Không những vậy, có những chiếc xe tăng “tệ hại” ngay từ ngày đầu chúng được chế tạo.
1. T-26
Hơn 10.000 chiếc xe tăng hạng nhẹ T-26 đối mặt với đội quân Đức Quốc xã tiến vào lãnh thổ Liên Xô vào tháng 6/1941. Số xe tăng này là lực lượng chiến đấu chính của Liên Xô vào thập niên 1930 nhưng chúng đã hoàn toàn lỗi thời vào thời điểm Đức phát động chiến dịch Barbarossa.
Xe tăng T-26. Ảnh: Public domain (“địa hạt công cộng/tài sản công”).
Được trang bị một khẩu pháo 45m, xe tăng T-26 hiệu quả trước các xe tăng Pz. I, Pz. II và Pz. 38(t) của phát xít Đức nhưng hoàn toàn không thể chống đỡ được trước các xe tăng hiện đại hơn của Đức và hầu hết các loại pháo chống tăng của địch.
Trong những tháng đầu tiên của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, phía Hồng quân đã mất hàng ngàn xe tăng T-26 trong chiến đấu và do lỗi kỹ thuật. Hầu hết các xe tăng này cần được đại tu nhưng lại không có đủ thời gian cho điều đó.
Liên Xô nghiêng nhiều về phương án thay thế xe tăng T-26 bằng xe T-60 hoặc T-70 mới hơn là khôi phục các xe T-26 bị hư hại. Ngoài ra T-26 còn được triển khai tới các khu vực “yên tĩnh” hơn của mặt trận, như là ở nơi giao tranh giữa Hồng quân và quân Phần Lan. Hơn 1.000 xe T-26 cũng tham gia chiến dịch của Liên Xô và Anh đưa quân vào Iran vào tháng 8/1941.
Dẫu yếu kém, xe tăng T-26 vẫn tham chiến đến những ngày cuối cùng của Thế chiến 2, bao gồm các chiến dịch củ Liên Xô ở mặt trận phía đông chống lại quân phát xít Nhật Bản. Chiến dịch lớn cuối cùng mà T-26 tham gia là chiến dịch Kolso tiêu diệt Tập đoàn quân số 6 của Đức ở Stalingrad vào đầu năm 1943.
2. T-60
Không như xe T-26 bị lỗi thời, xe tăng T-60 là một trong các xe tăng mới nhất của Liên Xô vào thời điểm Đức xâm lược Liên Xô. Xe này được phát triển vào tháng 8/1941 và được sản xuất hàng loạt vào tháng tiếp theo.
Xe tăng T-60. Ảnh: TASS.
Vẫn còn “mới” không nhất thiết là “tốt”. Xe T-60 không thực hiện được mục tiêu “lật ngược tình thế” trong cuộc đối đầu quân sự Xô-Đức. Pháo cỡ 20mm của xe tăng này không tạo ra mối đe dọa đáng kể nào với lớp giáp xe tăng địch, trong khi đó lớp giáp mỏng của xe tăng T-60 lại dễ dàng bị đạn pháo của những cỗ xe tăng và khẩu pháo kém nhất của Đức xuyên thủng.
Do động cơ T-60 này dễ cháy nên những chiếc xe tăng này thường cháy sáng như nến. Các kíp xe tăng thậm chí đặt biệt hiệu “nầm mồ chung cho cả 2” cho chiếc xe tăng này.
Trong trận chiến Stalingrad, pháo của xe tăng T-60 thường bị hóc sau vài phát bắn do không khí có nhiều bụi bẩn. Xe T-60 sau đó phải chiến đấu bằng súng máy, thành thử xe lúc này cũng chỉ ngang hàng với các loại xe tăng Liên Xô vào đầu cuộc chiến tranh vệ quốc chống phát xít.
Từ cuối năm 1942, xe tăng T-60 chủ yếu được sử dụng làm xe chở đạn cho các xe tăng T-34 và KV.
3. T-35
Xe T-35 là xe tăng 5 tháp pháo được sản xuất hàng loạt duy nhất trên thế giới. Đây là xe tăng mạnh nhất của Liên Xô vào thập kỷ 1930. Xe còn được gọi là “chiến hạm trên cạn”.
Xe tăng T-35. Ảnh: Public domain.
Với một pháo 76,2mm và 2 pháo 45mm, cùng các khẩu súng máy, xe tăng này có thể tung ra hỏa lực như địa ngục về các phía. Tuy nhiên xe tăng này cũng có “gót chân A-sin”. Chỉ huy của xe không thể kiểm soát hiệu quả hỏa lực từ cả 5 tháp pháo.
Từng đầy uy lực, vào đầu những năm 1940 xe tăng T-35 đã hoàn toàn lỗi thời. Đây là một con quái vật chậm chạp nặng 58 tấn, với tốc độ tối đa là 14km/h và với lớp giáp mỏng chỉ có 20mm. Do vậy xe chẳng khác nào con vịt ngồi yên làm mồi cho pháo địch.
49 xe tăng loại này đã tham chiến kể từ khi nổ ra cuộc chiến chống lại quân xâm lược của Đệ tam Đế chế (tức phát xít Đức). Hầu hết các xe này thất bại trong các trận chiến ở Tây Ukraine, mặc dù một số đã tham chiến ở Moscow. Thú vị thay, lần cuối T-35 tham chiến là trong đội hình của quân đội phát xít Đức. Quân Đức đã sử dụng một xe tăng T-35 chiến lợi phẩm trong trận chiến Berlin năm 1945. Trong trận này xe đã bị đánh trúng và bị phá hủy.