Trước tình trạng găm hàng, bán phá giá khẩu trang y tế trong khi dịch bệnh virus corona diễn biến phức tạp, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết đã xuất hiện tình trạng bán lại khẩu trang đã qua sử dụng.
“Đây là vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, cần phải xử lý hình sự”, ông Linh nhấn mạnh.
Vi phạm đạo đức
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp), hành vi gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, gây hậu quả khôn lường nên cần xử lý nghiêm.
Về góc độ đạo đức thì đây là hành vi đáng lên án. Bởi lẽ, hành vi diễn ra trong khi dịch bệnh đang bùng phát, khó kiểm soát, con số người nhiễm bệnh và người chết trên thế giới đang tăng, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ bị nhiễm bệnh.
Tình trạng khan hiếm khẩu trang xuất hiện ở nhiều địa phương.
Thủ tướng đã công bố tình trạng dịch bệnh theo quy định của Điều 48 và 49, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007. Sau khi công bố dịch thì trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện theo bộ luật này.
Theo đó, việc vệ sinh làm sạch môi trường, tổ chức cách ly, thành lập ban chỉ đạo, kiểm dịch y tế biên giới, xử lý các trường hợp nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh, các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phải thực hiện quyết liệt.
Khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác, không còn giá trị và có thể chứa nhiều mầm bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Việc một số cá nhân, tổ chức nhặt, gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại là hành vi vi phạm đạo đức, đồng thời đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tùy thuộc vào những hành vi cụ thể, diễn biến cụ thể và hậu quả cụ thể mà những hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Cần xử lý hình sự
Luật sư cho rằng cá nhân nhặt, gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để bán lại cho tổ chức, cá nhân khác nhưng gian dối là hàng công ty, hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự nếu số tiền chiếm đoạt được từ 2 triệu đồng trở lên.
Trong trường hợp số tiền chiếm đoạt do hành vi gian dối này dưới 2 triệu thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cơ quan chức năng tịch thu tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có.
Công an tạm giữ 62.000 khẩu trang sắp tuồn ra nước ngoài. Ảnh: Công an Hà Giang.
Nếu tổ chức, cá nhân biết rõ loại khẩu trang này đã qua sử dụng, không đảm bảo chất lượng an toàn mà bán cho người khác thì tùy vào hành vi cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Mua bán hàng giả hoặc tội Lừa dối người tiêu dùng.
Trường hợp các cơ sở bán khẩu trang đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng giả.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối người tiêu dùng (nếu hành vi lừa dối khách hàng chiếm đoạt từ 5 triệu đồng trở lên).
Đây là hành vi rất nghiêm trọng, có thể làm lây lan nhiều loại dịch bệnh trong cộng đồng, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.
Do đó, nếu phát hiện ra hành vi thu gom khẩu trang đã qua sử dụng để gian dối là khẩu trang mới, bán lại cho người khác, thu lợi bất chính thì cần phải xử lý hình sự.