tên Di Động Việt trên đường Trần Quang Khải (quận 1) để coi chuyện mua bán đầu năm. Vì virus Corona nên ở đây xuất hiện bảng thông báo: “Nhân viên phải đeo khẩu trang khi giao dịch với khách hàng”. Nhưng tôi không hiểu vì lý do gì mà 2 cô nhân viên của cửa hàng này lại không đeo khẩu trang.

Gọi cho chủ để hỏi, ông chủ trẻ lại không nghe máy, chắc là còn đang du xuân đâu đó… Cửa hàng chỉ có dăm ba người khách. Ai cũng đeo khẩu trang và cắm mặt vào điện thoại.

Cũng như nhiều năm trước, tháng Giêng không phải là tháng bán hàng điện thoại. Nhưng năm nay, theo lời của ông Tuấn - chủ chuỗi Minh Tuấn Mobile: “Năm ngoái bán nhiều hàng hơn. Còn năm nay, có phải vì Corona hay không mà 2 ngày nay chỉ bán lai rai, chủ yếu là bán phụ kiện”.

img

Nỗi khổ của khách hàng thời virus Corona là đi đâu cũng làm "ninja".

Ghé một quán nhậu quen trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), tôi thấy bàn ghế còn xếp ở góc nhà, hỏi bao giờ mở quán, cô chủ quán cho biết: “Dự tính là mùng 10 nhưng điệu này, chắc phải sau rằm mới tính tiếp. Trước tết có bán được gì đâu, kể từ khi có “ông” 100”. Cô chủ quán kể lể dông dài nhưng chủ yếu là nói “100 làm mất nồi cơm của chủ và nhân viên”.

Một chủ tiệm tạp hóa trên đường số 8 (quận Gò Vấp) kể, trước Tết, nhiều nhân viên tiếp thị bia tại các quán nhậu về Tết “mà không có một đồng”. “Tôi hỏi ông, nhân viên tiếp thị bia mà không bán được chai nào thì làm sao có lương, thưởng? Có mấy đứa thấy vậy, chạy qua tôi xin bán 1 tuần, tôi cho mỗi đứa mấy trăm ngàn về quê. Tụi nó hứa sau Tết sẽ làm ở tiệm”, ông chủ tiệm tạp hóa nói. Chủ tiệm còn tiết lộ, tiệm của ông vẫn bán được bia vì khách mua về nhà!

Nhiều người dân thích TP.HCM trong năm như TP.HCM chiều nay. Đường vắng người, không kẹt xe, nhưng đụng phải chuyện con virus Corona mà tất cả như "ninja". Chỉ nhìn thấy xung quanh những con mắt đen tròn. Nghe nói nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang cả trong phòng làm việc.