Sáng ngày 1/2 (mùng 8 tháng Giêng), người dân làng Thị Cấm (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đổ xô đến đình làng để dự hội thi nấu cơm.
Trước giờ thi khoảng một tiếng, các đội thi đều có mặt để chuẩn bị sẵn các vật dụng cho cuộc thi như chày, cối, rơm...
Sau khi ban tổ chức hoàn thành các nghi lễ bên trong đình cũng là lúc tiếng trống báo hiệu bắt đầu cuộc thi vang lên. Mở đầu là phần thi chạy lấy nước thổi cơm và phần thi kéo lửa. Các thanh niên trai tráng phải dùng các dụng cụ thô sơ để tạo ra lửa bằng lực ma sát, sau đó phải vừa đi vừa thổi vào bó rơm để giữ lửa, mang về đội của mình.
Các thành viên khác thì đun sôi nồi nước trước khi cho gạo vào. Không khí cuộc thi diễn ra rất khẩn trương vì các đội chỉ có khoảng 30 phút từ lúc kéo lửa đến khi cơm chín.
Khi cơm sôi, nếu không đậy vung cẩn thận sẽ bị trào ra do lửa rất to. Sau đó, các nồi cơm sẽ được trải một lớp khăn và giấy ăn lên trên để tránh bị tro tràn vào khi vùi trong tro rơm.
Dự thi hội thổi cơm làng Thị Cấm năm nay, bà Viết Thị Thìn (tổ 4, phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, để phòng tránh dịch bệnh viêm phổi cấp Corona, bà vừa thi vừa phải đeo thêm chiếc khẩu trang cho yên tâm. "Năm nay tuy hội không đông lắm nhưng tôi vẫn rất vui vì dù trời mưa và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dân làng vẫn đến ủng hộ, tạo nên không khí rất sôi động", bà Thìn nói thêm.
Dù khói đã bốc lên mù mịt, thành viên các đội vẫn ra sức đốt thêm rơm để tăng nhiệt độ cho cơm chín nhanh hơn, đồng thời tạo các đống tro giả để ngụy trang cho nồi cơm.
Khói trắng xóa khắp sân đình, nhiều người chơi, khán giả phải nhắm nghiền mắt.
Hết thời gian, ban giám khảo yêu cầu các đội dừng tay để đi thu các nồi cơm về.
Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, ban giám khảo sẽ mang xới ra bát để dâng lên Thành hoàng làng.
Để phòng tránh virus Corona, nhiều người chơi cũng như khán giả đến dự hội thổi cơm đeo thêm chiếc khẩu trang y tế.
Sau đó, các thành viên ban giám khảo nhìn bằng mắt và dùng tay bấm thử vài hạt cơm để chấm điểm. Nồi cơm nào trắng, dẻo, thơm ngon nhất sẽ giành chiến thắng.
Sau khi nồi cơm giành giải nhất được công bố, người dân vội vàng lao tới xin mang về, thậm chí nhiều người tranh nhau bốc một nắm cơm để ăn lấy may.
Hội thi nấu cơm làng Thị Cấm là hoạt động truyền thống của làng nhằm tưởng nhớ công ơn của tướng quân Phan Tây Nhạc, đời vua Hùng Vương thứ 18. Trước đây ông từng tổ chức thi thổi cơm để tìm người nuôi quân giỏi.