GS Nguyễn Thanh Long đánh giá, đến thời điểm hiện nay (ngày 5/2), tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) vẫn diễn ra khá phức tạp ở Trung Quốc, số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh từng ngày. Tuy nhiên, hôm nay, Trung Quốc cũng đã thông tin là có các dấu hiệu lạc quan khi số ca nghi nhiểm đang tăng chậm lại, số người dược điều trị khỏi tăng lên. Như vậy, hy vọng trong thời gian tới, số ca mắc và ca tử vong sẽ giảm.
Về virus Corona, GS Phong cho biết, virus này có cái tên rất đẹp Corona (có nghĩa là vương miện) vi soi dưới kính hiển vi có hình như chiếc vương miện. Virus này có 7 chủng, chủ yếu gây bệnh ở động vật. Tuy nhiên, khi đã gây bệnh ở người thì virus Corona đều tạo ra những đại dịch khiến thế giới kinh sợ như dịch SARs, MERs và nCoV hiện nay.
GS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Ban Tuyên giáo T.Ư.
Có 4 phương thức lây truyền virus Corona là: qua không khí (tiếp xúc với giọt nước bọt từ người có virus vào đường hô hấp của người khác), lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, lây qua bề mặt của các vật có virus. Đường thứ 4 có thể lây qua phân nhưng chỉ trong trường hợp chăm sóc với người bệnh.
Do đó, việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng là sớm phát hiện và cách ly các ca nghi nhiễm (sốt, ho, đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, người bị bệnh), tìm ca nhiễm trong thời gian nhanh nhất để điều trị triệt để.
GS Long chia sẻ những điểm lớn mà Việt Nam đang làm để chống dịch nCoV hiện nay:
Thứ nhất: Hạn chế và cách ly người đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là biện pháp cực kỳ quan trọng trong vấn đề kiểm soát bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam. Thủ tướng Chính Phủ đã có chỉ đạo, tất cả các trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích công vụ kể cả người Việt Nam đi từ vùng có dịch (31 địa phương của Trung Quốc), khi vào Việt Nam thì lập tức được cách ly tại các cơ sở. Đến hôm nay (5/2) đã có khoảng 900 người được cách ly tại các tỉnh biên giới và hầu hết là người Việt Nam.
Số lượng người Trung Quốc mà về nước họ chúng ta tạo điều kiện giúp đỡ cho bạn cũng như bạn giúp đỡ cho ta.
Cho nên một số thông tin nói rằng ở chỗ này chỗ kia có người tràn vào là không chính xác. Đồng chí Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi Quảng Ninh kiểm tra vấn đề này và lực lượng biên phòng hiện nay đã tăng lên con số hơn 1400 người để đảm bảo vấn đề đó.
Đến nay tất cả các đường mòn lối mở, 44 đường mòn, 7 cửa khẩu chính, 6 cửa khẩu phụ tại biên giới với Trung Quốc đều đã được kiểm soát.
Đường hàng không, sau khi có lệnh dừng chuyến bay chỉ có 1-2 chuyến về và chở rất ít khách, chủ yếu là khách Việt Nam chứ không có người nước ngoài nhập cảnh. Tất cả các cửa khẩu của chúng ta kể cả cửa khẩu hàng không không nhận những người đến từ Trung Quốc hoặc đi qua. Đấy là việc chúng ta ngăn chặn.
Bệnh nhân mắc nCoV sau một thời gian điều trị đã âm tính với nCoV bước ra khỏi khu cách ly Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thứ 2: Chúng ta cách ly, những trường hợp đã nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày qua, chia 3 cấp độ cao:
-Nếu nghi bệnh (sốt, ho, đi từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người bị bệnh) lập tức cách ly cơ sở y tế tuyệt đối, hiện nay có 80 trường hợp thì 5 trường hợp từ Vũ Hán về đã được cách ly tại cơ sở y tế;
-Với cá nhân đi từ tỉnh Hồ Bắc (trung tâm bùng phát dịch) thì vào Việt Nam là được đưa đi cách ly tập trung ngay và một số địa phương đã làm điều này.
-Người tiếp xúc hoặc đi từ Trung Quốc về dù ở vùng không phải có dịch nhưng cũng phải cách ly tại gia đình, dưới sự giám sát quản lý của cơ quan y tế, chính quyền địa phương, người đó không được đi ra khỏi nhà.
Nếu là khách mà cư trú tại khách sạn, nhà nghỉ thì lập tức phải cách ly tại khách sạn, nhà nghỉ đó. Những người tiếp xúc với những người cách ly cũng phải được lên danh sách và cách ly hạn chế.
GS Long ví dụ về các biện pháp áp dụng ở điểm nóng nhất của dịch Corona hiện nay ở Việt Nam: tỉnh Vĩnh Phúc. Khởi đầu các ca bị bệnh là 4 người từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, trường hợp thứ 5 là người thân tiếp xúc với người mắc bệnh.
Ngay khi biết tin về người đi từ vùng dịch về, ngành y tế đã cho cách ly ngay. Khi những người bị cách ly có hiện tượng ho, sốt lại được cách ly lần nữa và cho xét nghiệm xem có mắc nCoV hay kkhông, đồng thời cho theo dõi y tế những người tiếp xúc. Sau khi xác định ca bệnh, những người tiếp xúc với ca bệnh lại được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu có các dấu hiệu sốt lại tiếp tục đưa đến các cơ sở y tế xét nghiệm xem có virus hay không.
Hiện những người bệnh được cách ly tuyệt đối trong các bệnh viện, còn người tiếp xúc với người nhiễm được cách ly tại gia đình trong vòng 14 ngày, có nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Tổng cộng ở Vĩnh Phúc đã có 130 người phải theo dõi y tế trong đó có 18 người có nguy cơ cao mắc nCoV.
"Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu Vĩnh Phúc tạo thêm 1 vành đai thứ 4 là theo dõi y tế những người tiếp xúc với những người tiếp xúc với người bệnh, ai có ho, sốt phải đưa vào cách ly ngay. Với các mắt lưới ken dày như vậy, chúng ta hy vọng sẽ không để virus Corona lọt ra ngoài" - GS Long chia sẻ.
GS Long cũng cho biết, ngành Y tế cũng yêu cầu các Bệnh viện có khu cách ly người nghi nhiễm phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người này với người kia, đảm bảo vệ sinh, khử trùng khu cách ly cẩn thận để đảm bảo không lây chéo bệnh sang nhau đối với những người ủ bệnh, chưa có triệu chứng".
"Những giải pháp này chúng ta đã thực hiện từ năm 2003 khi có dịch SARs và với những giải pháp này, chúng ta khống chế được dịch SARs không lây lan ra cộng đồng. Tuy rằng các biện pháp này sẽ gây khó chịu, bất tiện cho những người bị cách ly nhưng rất mong mọi người dân hiểu, hợp tác vì sức khỏe của chính họ, người thân và gia đình" - GS Long khuyến cáo.