Giá dầu thô quay đầu tăng hơn 2%
Sau 2 tuần liên tục giảm mạnh xuống ngưỡng thấp nhất trong hơn 13 tháng trở lại đây, hôm nay giá dầu thô thế giới quay đầu tăng trở lại trước thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đang cân nhắc khả năng tiếp tục giảm sản lượng.
Đầu giờ sáng nay 06/02, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1,14 USD/thùng, tương đương 2,25% lên 50,75 USD/thùng; giá dầu Brent cũng tăng 1,32 USD/thùng, tương đương 2,39% lên 55,28 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới tăng hơn 2%
Tại cuộc họp ngày 4/2, OPEC và các đồng minh (OPEC+) đã đánh giá những ảnh hưởng của nhu cầu tiêu thụ và tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu tới thị trường dầu mỏ, giữa bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Dịch bệnh này đã lan tới 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đe dọa nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.
Theo đó, OPEC+ đang cân nhắc khả năng tiếp tục cắt giảm sản lượng và đẩy sớm cuộc họp chính sách dự kiến vào tháng 3/2020 sang tháng Hai. Tháng 12/2019, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày, đưa tổng mức cắt giảm lên 1,7 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, nhà phân tích Edward Moya, thuộc công ty môi giới OANDA, cảnh báo rằng nỗ lực cắt giảm sản lượng có thể không phát huy tác dụng nếu dịch bệnh do nCoV tiếp diễn lâu hơn tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đồng thời là động lực tăng trưởng chủ chốt đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu trong những năm gần đây.
Chính phủ yêu cầu: Giảm giá xăng dầu theo giá thị trường
Chiều 5/2, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp do Thủ tướng chủ trì trước đó, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ xác định: Việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm; trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường. Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ...
Tại thị trường trong nước, ngày 06/02, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 19.268 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 20.122 đồng/lít;
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.136 đồng/lít;
- Dầu hỏa: không cao hơn 15.062 đồng/lít;
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 12.444 đồng/kg.
Ngày 05/02/2020, giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm 1% do thị trường lo ngại nhu cầu năng lượng giảm khi dịch virus Corona...