Tháng 11/2019, giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 66,11 triệu USD, chiếm 37,8% tổng giá trị XK mặt hàng này. Có thể thấy, trong bức tranh XK ngành cá tra thì Trung Quốc vẫn là thị trường trọng tâm của nhiều doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam. Tính đến hết năm 2019, Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là thị trường lớn nhất chiếm đến 36% kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Nhiều DN XK cá tra cho rằng nhu cầu tiêu thụ cá sẽ tăng trưởng mạnh sau khi Trung Quốc ổn định được dịch virus Corona.
Cổ phiếu ngành cá tra “đỏ sàn” vì virus Corona
Tính đến thời điểm hiện tại (sáng 5/2), theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 23.865 ca nhiễm virus Corona (nCoV) và 492 ca tử vong. Riêng tại Việt Nam có 10 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó 3 trường hợp đã điều trị khỏi và xuất viện. Chính bởi vì diễn biến nCoV đang khá phức tạp nên theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có thể giảm sút do xu hướng tiêu dùng bên ngoài (out-of-home) có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ virus Corona.
“Trong năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, nghỉ Tết nguyên đán kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trong Q1/2020”, SSI dự báo.
Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đưa ra nhận định “tiêu cực” kể cả trong ngắn hạn (bởi ảnh hưởng của virus Corona) lẫn quan điểm dài hạn năm 2020 với ngành thủy sản. Đây có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu nhóm ngành thủy sản, đặc biệt là ngành cá tra liên tục “đỏ sàn” từ sau tết Nguyên đán 2020 đến nay.
Chẳng hạn, với cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV), từ sau tết Nguyên đán đến nay, cổ phiếu ANV liên tục nằm sàn 4 phiên liên tiếp (bốc hơi hơn 20% giá trị). Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu ANV mới nhích nhẹ 200 đồng (+1,2%), lên mức giá 17.350 đồng/CP. Nguyên nhân khiến ANV giảm mạnh từ sau tết nguyên đán 2020 đến nay cũng bởi vì… virus Corona. Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp này phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu. Số liệu trên báo cáo tài chính quý IV/2019 của ANV cho thấy, doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 73,58% cơ cấu doanh thu (1.014 tỷ đồng); trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 30,5%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc đã phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản được miễn thuế vào nước này trong đó có mặt hàng cá tra, cá basa... Theo đó, hiện có hơn 150 DN Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 DN xuất khẩu cá tra. |
Là DN xuất khẩu cá tra lớn nhất vào thị trường Trung Quốc, “ông lớn” thủy sản Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) cũng không thoát cảnh “bốc hơi” mạnh giá trị cổ phiếu. Theo một báo cáo gần đây được VHC đưa ra, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra toàn thị trường 10 tháng đầu năm 2019 của đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) chiếm tỷ trọng khá lớn (31,8%), áp đảo EU (12,5%) và Mỹ (14,2%).
Trong 4 phiên giao dịch liên tiếp sau tết nguyên đán 2020, cổ phiếu VHC có 4 phiên “đỏ sàn” liên tiếp, giảm mạnh từ mức giá 39.600 đồng/CP thời điểm trước tết về mức giá 31.000 đồng/CP. Trong phiên giao dịch hôm nay (5/2), cổ phiếu VHC mới khởi sắc khi tăng 3,5%, từ mức giá 31.000 đồng/CP lên mức giá 32.100 đồng/CP.
Một loạt các DN khác có xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc cũng “đỏ sàn” nhiều phiên gần đây. Chẳng hạn, cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh cũng có 4 phiên liên tiếp đỏ sàn, hiện cổ phiếu HVG đang giao dịch ở mức giá 8.000 đồng/CP; hoặc cổ phiếu IDI của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I cũng nằm sàn 4 phiên liên tiếp, hiện đang được giao dịch ở mức giá 4.180 đồng/CP…
Không chỉ có cá tra, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng được dự báo sẽ gặp khó vì virus Corona, vì vậy không ngạc nhiên khi nhiều mã cổ phiếu ngành tôm cũng gặp khó. Chẳng hạn, “ông lớn” MPC (Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) cũng bị giảm sàn 3 phiên liên tiếp từ sau tết nguyên đán đến nay.
Vẫn lạc quan?
Dù các chuyên gia phân tích chứng khoán đều có cái nhìn “kém khả quan” với nhóm cổ phiếu ngành thủy sản, song các DN xuất khẩu thủy sản vẫn tỏ ra khá lạc quan với kế hoạch đã xây dựng trước đó.
Tại ANV, theo đánh giá của DN này, mặc dù xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc dự kiến sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh do các DN sở tại ngưng làm việc, nhưng vấn đề này chỉ mang tính chất tạm thời và nhu cầu tiêu thụ cá khả năng cao sẽ tăng trưởng mạnh sau giai đoạn này. Cơ sở để ANV tỏ ra lạc quan với cá tra là do các sản phẩm thay thế đều gặp vấn đề riêng: Thứ nhất, dịch tả heo châu Phi vừa qua đã làm giảm mạnh nguồn cung thịt heo; Thứ hai, cúm gia cầm H5N1 vừa khởi phát có thể sẽ làm giảm nguồn cung thịt gia cầm. Khi đó, cá tra là nguồn đạm thay thế vừa túi tiền và không mang bệnh có thể được cung cấp nhanh chóng từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ trong vòng 7 ngày.
Vì vậy, ANV vẫn lạc quan với kế hoạch đã xây dựng từ trước với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20% mỗi năm và cổ tức dự kiến 20% tiền mặt cho năm 2019.
Còn tại VHC của bà Trương Thị Lệ Khanh, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc vẫn được doanh nghiệp lựa chọn. Trong năm 2019, VHC đã tiến hành hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, trong đó có sự kiện FHC tại Thượng Hải hôm 12-14/11; Diễn đàn GAA Marketplace Forum tại Thanh Đảo ngày 29/10 và China Fisheries & Seafood Expo cũng tại Thanh Đảo ngày 30/10-1/11.
Đối với thị trường Trung Quốc, bước đi của VHC là chuyển mạnh từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch, cùng với việc nâng cao chất lượng, tăng uy tín,...
Trong khi đó, một số DN thủy sản Việt Nam lại chú trọng kênh bán hàng online để đẩy mạnh XK, thay vì tập trung XK tiểu ngạch. Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam, thủy sản là một trong những mặt hàng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang bán hàng online ở Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên sàn Alibaba của Trung Quốc và nhiều doanh nghiệp (DN) nước này cũng chuộng việc mua bán trên sàn TMĐT…