Đứng về nghệ thuật kịch bản thì bộ phim không có gì mới, thậm chí lại có vẻ thụt lùi so với nhiều phim chính luận ăn khách trước đây của Đài THVN. Hầu hết các tập phim không thấy mô tả hành động, không có những tình tiết éo le, những đột phá mang tính nghệ thuật, cũng không có những màn câu khách giật gân hay hở hang trong những cảnh nóng tình ái, lộ da thịt quá mức. Các tập phim phần nhiều chỉ là những đối thoại liên tục giữa các nhân vật, giống như ở các vở kịch, người khắt khe có thể cho là khá đơn điệu. Ấy vậy mà phim “Sinh tử” lại có sức hút khá mạnh đối với khán giả màn ảnh nhỏ. Người xem chờ đợi từng đêm để đón xem phim, mong ngóng vấn đề được giải quyết thế nào, có đúng như thực tế hay lại thêm một lần được hướng theo sự chủ quan của các tác giả đã được định hướng.
ậy sự hấp dẫn của phim “Sinh tử” bắt đầu từ đâu?
Có thể trả lời luôn. Phim hấp dẫn là nhờ phản ánh khá rõ và cụ thể thực trạng xã hội mà có thể nói hầu hết người dân Việt Nam đang quan tâm. Đó là công cuộc đấu tranh chống tham nhũng được phản ánh tương đối chân thật từ những vụ án có thật. Thực tế cuộc đấu tranh chống tham nhũng được phản ánh trong phim “Sinh tử” đã được mở rộng và dường như không giới hạn khi phản ánh những thực tế mà những ai quan tâm đến công cuộc chống tham nhũng gần đây đều thấy. Đây cũng chính là thực tế mà mỗi người đọc, người xem luôn khao khát được đọc, được xem, nhưng cho đến nay vẫn vắng bóng trong các hình thức văn học – nghệ thuật. Văn nghệ nước ta và nhất là kịch trường sân khấu dường như bỏ quên, không dám đụng vì đề tài này luôn gắn với hai chữ “nhạy cảm”.
Chính vì thế, “Sinh tử” có thể coi là đã ghi công đầu trong việc dám đột phá vào đề tài thường bị coi là cấm kị này. Nghĩ đến sự hấp dẫn của phim “Sinh tử”, tôi lại nghĩ đến sự hấp dẫn, trường tồn của kịch Lưu Quang Vũ. Hơn 30 năm trước và ngay cả hiện nay, kịch Lưu Quang Vũ vẫn luôn tạo ra cơn sốt với khán giả vì hầu hết kịch của ông như “Tôi và chúng ta”, “Lời thề thứ 9”… đã đáp ứng được nhu cầu của người xem là phản ảnh được những điều bức thiết đối với dư luận xã hội, đối với sự quan tâm và bức xúc của người dân.
Không phải bỗng nhiên Đại hội Sân khấu nhiệm kì thứ 9 vừa qua có không ít tiếng nói báo động về nền sân khấu suy thoái vì không có khán giả. Nhưng gần như chưa có ý kiến mạnh mẽ nào cắt nghĩa đủ đầy nguyên nhân sân khấu vắng khách vì không phản ánh những gì khán giả, xã hội đang chú ý. Sân khấu vắng khách vì né tránh đề cập những vấn đề nóng bỏng của xã hội trong trận chiến chống tham nhũng vì sợ động chạm, vì muốn sự an toàn. Từ góc độ này mới thấy hết giá trị của phim “Sinh tử” và kịch Lưu Quang Vũ khi chạm đến những thực trạng đang được xã hội, nhân dân chú ý.
Trở lại với phim “Sinh tử”, với sự hợp tác có hiệu quả của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng sự dũng cảm của các tác giả, người xem thấy được hình bóng của những đại án, những nhân vật cộm cán đang thành củi trong chiếc lò chống tham nhũng. Điều đáng nói hơn là những tâm điểm khá phổ biến của những vụ tham nhũng đang thu hút dư luận đã ít nhiều được bộ phim phản ánh.
Câu chuyện của “Sinh tử” được mở ra tự vụ sập mỏ đá của một doanh nghiệp của tỉnh Việt Thanh để từ đó mở rộng đề cập, mổ xẻ đến thực trạng cốt lõi trong các vụ tham nhũng hiện nay, như việc làm ăn núp bóng các dự án đất đai để rút tiền Nhà nước ăn chia. Sự liên danh ma quỷ giữa doanh nhân với nhân viên công lực biến chất trong chính quyền để đẻ ra những dự án hòng kiếm chác. Là tình trạng những quan chức lợi dụng quyền hạn, chức vụ để che chắn cho những doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, bòn rút ngân sách. Thực trạng những “hoàng tử đỏ” ăn chơi lớn lên trong nhung lụa, quyền lực rồi được đặt vào những vị trí béo bở hòng tiếp tục kiếm chác, đục khoét…
Các tác giả ”Sinh tử” thật sự dũng cảm khi thực hiện như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về sự không giới hạn, dù ở chức vụ nào, ranh giới nào trong hệ thống công quyền, hễ tham nhũng thì đều bị lôi ra trước ánh sáng của Pháp luật. Chính vì thế, xem “Sinh tử” khán giả mới thấy chân dung một Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa (NSND Hoàng Dũng đóng) khôn ngoan, biết nói những lời đúng nghị quyết và tỏ ra chân thành trước Bí thư Tỉnh ủy Văn Thành Nhân (NSND Trọng Trinh đóng), nhưng thực chất là một lãnh đạo lọc lõi, khôn ngoan, biết mềm mỏng, cứng rắn, che chắn với nhiều thủ đoạn, mánh lới để mang cái lợi cho mình và cho gia đình (đưa con trai Trần Bạt - Chí Nhân đóng) vào vị trí “ngon lành” lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư như thế nào. Những Giám đốc Sở Công an, những lãnh đạo Viện Kiểm sát ăn mánh với những doanh nhân khôn ngoan ra sao. Người xem cũng lờ mờ nhận ra nhân vật Giám đốc Mai Xuân Vũ nham hiểm, nhiều thủ đoạn khoác áo doanh nhân.
Nếu những nhân vật dính dáng đến tham nhũng sắc sảo bao nhiêu thì trong “Sinh tử”, các nhân vật kiên trinh, hết lòng vì công việc chung tuy không rõ nét, còn thiếu nhiều điểm nhấn rõ rệt cho tính cách, nhưng cũng bước đầu có bản sắc như Bí thư Tỉnh ủy Văn Thành Nhân, Phó bí thư Hiền (Thúy Hiền đóng), phóng viên Kiều Ngân (Thanh Hương đóng)… Đây cũng là điều mừng thực sự, bởi thực tế đất nước ta trong giai đoạn hiện nay có không ít những cá nhân chân chính, chân thành nói và làm đồng nhất vì sự nghiệp chung, nên phim nói riêng và văn nghệ nói chung đã có nguyên mẫu để phản ánh.