Chiều nay tôi đi một loạt 7 - 8 hiệu thuốc hỏi mua khẩu trang y tế. Hầu như nơi nào cũng trả lời đã hết sạch. Chỉ có một hiệu bán lẻ 10 chiếc khẩu trang 3 lớp 30 nghìn, nhưng cũng bảo chỉ còn vài gói nữa. Một hiệu khác bán 10 nghìn một chiếc.
Giá khẩu trang đã tăng 3 lần, 5 lần ngày thường, thậm chí tăng 10 lần so với giá mua cả hộp, nhưng mua được còn là may mắn. Cả ngày hôm nay Hà Nội phát sốt vì khẩu trang, ghé vào hiệu thuốc nào cũng thấy khách hàng hỏi. Rất nhiều người than phiền khẩu trang y tế 3 lớp, 5 lớp đã tăng từ vài chục nghìn lên 300 - 400 nghìn một hộp, giá tăng chỉ cách nhau vài giờ. Trên mạng cũng lan truyền một đoạn video khách hàng chen chúc nhau với những hộp khẩu trang trên tay được cho là ở chợ thuốc Hapulico tại Hà Nội, mà hình như không ai sợ lây nhiễm bệnh ở ngay trong khung cảnh hỗn loạn đó.
Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt đơn vị bán khẩu trang không có bảng niêm yết giá tại tòa nhà Hapulico. Ảnh: VTC
Tình trạng cũng giống như dịch cúm A ở Hà Nội cách đây gần 2 tháng. Đầu tháng 12, con gái tôi bị cúm A, giá thuốc mới tăng “nhẹ” là 80.000 đồng/viên so với giá thông thường là 45.000 – 50.000, thì chỉ 2 tuần sau, giá thuốc lên tới 150.000 – 200.000 đồng/viên, một liều điều trị 10 viên mỗi hộp người bệnh đã mất 2 triệu, thậm chí có nơi 2,5 triệu.
Không thiếu những kẻ trục lợi lúc dịch bệnh để tăng giá khẩu trang, giá thuốc vô tội vạ. Cùng là đồng bào với nhau, sao nhiều kẻ nhẫn tâm đến thế với sự lo sợ, với sức khỏe của người khác. Tinh thần tương trợ lẫn nhau kiểu "bầu ơi thương lấy bí cùng", "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ" gần như chỉ có trong sách vở hay sao?
Bộ Y tế, trong cuộc họp báo khẩn cấp chiều 31/1, thông báo đã đốc thúc hơn 30 công ty sản xuất khẩu trang trong nước, nhưng trước đó thì những kẻ đầu cơ, găm hàng đã kịp kiếm lời kha khá. Bộ và nhiều bác sĩ cũng đã khuyến cáo rằng chỉ cần chiếc khẩu trang y tế bình thường, cùng với những biện pháp như rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho, tránh nơi đông người, là đủ giúp giảm nguy cơ nhiễm virus corona cũng như các loại virus gây cúm khác trong đời sống hàng ngày. Chỉ những người chăm sóc điều trị cho bệnh nhân hay đi vào ổ dịch mới cần khẩu trang đặc biệt N95 và quần áo bảo hộ. Nhưng trước đó cũng đã vô số quảng cáo thổi phồng về tác dụng của khẩu trang N95, mà hầu hết lời lẽ đều đánh vào tâm lý sợ hãi của người dân, dọa dẫm hơn là trấn an. Chẳng lẽ những lúc nguy khốn, tình thương với nhau lại thiếu đến thế.
Có lẽ giá khẩu trang không thể giảm ngay, nhưng giá người ta chịu lắng nghe những thông tin của Bộ, của các bác sĩ, và nếu Bộ có các biện pháp dự phòng, đốc thúc nguồn cung khẩu trang sớm hơn trước dịch lần này, hay bất kỳ trận dịch nào, thì có lẽ đã không gây nên những cơn sốt giả như thế.
Nhà thuốc Thiện Cảnh - nơi bị Đội Quản lý thị trường số 8 bắt quả tang việc bán khẩu trang cao gấp nhiều lần. Ảnh: Ngô Hùng.
Đấy là chưa kể tin giả về virus corona chủng mới đang lây lan nhanh hơn cả chính virus. Bất chấp việc hàng loạt biện pháp đối phó đã được triển khai ngay trong Tết, từ việc ngừng cấp visa du lịch, ngừng các chuyến bay đến vùng dịch, cách ly điều trị khách du lịch đã nhiễm, theo dõi sát sao những người nghi nhiễm hay người sốt, khuyến cáo không đến nơi đông người, dừng lễ hội chưa khai mạc, khuyến cáo cách thức phòng ngừa với cá nhân...
Nhưng tràn ngập trên mạng và được chia sẻ bất chấp, đầu độc tâm trí người đọc là những tin giả về người nhiễm ở Hải Phòng, tin giả về chính phủ sẽ phun thuốc lên trời vào buổi tối và mọi người nên hạn chế ra đường, tin giả về việc Hà Nội sẽ công bố dịch chiều tối 31/1. Tất cả những tin giả đó đã được bác bỏ, nhưng chính những tin giả kiểu đó đã làm tăng giá khẩu trang, gây hoang mang lo sợ, gây mất lòng tin vào hệ thống y tế và các bác sĩ đang căng mình ra chống dịch.
Buổi tối, sau khi nghe hết bản tin về cuộc họp báo của Bộ Y tế lúc chiều, tôi lại ra một hiệu thuốc gần nhà. Khẩu trang y tế cũng hết, cô bán hàng đưa tôi một chiếc khẩu trang 3M dùng nhiều lần giá 80 nghìn, nhưng trên bao bì không một dòng chữ về nơi sản xuất, đăng ký. Một bác khách hàng lớn tuổi vào trước tôi ngần ngừ, rồi mua một chiếc khác không rõ loại gì với giá rẻ hơn, 40 nghìn. Hai mẹ con nhà khác đầy vẻ mệt mỏi vì tha lôi nhau thì bảo, đi mấy hiệu thuốc mà không mua được khẩu trang y tế. Nhìn họ mà thấy nao lòng.
Nhưng rất may là chuyện tăng giá khẩu trang giữa lúc này chỉ là một phần của sự thực. Sự tử tế vẫn hiện diện nhiều nơi. Một vài người bạn của tôi chia sẻ thông tin về các điểm phát khẩu trang miễn phí, mỗi người được lấy 3 chiếc, một vài hiệu thuốc vẫn bán khẩu trang với giá cũ với lý do giản dị để mọi người cùng phòng dịch.
Mấy hôm trước, có một bức ảnh làm tôi rất xúc động. Đó là tấm ảnh các bác sĩ Khoa điều trị cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân. Ở đây đã điều trị thành công một bệnh nhân Trung Quốc nhiễm virus corona chủng mới, bệnh nhân xét nghiệm âm tính sau vài ngày điều trị. Chính ở các bệnh viện, các bác sĩ là những người đang đối mặt với nguy cơ từng ngày. Điều đó khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện bác sĩ Carlo Urbani người Italia, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam từ năm 2000, người đầu tiên phát hiện căn bệnh SARS ở Việt Nam khi dịch bùng phát năm 2003 và rồi chính ông bị phơi nhiễm và qua đời vì SARS.
Rồi ở nhiều nơi cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ sinh hoạt, các cửa khẩu, sân bay, các hoạt động vẫn phải diễn ra bình thường. Nhiều người đang phải đặt qua một bên những nguy cơ, thậm chí hy sinh lợi ích của họ để cuộc sống tiếp diễn. Chiếc khẩu trang, chắc chắn chỉ là chuyện nhỏ. Bởi lòng tin và sự đoàn kết, chia sẻ cũng rất cần thiết để vượt qua mọi dịch bệnh.