Bối cảnh giang hồ trong truyện kiếm hiệp Kim Dung luôn luôn có những anh hùng cái thế như Kiều Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung... trong đó Dương Quá là người học được nhiều môn võ công nhất.
Dương Quá cũng giống như các nhân vật nam chính khác trong tiểu thuyết Kim Dung, chàng có một tuổi thơ bất hạnh, từ nhỏ mồ côi cha mẹ. Tên của chàng là do Quách Tĩnh đặt, vì khi chàng ra đời thì Dương Khang (cha của Dương Quá) đã chết, với mong muốn khi lớn lên chàng sẽ sửa lại các sai lầm của cha. Chàng được mô tả là người có chân mày tỏa ra khí khái bất phàm, cặp mắt sáng ngời, tính tình thì thông minh, cổ quái, có nhiều mưu mẹo. Trong suốt cuộc đời của mình Dương Quá là người học được rất nhiều loại võ công lợi hại, nhưng đa phần không hoàn thiện.
Dương Quá là người học được rất nhiều loại võ công lợi hại.
Cáp mô công hay Hàm mô công: Sau khi ép Dương Quá nhận làm cha nuôi, Âu Dương Phong đã truyền Cáp Mô Công cho cậu bé rồi trốn đi. Sau này, Dương Quá đã gặp lại Âu Dương Phong ở đỉnh Hoa Sơn khi Quách Tĩnh và Hoàng Dung xuất hiện. Hai vợ chồng gặp lại con gái Quách Phù và Kha Trấn Ác rồi họ giúp chữa chạy cho Dương Quá.
Dương Quá một mặt theo gia đình Quách Tĩnh - Hoàng Dung, một mặt vẫn bí mật gặp gỡ và giúp đỡ Âu Dương Phong và được ông ta tiếp tục truyền thụ Cáp mô công.
Ngọc Nữ tâm kinh: Do Tiểu Long Nữ dạy sau khi chàng rời bỏ Toàn Chân giáo và được thu nhận vào phái Cổ Mộ.
Toàn Chân kiếm pháp: Mặc dù Dương Quá không hề được dạy kiếm pháp của Toàn Chân giáo (do sư phụ Triệu Chí Kính là một kẻ lòng dạ hẹp hòi, không muốn dạy võ cho Dương Quá), nhưng để luyện Ngọc Nữ tâm kinh, trước hết phải học hết võ công của Toàn Chân giáo. Nguyên nhân là do tổ sư phái Cổ Mộ, bà Lâm Triều Anh, sáng tạo ra Ngọc Nữ tâm kinh để khắc chế võ công của phái Toàn Chân (được sáng lập bởi Vương Trùng Dương, người tình không bao giờ đến được với bà).
Dương Quá (Huỳnh Hiểu Minh) và Tiểu Long Nữ (Lưu Diệc Phi).
Ngọc Nữ tố tâm kiếm pháp hay Song kiếm hợp bích: Dương Quá tình cờ phát hiện ra bí mật này khi cùng Tiểu Long Nữ đánh nhau với đạo sĩ của Toàn Chân giáo. Lúc đối đầu, Ngọc Nữ tâm kinh sẽ khắc chế Toàn Chân kiếm pháp. Tuy nhiên, khi cùng nhau liên thủ, hai môn võ công này sẽ tạo nên Song kiếm hợp bích với uy lực ghê gớm bội phần.
Cửu âm chân kinh: Khi Lý Mạc Sầu tấn công Cổ Mộ, Dương Quá tình cờ phát hiện ra Cửu âm chân kinh do Vương Trùng Dương khắc trên vách đá trong Cổ Mộ (có thể không đầy đủ). Chàng cùng Tiểu Long Nữ luyện bộ kinh này. Nhờ đó công lực của cả hai tiến bộ vượt trội, đỡ được nhiều đòn hiểm trong lúc đánh nhau với các cao thủ.
Đả cẩu bổng pháp: Học chiêu thức từ Hồng Thất Công khi ông gặp Dương Quá trên đỉnh Hoa Sơn cùng với Âu Dương Phong. Học khẩu quyết tâm pháp từ Hoàng Dung trong đại hội võ lâm khi đối đầu với thầy trò Kim Luân Pháp Vương.
Đàn chỉ thần công: Do Đông Tà Hoàng Dược Sư chỉ dạy trong một lần tình cờ gặp gỡ.
Ngọc tiêu kiếm pháp: Cũng học từ Hoàng Dược Sư.
Triết lý dùng kiếm của Độc Cô Cầu Bại: Sau khi bị Quách Phù chặt mất cánh tay phải. Dương Quá được con thần điêu cứu và giúp trị thương, sau đó dẫn đến nơi ở của Độc Cô Cầu Bại. Ở đây Dương Quá đã lấy được thanh Huyền Thiết Trọng Kiếm và học được phương pháp rèn luyện nội lực và triết lý dùng kiếm tầng thứ ba của Độc Cô Cầu Bại.
Ngoài ra, Dương Quá còn có cơ duyên xem được Ngũ độc kỳ thư của Lý Mạc Sầu sau khi Dương Quá được Trình Anh cứu thoát khỏi tay Kim Luân Pháp Vương và lúc này Dương Quá đang dưỡng thương và ở cùng Trình Anh, Lục Vô Song. Trong sách có chép nhiều phương thuốc khắc chế và trừ các loại độc, chế ra hơi độc, luyện thuốc chữa độc.
Ám nhiên tiêu hồn chưởng: Là loại chưởng pháp kỳ lạ bậc nhất do chính Dương Quá sáng tạo nên trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ, và cũng chỉ có mình chàng sử dụng được môn võ tương tư sầu khổ, vô cùng đau đớn tuyệt vọng này.
Môn võ này được sáng tạo khi Dương Quá chỉ còn một tay nên lấy nội công làm gốc, không dùng các biến hóa đa đoan để thủ thắng. Nhiều chiêu thức trong Ám nhiên tiêu hồn chưởng được bắt nguồn từ các võ công mà Dương Quá đã biết. Khi đối địch với các loại chưởng pháp thông thường khác, chiêu thức này đều phát ra uy lực mạnh mẽ khác thường, toàn bộ đều được quyết định ở nội công. Dương Quá đặt cho nó cái tên thần sầu như vậy là bởi trong giang hồ có câu “Ám nhiên tiêu hồn giả, duy biệt nhi dĩ hỹ” (người đau khổ mất hồn, chỉ có thể là do li biệt mà thôi).
Dương Quá (Cổ Thiên Lạc) và Tiểu Long Nữ (Lý Nhược Đồng).
Uy lực của Ám nhiên tiêu hồn chưởng rất lớn. Năm xưa để giải cứu Tiểu Long Nữ và Quách Tương, Dương Quá dùng chính chiêu thức này để đánh bại Kim Luân Pháp Vương và đội quân Mông Cổ. Đây là môn võ kỳ lạ sử dụng khi đang trong tâm trạng tương tư sầu khổ vô cùng đau đớn tuyệt vọng. Khi tâm trạng vui vẻ hạnh phúc, vô ưu vô lo thì lộ chưởng pháp này mất đi thần hiệu nên vì thế mà hiếm có truyền nhân. Chính vì vậy, Ám nhiên tiêu hồn chưởng được xem là chiêu thức có một không hai trên giang hồ.
Trong cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba, với võ công trác tuyệt, Dương Quá được tôn là Tây Cuồng - một trong Thiên hạ ngũ tuyệt (danh xưng thay cho "võ lâm ngũ bá" trước đó).