Những cư dân Sài Gòn ngày ấy đến Long Nguyên khai hoang giờ không còn ai. Ngay cả thế hệ con cháu đã “luân chuyển” lập nghiệp ở những vùng đất khác. “Cách đây ba chục năm, từ Sài Gòn tôi ngược lên Long Nguyên khai hoang” - bà Nguyễn Thị Hòa, hậu duệ của “người Long Nguyên” kể về mảnh đất này.
Từ trong ký ức
Bà Hòa kể, từ cuối thế kỷ thứ 18, Long Nguyên đã có cư dân từ miền Bắc, miền Trung ngược sông Sài Gòn lên đến Bến Cát rồi men theo sông Thị Tính (nhập với sông Sài Gòn ở Bến Cát) vào tận Long Nguyên lập nghiệp. Năm 1917, người Pháp xây dựng đồn điền cao su Michelin tại thị trấn Dầu Tiếng, dân ở đây trở thành “phu cao su”. Thời ấy, Long Nguyên thuộc rừng thiêng, nước độc gắn với với những địa danh nghe lạnh gáy: Bưng Ông Hổ, Hổ Đá, Suối Tre, Ngã Ba Đòn Gánh... Sau Michelin, người Pháp mở thêm các sở cao su nhỏ: Sở Lò Than, Sở Đòn Gánh...
Làng Tân Bình đang xây nhà mẫu giáo.
Trong chiến tranh, Long Nguyên là vùng chiến sự khốc liệt. Cư dân gốc rễ Long Nguyên phiêu bạt khắp nơi. Những cánh rừng xơ xác vì bom đạn... Ở đó, người Sài Gòn lập làng mới.
Theo bà Hòa, đợt di dân cuối cùng vào cuối những năm 70 của thế kỷ 20. Cùng với nông dân từ Thanh Hóa vào, quận Tân Bình (TP.HCM) đưa 300 hộ dân lên Long Nguyên, xây dựng vùng kinh tế cao su.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tố từng lấy vỉa hè đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) làm nhà kể lại: “Ngày ấy, Tân Bình đưa 300 hộ nghèo lên đây (tổng cộng 7 đợt), sống rải rác nhiều nơi trên đất Long Nguyên. Riêng 100 hộ ở các phường 2, 1, 4 và 17 (của Tân Bình) tụ lại ở cuối rừng Long Nguyên. Chúng tôi tự lập nên làng, thêm chữ Tân Bình để nhớ và dễ phân biệt với cư dân các địa phương khác sống ở đây lúc bấy giờ”.
Cuối năm 2019, lên Long Nguyên, tôi gặp Vy Thị Xuyến và Vy Thị Tích là người của làng Tân Bình. 40 năm qua, hai chị coi Tân Bình như quê hương. Chị Xuyến nhớ lại những ngày đầu lập làng: “Ngày đó làm gì có cái nhà ra hồn. Chúng tôi đốn tầm vông làm cột, cắt cỏ tranh làm mái lợp. Đêm nhìn từng bầy đom đóm đậu kín cây le mà rợn người”.
Nghe tin tôi trở lại Tân Bình, anh Phạm Văn Lộc (gốc phường 16, Tân Bình) đến chơi. Ngày lên Long Nguyên, anh Lộc được xã Long Nguyên cấp đất khai hoang, được nông trường cao su tiếp nhận làm công nhân. Vợ chồng anh Lộc mang nỗi đau đến nay vẫn không có gì bù đắp. Chuyện là, ngày nọ, Tân, con trai anh Lộc (sinh năm 1974) cùng em gái tên Bình rủ nhau vô rừng đào phế liệu, lượm được hai quả bom bi. Hai anh em tháo kíp quả bom bi. Bom nổ... “Mất hai đứa con ngày mới lên lập làng. Giờ vẫn còn đau”, anh Lộc nghẹn ngào.
Tôi men theo lô cao su xuống con suối chảy từ cầu Bến Ván xuôi ra sông Thị Tính, tìm nhà Nguyễn Văn Quang là “người làng Tân Bình”. Ngày mới lên Long Nguyên, vợ chồng anh Quang nai lưng đào le, đánh mấy chục gò mối được 10.000m2 đất. Rồi cắm hom mì, chen khoai lang dưới gốc điều “lấy ngắn nuôi dài” chờ ngày điều cho thu hoạch. Cách đây 14 năm, anh Quang chuyển từ điều sang cao su. Nhờ mấy năm cao su có giá, cuộc sống vợ chồng và các con anh ổn định, các con anh giờ đã có gia đình riêng.
Trong khi cùng tôi “ôn cố, tri tân” của người Tân Bình trên đất Long Nguyên, Nguyễn Văn Quang lấy tờ giấy ghi lại những người xưa lên lập làng, nay ai còn, ai mất, ai đi định cư ở những vùng đất xa xôi bên trời Tây... Quang nói ngon ơ: “Nhiều người lập làng nay không còn sống ở đây nhưng vẫn nhớ về làng. Họ gửi tiền giúp gia đình xây nhà khang trang, mua sắm xe, rồi làm đường”.
Hết cơn bĩ cực
Đứng trước ngôi nhà mới cất sơn màu sữa, chị Xuyến xởi lởi: “Ngày xưa nhà tre, mái lợp tranh, nay thay bằng nhà đẹp”. Không giấu được niềm vui đổi đời, chị Xuyến đứng bên góc sân nơi có hòn non bộ đặt giữa hồ nuôi cá kiểng nói: “Tự tay thiết kế, gắn hệ thống ô-xy cho cá thở. Giờ không còn phải đào sắt vụn, hầm than lấy tiền đong gạo như hồi mới lên lập làng”. Dẫn tôi ra con đường trước cửa nhà đã đổ bê tông rộng 3m, chị Xuyến kể tiếp: “Nhà nước vận động dân hiến đất làm đường nông thôn mới đó”. Đưa tay chỉ đường điện hạ thế, chị Xuyến nói: “Nhớ cô Tích nhiệt tình kiến nghị với ban giám đốc nông trường cao su, chính quyền xã Long Nguyên và ban quản lý điện Bàu Bàng mà bà con có điện. Chuyện từ 20 năm trước…”.
Đường về “làng Tân Bình” hôm nay. (K.D)
Cũng như một trăm hộ lập ra làng Tân Bình, ông Phạm Tiến Thành được nông trường cao su Long Nguyên tuyển làm công nhân từ khi cây cao su mới bén rễ. Khi khai thác mủ, ông được đi học nghề cạo mủ, trở thành công nhân có tay nghề cao, được ban giám đốc bổ nhiệm làm tổ trưởng tổ khai thác mủ. Nhờ có tay nghề, lại siêng làm mà thu nhập của ông Thành khá cao. Khi nghỉ hưu ông xây được ngôi nhà đẹp giữa rừng cao su. Ông Thành nói: “So với ngày mới lên lập làng, cuộc sống giờ khác nhiều. Nghèo như nhà chú Lâm nay cũng thoát nghèo. Hết cơn bĩ cực rồi”.