Sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo của TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra trên địa bàn Hà Nội, chiều qua (3/2), đại tá Nguyễn Viết Thắng - Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đã có những trao đổi với báo giới.
Theo Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô, khi bệnh dịch nCoV trên địa bàn Hà Nội ở cấp độ 4 - lan rộng trong cộng đồng với 1.000 người bị lây nhiễm (cấp độ cao nhất theo kế hoạch phòng, chống dịch nCoV của Hà Nội) - Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ tổ chức bệnh viện dã chiến để cách ly người về từ vùng có dịch.
Đại tá Nguyễn Viết Thắng - Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Hai địa điểm được chuẩn bị cho kịch bản trên được Bộ Tư lệnh Thủ đô lựa chọn lập bệnh viện dã chiến là khu vực thị trấn Xuân Mai và thị xã Sơn Tây. Cơ sở hạ tầng có thể tận dụng tại địa điểm lập bệnh viện hoặc dựng nhà bạt tuỳ theo tình huống cụ thể.
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tiếp nhận 950 người từ Trung Quốc trở về, đảm bảo ăn ở hằng ngày cho những người này trong khu vực cách ly... Hiện Bộ Tư lệnh Thủ đô đề xuất Sở Y tế tăng cường lực lượng vật tư, bảo hộ để phòng chống dịch, lực lượng y bác sĩ…
"Hai đơn vị đó tuy cách ly 950 người và chia thành 2 nơi nhưng tại một địa điểm mặc dù kế hoạch cách ly 750 người nhưng có thể đảm bảo cho 1.500 người; nơi còn lại kế hoạch đảm bảo cho 200 người nhưng có thể thu dung được 400 người trong 14 ngày"- đại tá Thắng nói và cho biết, việc cách ly sẽ chia từng khu. "Số người đến sẽ được chia theo từng đợt để theo dõi, sàng lọc chặt chẽ. Vì thế sẽ hạn chế tối đa việc lây chéo".
Đại tá Nguyễn Viết Thắng cũng cho biết, bệnh viện dã chiến này của TP.Hà Nội đã được tổ chức từ năm 2005 để diễn tập phòng chống dịch cúm ở người. Thời điểm đó, Bệnh viện được tổ chức ở Kiến Hưng. Bệnh viện có các khoa khám bệnh, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, khoa nội, khoa dược của các bệnh viện khu vực, đội điều trị số 2… để thực hiện phòng chống dịch.
“Bệnh viện đã tổ chức và diễn tập từ năm 2005. Bây giờ nếu có dịch sẽ huy động lại bệnh viện dã chiến đó. Quy mô bệnh viện sẽ huy động 120 cán bộ công nhân viên với 150 giường bệnh. Tùy vào địa điểm tổ chức để làm sao cho phù hợp”- đại tá Thắng nhấn mạnh.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trên địa bàn thành phố. Giao các sở, ban, ngành chức năng tích cực phối hợp, chống dịch như chống giặc, hạn chế thấp nhất các ca tử vong.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo phòng Quân y các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc và điều trị bệnh nhân; xây dựng phương án triển khai khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh này bùng phát; sẵn sàng chi viện cho ngành y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế.
Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCoV. Có 29 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV (6 trường hợp đến từ Vũ Hán, 19 trường hợp đến từ các địa phương khác của Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài). Trong đó, 27 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính (hai trường hợp đã ra viện, 22 trường hợp tiếp tục điều trị). Hai trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm hiện điều trị tại Bệnh viện nhiệt đới trung ương. |
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tính đến ngày 3/2, số người chết do virus corona tăng lên 362, trong đó có 361 người ở Trung Quốc, số ca nhiễm cũng lên hơn 17.000, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Tại Việt Nam tính đến 15h ngày 3/2 ghi nhận 8 trường hợp dương tính với nCoV. Trong đó hai trường hợp là người Trung Quốc (một trường hợp đã khỏi bệnh), 4 người Việt trở về từ Vũ Hán, một người Việt là lễ tân khách sạn có tiếp xúc gần với hai người Trung Quốc, một công dân Mỹ đến Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan ghi nhận trường hợp nCoV truyền từ người sang người. Trong đó, một bệnh nhân nhiễm virus corona chết ở Philippines, trở thành ca tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc. |