Dân Việt

V.League không có VAR, Ban trọng tài VFF tìm giải pháp thay thế

Tuệ Minh 07/02/2020 15:25 GMT+7
Với những thay đổi tích cực trong Luật bóng đá, các trọng tài Việt Nam hứa hẹn sẽ có một mùa giải toát mồ hôi, đặc biệt trong hoàn cảnh công nghệ VAR chưa được áp dụng tại V.League 2020. Chia sẻ với báo chí, ông Dương Văn Hiền - Trưởng Ban trọng tài VFF hy vọng thông qua truyền thông, người hâm mộ sẽ hiểu rõ hơn về luật mới, tránh những phản ứng đáng tiếc trên sân.

Trưa nay, VFF đã tổ chức cuộc gặp mặt trao đổi thông tin với giới truyền thông xung quanh những nét mới cơ bản về luật được FIFA thay đổi và áp dụng từ năm ngoái và đặc biệt trong năm nay.

Cựu trọng tài FIFA Đặng Thanh Hà, người hiện làm giảng viên trọng tài quốc gia đã chia sẻ những thông tin quan trọng với báo chí, nhấn mạnh vào những tình huống lỗi hay không lỗi khi bóng chạm tay cầu thủ và những quả phạt đền phải thực hiện lại khi thủ môn vi phạm luật.

img

Giảng viên trọng tài Đặng Thanh Hạ trao đổi thông tin về luật bóng đá mới được FIFA thay đổi với phóng viên trưa nay. Ảnh: Cao Oanh.

Ông Đặng Thanh Hạ đã đưa ra những clip bóng đá quốc tế và Việt Nam để phân tích cụ thể những tình huống trước khi bóng vào lưới mà chạm tay cầu thủ tấn công với bất kỳ lý do gì thì bàn thắng đều không được công nhận.

"Ở đây FIFA đã bỏ đi 2 chữ "vô tình" so với luật cũ. Như  vậy, dù vô tình hay không, cứ bóng chạm tay là bàn thắng không được công nhận. Điều này giúp các trọng tài dễ dàng, chính xác hơn khi áp dụng luật".

Cũng theo sự thay đổi này, trong trường hợp bóng chạm tay cầu thủ tấn công (dù vô tình hay không) dẫn đến tình huống có bàn thắng thì trọng tài cũng không được công nhận.

img

ĐT Việt Nam đã được hưởng lợi từ công nghệ VAR áp dụng luật mới ở trận tứ kết ASIAN Cup 2019 với Nhật Bản. Ảnh: vnexpress

Gây "khó" cho hàng công nhưng luật mới lại mang tới những lợi thế nhất định cho cầu thủ phòng ngự. Cụ thể, nếu cầu thủ phòng ngự không cố tình dùng tay chơi bóng thì không bị phạt (cụ thể là không dùng tay làm cho cơ thể mình rộng hơn, không vung tay lên cao quá vai khi tranh chấp; đã thể hiện nỗ lực chơi bóng nhưng bóng vô tình chạm tay; thậm chí là khi bị ngã trong nỗ lực cản phá, nếu bóng chạm tay trụ chống xuống sân thì cũng không bị thổi phạt đền).

img

Cựu trọng tài FIFA Đặng Thanh Hạ lo các trọng tài sẽ không đủ bản lĩnh áp dụng luật mới khi bị khán giả phản ứng trên những sân nổi tiếng cuồng nhiệt như Thiên Trường. Ảnh: Cao Oanh

Với luật mới, các hậu vệ đã có thể yên tâm chơi bóng hơn trong vòng cấm thay vì luôn phải giấu tay sau lưng phòng trường hợp bóng vô tình "rơi" trúng tay và bị phạt đền.

Khi Dân Việt đặt vấn đề về việc luật mới dường như "hạn chế" các cầu thủ tấn công nhưng lại "ủng hộ" những cầu thủ phòng ngự, Giảng viên trọng tài Đặng Thanh Hạ đáp:

"Một trong những lý do quan trọng để FIFA thay đổi luật là để trận đấu công bằng hơn. Với cầu thủ tấn công, mọi thứ đã rõ khi bóng đá không chấp nhận bất kỳ bàn thắng nào được ghi bằng tay ở mọi tình huống.

Với cầu thủ phòng ngự, suy luận của những người làm luật là thử hỏi có hậu vệ nào muốn chơi bóng bằng tay để bị phạt đền không? Câu trả lời là không! 

Nhưng ở một số tình huống, nếu không nỗ lực cản phá thì họ sẽ nhận bàn thua. Chính vì vậy, ý nghĩa của luật này là: "Khi tôi đã nỗ lực chơi bóng mà bóng, chủ động chơi bóng nhưng xui xẻo bóng vô tình chạm tay mà lại bị phạt đền thì không công bằng".

Mở rộng thêm câu chuyện này với báo chí, ông Đặng Thanh Hạ mong mỏi giới truyền thông tuyên truyền làm rõ để người hâm mộ hiểu luật:

"VAR là một cứu cánh với trọng tài. V.League với điều kiện của mình chưa áp dụng được VAR nên rất cần người xem hiểu luật, cập nhật luật mới.

Nếu cứ thấy bóng chạm tay cầu thủ phòng ngự trong vòng cấm mà đòi phạt đền, chỉ trích trọng tài dù trọng tài đã áp dụng luật đúng thì rất đáng tiếc.

Chúng tôi lo với sự thay đổi này về luật, trong mùa giải mới, trước sức ép của khán giả như sân Thiên Trường thì không biết trọng tài có đủ bản lĩnh làm đúng không?".

Một điểm mới nữa về luật liên quan đến những quả phạt đền phải thực hiện lại do thủ môn không đứng đúng vị trí:

"Luật mới quy định trước khi quả bóng được đá đi trên chấm 11m, thủ môn được "giải thoát 1 chân", nghĩa là 1 chân được bay quá vạch cầu môn, nhưng chân còn lại phải ở trên vạch cầu môn.

Trong trường hợp thủ môn đứng cả 2 chân sau vạch cầu môn thì cũng phạm luật, phải đá lại phạt đền. Thủ môn có tác động làm rung khung thành, rung lưới trước khi quả phạt đền được thực hiện cũng phạm luật", ông Hạ cho hay.

img

Trưởng ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền mong truyền thông sẽ vào cuộc tích cực, giúp người hâm mộ cập nhật luật mới, tránh phản ứng thái quá. Ảnh: Cao Oanh

Liên quan đến những trường hợp bóng chạm trọng tài, tạo ưu thế cho 1 đội bóng cụ thể có cơ hội tấn công hoặc phản công' thậm chí bóng chạm chính trọng tài làm tung lưới 1 đội bóng, theo luật mới, bóng khi đó được coi là ở ngoài cuộc và trọng tài phải tung bóng, thay vì để tình huống tiếp diễn như trước đây.

Với những tình huống đá phạt hàng rào, cầu thủ đội tấn công được hưởng đá phạt phải đứng cách hàng rào 1m, thay vì được đứng chen trong hàng rào gây ra những tình huống lộn xộn, tạo hình ảnh xấu xí như trước.

Ở những tình huống cầu thủ phạm lỗi xứng đáng nhận thẻ, đội bóng bị phạm lỗi có quyền tổ chức đá phạt nhanh thay vì phải chờ trọng tài rút thẻ đối phương. Việc rút thẻ sẽ được trọng tài thực hiện sau đó.

"Trước khi mùa giải 2020 bắt đầu, chúng tôi đã đi tới từng đội bóng giảng giải kỹ về luật. Đáng tiếc là vẫn còn tình trạng một số cầu thủ, đặc biệt là nội binh không tập trung nghe giảng, không hiểu luật dẫn đến những ứng xử không đúng, "châm ngòi" cho những phản ứng của khán giả trên sân hướng tới trọng tài.

Hy vọng trong mùa giải mới với sự tuyên truyền của truyền thông, truyền thông hiểu đúng luật khi phân tích, nhận định thì người hâm mộ cũng sẽ hiểu luật hơn.

Khi chúng ta chưa có công nghệ VAR hỗ trợ trọng tài thì chúng tôi hy vọng truyền thông chính là VAR, giúp ban trọng tài hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp V.League nói riêng và bóng đá Việt Nam phát triển", ông Dương Văn Hiền - Trưởng ban trọng tài VFF chốt lại.