Dân Việt

Toạ đàm trực tuyến: “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?”

PV 05/02/2020 15:00 GMT+7
Bệnh dịch do virus Corona tác động như thế nào tới kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I và cả năm 2020? Giải pháp nào khi xuất khẩu nông sản bị đình trệ? Đây là chủ đề của cuộc toạ đàm trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt tổ chức từ 9h00 - 11h30 sáng 6/2.

img

Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt tổ chức sẽ diễn ra từ 8h30 - 11h30 sáng 6/2.

Chưa 1 đầy tháng tính từ thời điểm ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm viruss Corona (nCoV), dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài lục địa Trung Quốc.

Theo số liệu từ Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến sáng 5/2, đã có 24.536 ca nhiễm virus Corona và 492 ca tử vong được xác nhận trên toàn cầu. Đại dịch Corona được nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá có mức độ tác động còn lớn hơn so với năm 2003 khi có đại dịch SARS.

17 năm trước, khi đại dịch SARS kết thúc, nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng quy mô GDP toàn cầu và đã gây tổn thất kinh tế khoảng 40 tỷ USD. Còn hiện tại, tổn thất từ dịch bệnh do virus Corona gây ra được dự báo có thể cao gấp 3-4 lần con số nêu trên.

Đặc biệt, tính đến cuối năm 2019, kinh tế Trung Quốc đã chiếm tới 17% quy mô GDP toàn cầu, đồng nghĩa với tầm ảnh hưởng từ dịch virus Corona đến nền kinh tế toàn cầu sẽ bị khuếch đại hơn nhiều lần và ước tính mức độ thiệt hại có thể lên tới 160 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Để cứu vãn nền kinh tế đang tạm thời bị “tê liệt” 80% do 21/31 tỉnh thành ở Trung Quốc chưa đi làm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố bơm tổng cộng 1,7 nghìn tỷ NDT (tương đương 242 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ thông qua nghiệp vụ repo và hạ lãi suất ngắn hạn 0,10%. Tuy nhiên, động thái này cũng không cứu được thị trường chứng khoán bao trùm sắc đỏ và có phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2015.

Không những vậy, đại dịch Corona còn khiến nhiều quốc gia đưa ra quyết sách hạn chế giao thương với Trung Quốc, dẫn tới gần 10.000 chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc bị hủy do dịch virus Corona. Hơn 30 hãng hàng không trên toàn thế giới bao gồm cả hãng hàng không quốc gia nhiều nước trên thế giới như United Airlines, American Airlines, Delta... tuyên bố hủy hoặc giảm thiểu đa số các đường bay đến Trung Quốc – trung tâm của dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc lo ngại nếu dịch bệnh kéo dài vài tháng nữa thì sẽ phá sản. Với Trung Quốc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) mới là bộ phận đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn 2014-2019. Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBC) tính trong năm 2018, tổng doanh thu hàng năm của các SMEs đạt 188.200 tỷ NDT (khoảng 26.900 tỷ USD), chiếm tới 68,2% tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp tại nước này. Các SMEs cũng sử dụng tới 233 triệu lao động, chiếu hơn 79% tổng số lao động trong các doanh nghiệp trên toàn quốc. Rõ ràng, virus corona đang tác động trực tiếp tới nền kinh tế Trung Quốc.

img

Khu vực điều trị cách ly với những trường hợp nhiễm virus Corona tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Là quốc gia láng giềng có quan hệ kinh tế - thương mại mật thiết với Trung Quốc, Việt Nam khó có thể thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ đại dịch Corona. Theo tính toán Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng tăng trưởng quanh mức 6,5%, thấp hơn từ 0,2 - 0,4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục từ quý II/2020.

Song với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, BVSC cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II/2020.

Còn công ty chứng khoán SSI cũng đưa ra nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong quý I sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, và kịch bản sẽ xảy ra trong khoảng 6-6,5%. Mức tăng trưởng thấp (khoảng 5-6%) sẽ là mối lo ngại.

Theo đó, ngành bị tác động nhiều nhất chính là ngành dịch vụ. Theo tính toán của BVSC, trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam.

Một ngành nữa bị tác động, đó là nông lâm thuỷ sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm.

Trong quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 116,866 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam là 41,414 tỷ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỷ USD. Như vậy, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm ngoái. Đặc biệt, thị phần kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới gần 30%. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%.

Cụ thể, trong những ngày qua, khi đại dịch corona bùng phát mạnh mẽ, Việt Nam ngừng giao thương ở các cửa khẩu thuộc biên giới Việt – Trung, khiến nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long mất giá mạnh.

Vậy bệnh dịch do virus Corona tác động như thế nào tới kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế toàn cầu? Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I và cả năm 2020 chịu ảnh hưởng ra sao từ virus Corona? Cần có giải pháp gì khi virus Corona khiến nông sản bị đình trệ, 'lỡ hẹn' xuất chính ngạch sang Trung Quốc?...

Những câu hỏi này sẽ được giải đáp bởi các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và chính các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt tổ chức từ 8h30 - 11h30 sáng 6/2.

Khách mời tham dự toạ đàm gồm: 

- Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

- TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR);

- TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

- Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Bagico.