Dân Việt

“Đóng dấu” VietGAP lên rau, hoa Lâm Đồng

07/03/2012 15:16 GMT+7
(Dân Việt) - Từ bỏ những thói quen canh tác cũ, không còn phập phồng lo âu khi giá cả lên xuống. Người làm nông ở Lâm Đồng đang hướng đến sự phát triển an toàn và bền vững cho các cánh đồng rau, hoa của mình bằng việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nếu như khoảng gần 10 năm trước đây, những cánh đồng thương hiệu đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Lâm Đồng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thì hiện tại tiêu chuẩn này đã được “đóng dấu” đa dạng trên các sản phẩm từ dâu tây, cà chua, lơ, sú tím… đến hoa cúc, ly ly …

img
Trồng rau công nghệ cao ở Đà Lạt - Lâm Đồng.

Anh Nguyễn Hữu Phước ở phường 8, TP.Đà Lạt, cho biết: “Gia đình tôi hiện có 7.000m2 đất trồng cà chua, xà lách, dưa leo… theo VietGAP. Hầu hết đều cho sản phẩm chất lượng và thời gian thu hoạch sớm hơn khoảng nửa tháng so với canh tác theo cách thông thường. Trồng theo hướng này, hoàn toàn phải sử dụng các chế phẩm từ phân bón vi sinh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để canh tác, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do đó tiết kiệm được chi phí đồng thời nâng cao giá trị của cây rau thương phẩm.”

Không những thế, các sản phẩm sản xuất theo VietGAP còn có năng suất và giá bán cao hơn so với canh tác theo kiểu truyền thống. Anh Nguyễn Hữu Tuấn ở đường Nguyên Tử Lực, TP.Đà Lạt khẳng định: “Vườn dâu trên 1.000m2 của gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2005, năng suất luôn tăng từ 15 - 20% so với thông thường. Quả chắc, to, có màu sắc tươi đẹp, đáp ứng được trên 90% tiêu chuẩn xuất khẩu".

Cũng theo anh Tuấn, thì tuy giá trị đầu tư ban đầu hơi cao vì phải đáp ứng các quy chuẩn của hệ thống an toàn, nhưng việc thu hồi lại vốn cũng khá nhanh bởi giá bán luôn ổn định và cao hơn từ 30 - 50% so với dâu trồng bình thường. Trừ toàn bộ chi phí, hàng năm vườn dâu của gia đình đều cho thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng.

Không chỉ có rau, củ, quả, người dân ở Lâm Đồng còn áp dụng sản xuất VietGAP trên cây hoa và thu được lợi nhuận khá cao. Anh Nguyễn Văn Ba ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng có 1,5ha hoa ly ly trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận vào năm 2010. Mỗi năm gia đình anh đều có lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, cao gấp 3 - 5 lần so với trồng rau.

Tuy nhiên, việc những cá nhân đơn lẻ tìm đến với VietGAP vẫn còn chiếm một tỷ lệ nhỏ so với hàng ngàn hộ nông dân đang sinh sống bằng việc trồng rau, hoa ở Lâm Đồng. Việc giúp cho người làm nông ở đây có được sự tiếp cận với tiêu chuẩn VietGAP trên diện rộng và đồng bộ thực sự chỉ diễn ra khi các nhà đầu tư tìm đến để liên kết sản xuất.