Đau đầu tìm người trông con
1 tuần vừa qua là những ngày vất vả với chị Nguyễn Nhật My (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị My cho biết 2 con chị phải nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus corona (nCoV) nhưng vợ chồng anh chị thì không được nghỉ làm. Đau đầu hơn là cô giúp việc cũ của gia đình sau khi về quê ăn tết chưa ra làm lại.
"Cô ấy nói gia đình có việc bận, sợ dịch bệnh, con cái cũng không đi học, cần người trông nên không muốn đi làm ngay" - chị My chia sẻ.
Lao đao vì thiếu lao động giúp việc nhiều gia đình phải gửi con ở nhà hàng xóm. Ảnh: Nguyệt Tạ
Để giải quyết bài toán tìm người trông con (cháu bé mới được 3 tuổi, cháu lớn 6 tuổi) chị My đã phải gọi qua trung tâm giúp việc. Thế nhưng, tìm mãi không được, chị đành phải nhờ bạn giới thiệu sinh viên làm việc thay. Mặc dù nhận làm nhưng cô sinh viên đòi tiền công lên tới 300.000 đồng/ngày, ngày chỉ làm 8 tiếng.
"Dù mức tiền công quá cao, cộng thêm việc lao động không có kinh nghiệm trông và chơi với trẻ nhưng vợ chồng tôi vẫn phải chấp nhận bởi không có sự lựa chọn nào khác. Tuần này, các con lại nghỉ học tiếp. Cứ đà này, vợ chồng tôi cũng lao đao, đi làm tiền lương không đủ trả tiền cho giúp việc" - chị My chia sẻ thêm.
Không có người người giúp việc, bố mẹ ở quê không ra hỗ trợ được nên gần 1 tuần nay chị Lê Thị Hiền (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải gửi con ở nhà hàng xóm. Tại khu chung cư nhà chị, khá nhiều nhà đã chọn giải pháp gom trẻ thành nhóm và thuê giúp việc trông chung, hoặc thuê giáo viên về chăm sóc, dạy học luôn.
"Quan trọng nhất lúc này là cần người trông con, chính bởi vậy, 4-5 gia đình cùng tầng ở khu nhà tôi đã thuê người một cô giáo mầm non về trông, dạy các con. Mức tiền công rất hợp lý chỉ 300.000 đồng/ngày mà cô trông cùng lúc 3 cháu" - chị Hiền nói.
Câu chuyện khan hiếm giúp việc gia đình sau tết, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh không còn là câu chuyện hiếm lúc này. Không riêng gì tại Hà Nội, nhiều thành phố lớn khác như Đà Nẵng, TP.HCM... tình trạng này cũng diễn ra. Tại TP.HCM, nhiều người giúp việc bỗng dưng xin nghỉ về quê khiến gia chủ trở tay không kịp.
Tái sử dụng “lao động” cao tuổi
Trước bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng lao động giúp việc gia đình, nhiều gia đình trẻ đã phải lựa chọn tuyển lao động già, thậm chí kêu gọi sự “cứu viện” của chính bố mẹ, ông bà từ quê ra trông cháu, hỗ trợ dọn dẹp trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hải Anh (Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ một tuần nay giúp việc tại gia đình nghỉ việc, chị đã phải nhờ cả bà ngoại của chị ra trông con.
Hiện nay, ngoài lao động kỹ thuật, trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng ghi nhận sự vắng mặt của nhiều lao động phổ thông làm các nhóm ngành về dịch vụ, thương mại điện tử, bán hàng, các ngành may mặc, lao động giúp việc. Đây cũng là tình cảnh chung tại nhiều trung tâm giới thiệu việc làm". Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
"Mặc dù bà năm nay cũng gần 80 tuổi rồi nhưng dù sao thi thoảng cũng có người phụ bế con để mình còn đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ. Vợ chồng mình vẫn cố gắng tìm người giúp việc nhưng tìm mãi vẫn chưa được" - chị Hải Anh nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và gia đình cho rằng, việc thiếu hụt lao động giúp việc gia đình là điều không thể tránh khỏi vào thời điểm sau tết nhất là vào lúc có dịch bệnh thế này. Theo bà Ngọc Anh, để có thể bù đắp lại sự thiếu hụt lao động giúp việc gia đình vào lúc này, các gia đình cần chấp nhận sử dụng lao động bán thời gian, lao động là sinh viên, lao động là người già đã hết tuổi lao động...
"Có điều hiện nay lao động làm công việc giúp việc gia đình của chúng ta hầu hết là chưa được qua đào tạo, chính bởi vậy kỹ năng nghề, kỹ năng đảm bảo an toàn trong quá trình lao động cũng ít được coi trọng. Điều này lại khá nguy hiểm, nhất là khi dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát, trẻ con ở nhà cả ngày, hiếu động, dễ xảy ra tai nạn" - bà Ngọc Anh phân tích.
Nhưng theo bà Ngọc Anh, do đây là nhóm lao động đặc thù nên dù lao động chưa có kỹ năng nghề thì các gia đình vẫn phải chấp nhận. "Vấn đề là trước khi tiếp nhận lao động, các gia đình nên tập huấn qua về công việc, cách chăm sóc con, đặc biệt là cách thức để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các thành viên, phòng chống dịch bệnh, an toàn khi chơi cho trẻ" - bà Ngọc Anh lưu ý.