Dân Việt

Xem xét đầu tư dự án sân bay Long Thành trong tháng 3/2020

Thế Anh 03/02/2020 17:37 GMT+7
Bộ GTVT được giao nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng bộ với từng giai đoạn đầu tư theo định hướng trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế.

Nghị quyết của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội đồng thẩm định nhà nước được yêu cầu khẩn trương hoàn thành các công việc này. Sau đó, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án trong tháng 3 năm 2020.

img

Mô hình dự án sân bay Long Thành.

Theo đó, đối với việc điều chỉnh diện tích đất quốc phòng, bổ sung 2 tuyến giao thông kết nối, tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, công nghệ áp dụng, hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính, quản lý, vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực... Nghiên cứu, thực hiện theo nội dung Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội. Đặc biệt, Nghị quyết cũng thống nhất điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha cho phù hợp với nhu cầu hoạt động khai thác đồng bộ giai đoạn 1.

Dự án được đầu tư xây dựng dưa trên cơ sở phân loại các hạng mục công trình cần đầu tư, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để hoàn thiện đề xuất hình thức đầu tư bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự. Trong đó, có các giải pháp, chính sách đặc thù theo thẩm quyền để thực hiện dự án thuận lợi, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tập trung chỉ đạo thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để bàn giao mặt bằng kịp tiến độ thi công dự án, bảo đảm hoàn thành và đưa vào khai thác dự án theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Để thực hiện dự án, Bộ GTVT được giao nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng bộ với từng giai đoạn đầu tư theo định hướng trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai; cân đối, huy động các nguồn lực giai đoạn 2021-2025 để đầu tư đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1.

Về phương án huy động vốn, dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ và phải bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch. Trong đó, thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050ha thành 570ha dành riêng cho quốc phòng và 480ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng song Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc quản lý, sử dụng phần diện tích dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Dự án cũng được Quốc hội nhất trí bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào Dự án: Tuyến số 01 nối với QL51; Tuyến số 02 nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế, Quốc hội nhất trí việc đầu tư xây dựng 1 đường cất/hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Đồng thời, giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, GPMB và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ dự án không vượt tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 94/2015 về chủ trương đầu tư Dự án CHK Long Thành.

Quốc hội giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự.