Hội nghị diễn ra trước thềm Đại hội toàn thể lần thứ 5 của AFA (ngày 8 và 9.3), tại Hà Nội do Hội NDVN đăng cai.
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của các nước. |
Nông dân lo cả sản xuất, tiêu thụ
Hiện nay, tất cả 10 nước trong Tổ chức AFA đều sản xuất gạo hữu cơ, nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ. Đại diện Hội ND Indonesia cho biết, tại 2 địa phương canh tác gạo hữu cơ ở Indonesia trồng 238.846,14ha, tăng 10% so với trước năm 2010, trong đó 104.000ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất gạo hữu cơ.
Tuy nhu cầu sử dụng gạo hữu cơ ngày càng tăng, nhưng người sản xuất đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sản xuất nhỏ lẻ nên ND khó tiếp thị sản phẩm với người tiêu dùng; ND không chủ động định được giá; khó khăn trong việc có giấy chứng nhận sản phẩm. Do trong quá trình sản xuất không dùng hóa chất, cộng với biến đổi khí hậu nên thiên tai bão lũ nhiều, sâu bệnh bùng nổ, thiếu giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...
Bên cạnh đó, Chính phủ thiếu chính sách khuyến khích sản xuất hữu cơ, như việc nhập khẩu lúa gạo đã tác động đến giá gạo hữu cơ, ND khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi...
Cùng chung những thách thức này, đại diện Philipines chia sẻ: Mặc dù biết lợi ích của sản xuất hữu cơ, chính quyền một số địa phương ở Philipines đã có chính sách hỗ trợ ND về thị trường, như tổ chức hội chợ, có mã vùng cho nông sản hữu cơ, nhưng Chính phủ T.Ư thiếu chính sách hỗ trợ tài chính cho ND; các hộ sản xuất nhỏ rất khó có giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ; người tiêu dùng khó phân biệt đâu là sản phẩm hữu cơ, không hữu cơ nên ảnh hưởng tới giá bán...
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với 8 triệu ha trồng lúa nước. Diện tích trồng lúa hữu cơ rất ít, do các công ty thuê ND trồng để phục vụ xuất khẩu. Do đô thị hóa nên nhiều cánh đồng trồng lúa nằm xen trong các khu công nghiệp, ND chủ yếu vẫn dùng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học...
Nắm tay nhau giúp ND
Không ai phủ nhận sản xuất hữu cơ có lợi cho đất, môi trường, sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng, nhưng làm thế nào để khuyến khích ND trồng? Đại diện Hội ND Campuchia chia sẻ kinh nghiệm: Hiện Campuchia có 322 nhóm ND (2.668) đang canh tác 1.283ha lúa hữu cơ, năm 2011 sản xuất 1.200 tấn gạo, trong đó Tổ chức Phát triển nông nghiệp Campuchia (CEDAC) tiêu thụ giúp 800 tấn.
Để khuyến khích trồng lúa hữu cơ, CEDAC hỗ trợ ND phương pháp canh tác, thị trường tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng của CEDAC và xuất khẩu. ND quan tâm đến sản xuất hữu cơ bởi phù hợp với diện tích nhỏ, chi phí thấp hơn canh tác thông thường (sử dụng hạt giống giảm 5-6 lần, tận dụng được các phế thải trong tự nhiên; nhân công ít hơn 2-3 lần...).
Ở Hàn Quốc, Chính phủ có chính sách bao cấp cho ND sản xuất hữu cơ về giống, phân bón... ở Nepal, Chính phủ đã đưa phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó có sản xuất hữu cơ vào chiến lược phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, để khuyến khích ND sản xuất lúa hữu cơ, đại diện các nước khuyến nghị, Chính phủ các nước phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ND tiếp cận vốn ưu đãi, đào tạo; phải ký kết giảm tiến tới dừng sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất; Tổ chức Nông- Lương thế giới (FAO) cung cấp danh sách những công ty sản xuất hóa chất độc hại dùng cho lúa; xây dựng bản đồ các vùng sản xuất lúa hữu cơ...
“Trước hết các tổ chức ND của AFA phải nắm tay nhau để giúp ND sản xuất bền vững, phải làm mạng lưới cho ND sản xuất hữu cơ”- bà Esther - Tổng Thư ký AFA kêu gọi.
Anh Trang