Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đối với nhân viên y tế, có nhiều đường lây nhiễm đối với virus nói chung và virus Corona nói riêng. Các khuyến cáo này nhằm yêu cầu nhân viên y tế khi sử dụng các thủ thuật đối với người bệnh phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình, đảm bảo an toàn cho người bệnh và chính mình.
Ông Sơn cho biết, khí dung là một thủ thuật trong ngành y tế, làm dung dịch thuốc bốc hơi, đưa trực tiếp vào đường hô hấp để chữa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Phương pháp này thường được dùng cho bệnh nhân hen suyễn, bệnh nhân co thắt phế quản, viêm phế quản, viêm mũi họng. Khi xông hơi, thuốc dưới dạng sương do máy tạo ra sẽ được đẩy bám dính vào lớp lông chuyển trên niêm mạc đường hô hấp. Nhờ đó, thuốc sẽ tác động trực tiếp lên những vị trí bị viêm nhiễm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
“Khi dùng khí dung có mặt nạ úp lên vùng mũi, miệng của người bệnh, sau đó có một cái ống dẫn từ máy phát khí dung (còn gọi là aerosol) xịt mạnh vào vùng mũi họng của người bệnh. Trong quá trình đó, khí dung có thể văng ra từ hai bên của mặt nạ vào người đứng gần mà không đeo khẩu trang hoặc dính vào các vật dụng xung quanh. Nếu người bệnh mắc virus, virus sẽ có nguy cơ lây sang người khác”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, virus Corona có thể lây qua phương pháp điều trị khí dung, chứ không phải lây qua không khí như nhiều người nhầm tưởng hiện nay. Đường lây của chủng mới virus Corona là qua các giọt bắn dịch hô hấp từ người có virus sang người tiếp xúc và thâm nhập vào hệ hô hấp. Khi đó, mọi người chỉ cần giữ khoảng cách an toàn 2m đối với người có bệnh là tránh được nguy cơ dính vào các giọt bắn.
Trước đó, chuyên gia y tế Trung Quốc đã cảnh báo việc lây nhiễm virus Corona qua aerosol. Một số thông tin cho rằng, aerosol là "bụi khí" khiến người dân hoang mang, lo lắng chỉ “hít thở” cũng có khả năng lây virus Corona.
Người dân không tự ý dùng khí dung cho trẻ. (Ảnh minh họa)
Cảnh báo về việc lây virus Corona qua khí dung, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ đề nghị người dân chỉ khí dung cho con trẻ khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, không tự ý cho con khí dung.
Theo PGS Điển, nếu như chỉ một người dùng riêng một bầu khí dung thì không sao. Nhưng 2 người dùng chung sẽ bị lây bệnh. Nếu khí dung trong buồng bệnh có người mắc bệnh ở khoảng cách 2m trở lại, người xung quanh sẽ lây bệnh vì virus từ hô hấp người bệnh sẽ ra theo con đường khí dung.
“Cần hạn chế khí dung, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Khi khí dung phải tuân thủ quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn. Virus từ khí dung sẽ còn tồn tại trong bầu khí dung, máy và bề mặt vật dụng quanh người bệnh, có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc bề mặt. Nhân viên y tế làm thủ thuật này cho bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn", PGS Điển nhấn mạnh.