Quan trọng là ý thức người dân
Chia sẻ về thắc mắc của người dân: “Công bố dịch để làm gì?”, “Có phải bệnh do nCoV nghiêm trọng hơn?”, “Công bố dịch có phải là để tăng cường các biện pháp quyết liệt, cứng rắn hơn để ngăn chặn dịch?”, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, để có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch.
Ví dụ như thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch đáp ứng từng cấp độ, chuyên môn thu dung, điều trị; giám sát cửa khẩu, kiểm soát thân nhiệt du khách, kê khai y tế, tăng cường truyền thông... rồi các chế độ cho người đi vào vùng dịch, chế độ cho bệnh nhân...
PGS Trần Đắc Phu: Hệ thống giám sát ca bệnh của Việt Nam đang làm tốt.
“Nhưng rõ ràng các biện pháp mạnh mẽ này chúng ta đã làm từ trước khi công bố dịch. Chúng ta đã có Chỉ thị phòng chống dịch của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cũng đã thành lập ở tất cả các cấp.. trước ngày 1/2” – PGS Phu cho biết.
Nhiều người cũng cho rằng, đáng lẽ chúng ta cần phải cách ly tất cả những người Trung Quốc vào Việt Nam hoặc những người Việt từ Trung Quốc trở về thì sẽ ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn và làm từ trước Tết khi lượng người từ Trung Quốc đến Việt Nam đông, đặc biệt là những người đến từ trung tâm dịch Vũ Hán. Vì rõ ràng 6 ca bệnh do nCoV mà Việt Nam đã phát hiện thì 4 ca từ Vũ Hán trở về và 2 ca lây nhiễm từ các ca bệnh này.
Về điều này, PGS Phu cho rằng, thực tế không phải tất cả người đi từ vùng dịch về đều mang virus. Về nguyên tắc chúng ta chỉ cách ly những người có triệu chứng bệnh. “Trong tình hình hiện tại, nếu chúng ta đưa đến bệnh viện mà họ không mắc bệnh mà lại lây bệnh khác thì nguy hiểm. Hơn nữa hàng chục nghìn người từ Trung Quốc đến (về) Việt Nam thì lấy đâu ra cơ sở y tế thu dung bằng đấy người”.
Dấu hiệu có thể bị bệnh do virus corona
PGS Phu cũng nói thêm, với những người không có triệu chứng bệnh không cách ly thì cũng đã kiểm soát bằng các biện pháp khác như yêu cầu họ kê khai y tế để biết rõ họ đã đi đâu, đến đâu, để lại địa chỉ để khi có bất thường có thể nắm rõ “đường đi nước bước” của họ.
Chúng ta cũng đã yêu cầu những người Việt trở về từ vùng dịch “tự cách ly” trong vòng 14 ngày, đeo khẩu trang, khử khuẩn nơi ở... để bảo vệ bản thân và người nhà. Nếu có triệu chứng ho sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế để kịp thời cách ly, kiểm soát, làm các biện pháp phòng dịch khác. Còn khách Trung Quốc khi có dấu hiệu sốt, ho cũng phải thông báo ngay...
Đây là những biện pháp tốt nhất phù hợp nhất trong tình hình hiện nay, cũng như các dịch bệnh khác.
Ngoài ra, để quản lý người lây nhiễm trong cộng đồng, hệ thống giám sát đã chú ý điều tra dịch tễ rất sát sao, không bỏ sót đối tượng kể cả lái xe đã chở bệnh nhân, lễ tân từng tiếp xúc với bệnh nhân...
“Việc giám sát ca bệnh tại cộng đồng, tại các cơ sở y tế là rất quan trọng vì có những trường hợp lọt qua cửa khẩu mà không sốt, không khai báo y tế. Ngoài ra phải đề cao ý thức của người dân. Điều này mới quan trọng chứ còn khó giám sát tất cả hàng chục nghìn người từ Trung Quốc sang hoặc người học tập, làm ăn từ Trung Quốc trở về” – PGS Phu nói.
Học sinh không nên nghỉ học
Hiện nay, có hiện tượng phụ huynh ở nhiều trường mầm non đã lên tiếng yêu cầu nhà trường cho con nghỉ học. Bộ GD ĐT cũng vừa có thông báo đề xuất lên Thủ tướng cho 3 tỉnh có ca bệnh mắc nCoV (Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Thanh Hóa) nghỉ học để đề phòng dịch bệnh lây lan.
Phun khử khuẩn trường học tại Hà Nội
PGS Phu khẳng định: “Chúng tôi khuyến cáo học sinh không phải nghỉ học vì đã có ca bệnh lây lan trong học sinh đâu. Nhưng các tỉnh, các trường cần phải khuyến cáo học sinh, giáo viên thực hiện các biện pháp phòng dịch, đeo khẩu trang, khử khuẩn trường lớp. Đồng thời khi phát hiện có cháu nào ho, sốt và đặc biệt đã tiếp xúc với các ca bệnh thì phải đưa đi khám và thông báo lên cấp trên. Nếu có ca bệnh chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ GDĐT để có cách xử lý phù hợp, kịp thời, nếu cần cho học sinh 1 lớp hay cả trường nghỉ thì sẽ có bàn bạc, cân nhắc”.
Đánh giá về tình hình dịch nCoV trong thời gian tới, PGS Phu cho biết, nguy cơ dịch lây lan rộng ở Việt Nam là cao hơn các nước khác vì Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc dài, giao lưu con người, thương mại cũng rất lớn.
Nguy cơ rất lớn nhưng việc dịch có lan rộng hay không phụ thuộc vào sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các ban ngành, chính quyền địa phương và sự hợp tác, phòng bệnh của người dân. Thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã tiến hành đồng thời theo dõi diễn biến của dịch để có các ứng phó cao hơn.
“Việt Nam đã xây dựng các kịch bản phòng dịch từ cấp thấp lên cấp cao mà cấp 4 cao nhất là khi dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Các biện pháp ứng phó với dịch của chúng ta luôn cao hơn một chút so với mức độ. Ví như hiện tại mới có 6 ca bệnh nhưng chúng ta đã thực hiện kịch bản cấp độ 3 (20 ca bệnh). Chúng ta sẽ không bị động trong việc ứng phó với phòng chống dịch, kể cả cơ sở y tế thu dung, điều trị, trang thiết bị y tế, thuốc men, nhân lực...” – PGS Phu khẳng định.
Tuy nhiên, theo PGS Phu, việc quan trọng vẫn là phân tích tình hình dịch và đưa ra các hành động, mức đáp ứng hợp lý, không gây ra khó khăn không đáng có về mặt an sinh xã hội hay kinh tế. Người dân cảnh giác với dịch bệnh nhưng không hoang mang. Việt Nam đã làm tất cả các biện pháp ở mức cao hơn Tổ chức Y tế WHO khuyến cáo. Nếu cần ban bố tình trạng y tế khẩn cấp khi mà dịch lây lan quá rộng, tử vong quá nhiều, không kiểm soát được. Cái này sẽ đặt ra nhiều vấn đề hóc búa mà Chính phủ, Quốc hội mới quyết định được.
"Điều quan trọng theo tôi bây giờ cần làm là sự đồng lòng, quyết liệt phòng dịch từ trung ương đến địa phương, từ tỉnh, huyện, xã và người dân. Chúng ta không thể để tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vì khi có dịch, chỉ cần 1 tỉnh lơ là thì dịch sẽ lan sang tỉnh khác và bùng lên. Người dân lo lắng không sai nhưng không quá hoang mang, không dễ tin vào các đồn thổi trên mạng xã hội mà hãy đọc thông tin trên các báo chính thống, theo dõi các khuyến cáo của Bộ Y tế và thực hiện biện pháp phòng dịch” – PGS Phu khuyến cáo.