Có những thông tin đồn về chi phí cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long lên tới 94.000 tỷ đồng, ông có nhận định gì về vấn đề này?
- Tôi khẳng định đây là con số không có căn cứ. Trong quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời và thành phố cũng khẳng định không có căn cứ. Những con số mà chúng tôi đã công bố tại HĐND mới là căn cứ.
Không bao giờ lên tới hàng chục nghìn tỷ. Tất cả được rà soát và kinh phí cho đại lễ đều nằm trong dự toán và phải thông qua HĐND.
Thành phố liệu có công bố tổng vốn đầu tư cho các công trình này?
- Hàng năm Thành phố đều công bố những công trình sử dụng vốn ngân sách, chứ không chỉ công bố những phần liên quan đại lễ. Tại các cuộc họp HĐND, đều công bố chi phí này trong những phần phụ lục.
Vậy thực tế chi phí riêng cho đại lễ có tới con số nghìn tỷ đồng?
- Chắc chắn không có chuyện tới con số đó.
Nhiều đại biểu có ý kiến, những công trình gắn biển 1.000 năm cũng phải tính vào kinh phí đại lễ?
- Các công trình đầu tư xây dựng cơ bản nằm trong chương trình về kinh tế xã hội và đầu tư hạ tầng khung, còn gắn biển công trình là những công trình có ý nghĩa hoàn thành trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Chính phủ và thành phố lựa chọn để gắn biển công trình, tạo điểm nhấn dịp đại lễ.
Thực tế cho thấy, các công trình làm trong nhiều năm, như cầu Vĩnh Tuy là xây dựng trong nhiều năm, chứ không phải chỉ năm 2010. Các công trình này cũng không phải là xây dựng nhằm dịp đại lễ mà là công trình kinh tế xã hội chung.
Theo tôi chi phí đại lễ chỉ gồm các khoản chi cho tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, phục vụ lễ hội, không bao gồm các công trình xây dựng. Các công trình gắn biển dịp 1000 năm là để nhằm có ý nghĩa, còn dự án công trình thuộc nhiệm vụ kinh tế xã hội, có tác động chung, chứ không phải là chi phí cho đại lễ nên phải rạch ròi ra.
Ngoài ra, chúng ta phải có khoản kinh phí mức độ cho lễ tân, đón bạn bè quốc tế... Hôm qua đã được công bố, đến thời điểm này, các hoạt động Chính phủ duyệt thì phải bố trí, phải báo cáo cho HĐND, đầu năm đã trình dự toán là 350 tỷ đồng, song đến thời điểm này cơ bản kết thúc là 265 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy có một số công trình chưa phát huy hiệu quả sau đại lễ, thậm chí còn dở dang gây nhếch nhác đô thị?
- Các công trình công cộng phục vụ người dân đã khánh thành vào đại lễ. Sau đại lễ không có nghĩa là dừng mà chúng ta sẽ tu bổ để cho dự án thật sự hiệu quả. Thành phố sẽ có quy chế quản lý với các công trình này.
Các công trình đến thời điểm khánh thành không có nghĩa là đã quyết toán, mà thời điểm quyết toán sẽ tiến hành giám sát, kiểm tra chất lượng công trình, nếu đơn vị nào làm chưa đúng, chưa chuẩn thì chủ đầu tư phải đảm bảo đúng mới được thanh toán theo quy định.
Thanh Xuân