Dân Việt

Hà Nội sẽ chi 1/3 ngân sách cho nông thôn

07/03/2012 08:09 GMT+7
(Dân Việt) - Hà Nội sẽ tăng mạnh đầu tư ngân sách để phát triển hạ tầng nông thôn; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân phát triển sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp…
img
 

TS Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN.

Vẫn giữ 92.000ha đất lúa!

Dù là thủ đô, nhưng Hà Nội lại có vùng nông thôn rất rộng lớn với nhiều đặc thù khác nhau. Vậy định hướng xây dựng NTM Hà Nội sẽ có gì khác biệt so với các địa phương khác?

- Đúng vậy. Tuy là thủ đô, nhưng Hà Nội có đến 401 xã với 4 triệu nông dân. Điều kiện hạ tầng nông thôn của Hà Nội còn khó khăn, quy mô sản xuất nhỏ, khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị lớn. Do đó, trong phát triển nông thôn, Hà Nội cần một nguồn lực rất lớn.

Trước mắt, chúng tôi phải chọn những việc tốn ít kinh phí để làm trước, trong đó ưu tiên hoàn thiện xong đề án xây dựng NTM tại các xã trong quý I này. Mặt khác, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch.

Tại Hà Nội hiện nay, các khu đô thị mới, khu công nghiệp đang mọc lên với tốc độ chóng mặt. Giữa tốc độ đô thị hoá như thế, bức tranh nông thôn của Hà Nội sẽ được định hình như thế nào trong tương lai?

- Đô thị hoá mang lại cho nông thôn nhiều thuận lợi, đặc biệt là nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng đô thị hoá cũng tạo cho nông thôn nhiều khó khăn, từ việc ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của những người nông dân bị mất đất, đến văn hoá, nhất là môi trường sản xuất, sinh hoạt. Chẳng hạn, một số khu đô thị, khu công nghiệp sau khi hình thành đã làm thay đổi, chặn đường thoát nước, gây úng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến các công trình thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nói rõ là, trong quy hoạch đô thị Hà Nội, đất nông nghiệp sẽ không bị mất quá nhiều. Hiện Hà Nội có 104.000ha đất lúa và đến năm 2015 phải giữ còn 92.000ha theo chỉ tiêu của Chính phủ giao, nghĩa là diện tích đất nông nghiệp bị mất khoảng hơn 10.000ha (10%).

Chi 35% ngân sách cho nông thôn mới

Với nguồn lực lớn của mình, Hà Nội sẽ xác định mức đầu tư ngân sách cho Chương trình NTM ra sao, thưa ông?

- Xây dựng NTM là một chương trình lớn, do đó thành phố đã quyết định mức tổng chi ngân sách cho chương trình này là 35% ở tất cả các cấp; trong đó tập trung vào các hạng mục như xây dựng các cơ sở hạ tầng, trường học, đường giao thông nông thôn. Đây là con số rất lớn so với nhiều tỉnh, thành khác.

Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, đoàn thể tham gia xây dựng NTM. Đến nay, chúng tôi đã cấp riêng cho Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân thành phố 300 tỷ đồng (tương đương với Quỹ của T.Ư Hội Nông dân), dành để các hội viên vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.

img
Bộ mặt nông thôn ngoại thành Hà Nội đang ngày càng thay đổi.

Ngoài ngân sách nhà nước, Hà Nội còn một nguồn lực rất lớn là các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng thực tế số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội mới chỉ chiếm hơn 1% với số vốn 0,9% tổng vốn của tất cả các doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

- Tình hình của Hà Nội có lẽ cũng không khác nhiều so với bức tranh chung của cả nước. Tuy nhiên, có điều đáng mừng là tại lễ phát động “Chung tay xây dựng NTM” của thành phố tổ chức vào tháng 9.2011 vừa qua, các doanh nghiệp đã cam kết đóng góp cho Chương trình NTM của thành phố hơn 200 tỷ đồng và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tham gia hỗ trợ các huyện. Song cũng phải nói, sự tham gia này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu chung.

Nguyên nhân lớn nhất là cơ chế chính sách chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp. Ngay Nghị định 61 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cũng chưa đủ mạnh.

img Làm thế nào để phát triển kinh tế, đời sống người dân đi lên nhưng những nét đẹp trong bản sắc văn hóa Hà Nội vẫn được nâng niu, phát triển là một vấn đề rất quan trọng và cần làm ngay. img

Vậy Hà Nội sẽ có những giải pháp như thế nào để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào nông nghiệp, nông thôn nói chung, Chương trình xây dựng NTM nói riêng?

- Chúng tôi đang xây dựng một loạt những chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để trình HĐND thành phố vào giữa năm nay. Nhìn chung, sự ưu đãi thành phố dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn Hà Nội sẽ cao hơn mặt bằng chung của cả nước, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: Hỗ trợ công tác dồn điền đổi thửa; khuyến khích cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp; phát triển các vùng nông sản hàng hoá như lúa chất lượng cao, chè, rau an toàn, chăn nuôi công nghiệp. Đồng thời, phát triển các khu chế biến nông sản, giết mổ gia súc tập trung; phát triển các cơ sở sản xuất giống và ứng dụng công nghệ cao…

Gia đình tôi cũng nuôi gà

Ở Hà Nội có rất nhiều cách kiếm tiền “phi nông nghiệp”. Chẳng hạn, đất đai Hà Nội có giá như thế, chỉ cần bán đi một mảnh có thể có hàng tỷ đồng, hơn làm ruộng rất nhiều. Vậy theo ông, làm nông nghiệp ở Hà Nội có phải là cách tốt để làm giàu?

- Sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội có rất nhiều lợi thế. Đó là sẵn thị trường tiêu thụ, nguồn vốn phong phú, trình độ nhân lực tốt, có điều kiện thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật… Vì vậy, hoàn toàn có thể làm giàu được từ nông nghiệp.

Tôi chứng kiến, có những nông dân Hà Nội, mỗi năm thu tới 3 tỷ đồng từ 1ha hoa ly, trong khi vốn đầu tư không phải quá lớn. Không phải nhiều ngành có được lợi nhuận cao như thế đâu. Ngay bản thân gia đình tôi cũng tham gia làm nông nghiệp (nuôi vài vạn con gà), thấy thu nhập cũng rất ổn.

Sau 3 năm thực hiện, đến nay, xã điểm do Ban Bí thư T.Ư chỉ đạo tại Hà Nội là Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) đã đạt 18/19 tiêu chí NTM. Còn 3 xã điểm của thành phố sau 1 năm thực hiện cũng đạt từ 12-16 tiêu chí. Ngoài ra, 16/19 huyện, thị xã đã lập xong đề án xây dựng NTM.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận làm nông nghiệp muốn giàu trước hết phải làm ở quy mô tương đối một chút. Nếu nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mỗi hộ chỉ có 300-500m2 đất nông nghiệp như mức bình quân hiện nay ở Hà Nội, thì không thể giàu được.

Xây dựng NTM đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của Hội Nông dân Hà Nội trong công cuộc xây dựng NTM?

- Hội Nông dân Hà Nội là một tổ chức lớn với hơn nửa triệu hội viên, nếu phối hợp cùng thực hiện sẽ rất hiệu quả. Vai trò quan trọng của Hội là tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, vận động nông dân hiến đất làm đường giao thông…

Xin cảm ơn ông!