Theo đó, ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 được phát hiện đầu tiên tại đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ vào ngày 3/2 tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, đến ngày 8/2 tại đây tiếp tục phát sinh 2 hộ chăn nuôi ngan thương phẩm có ngan ốm chết. Trong đó, hộ ông Ngô Văn Bình có tổng đàn 970 con ngan thương phẩm 35 ngày tuổi, số con đã chết 270 con. Và hộ ông Ngô Văn Hùng có tổng đàn 780 con ngan thương phẩm 35 ngày tuổi, số con ốm 430 con, số chết 270 con.
Đến ngày 9/2, đàn vịt thương phẩm 2.660 con của hộ ông Nguyễn Văn Chung cũng có biểu hiện ốm, chết. Sau khi nhận được thông tin, ngay lập tức, cơ quan Thú y phối hợp với chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của 3 hộ trên. Lũy kế từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên tới nay, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã tiêu hủy tổng số trên 6.800 con gia cầm.
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lập chốt kiểm dịch tạm thời tại ổ dịch cúm H5N6 thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa.
Trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Bá Vệ xác nhận, từ ngày 2/2 đến nay, trên địa bàn thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa đã có 4 hộ chăn nuôi có gia cầm bị ốm chết. Ngay sau khi nhận được tin báo, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả có 3/4 hộ có đàn gia cầm dương tính với cúm A/H5N6. Để khoanh vùng, phòng chống dịch bệnh lây lan, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã cho tiêu hủy 6.807 con gia cầm theo đúng quy định, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngay tại thôn Phú Vinh và cho rắc vôi phun phòng dịch tiêu độc khử trùng.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn thôn Phú Vinh có khoảng trên 71.000 con gia cầm chủ yếu là chăn nuôi vịt. Tổng đàn gia cầm nuôi toàn xã Phú Nghĩa có trên 294.900 con, trong đó gia cầm sinh sản trên 107.500 con, gia cầm thương phẩm có trên 187.300 con.
Tổng đàn gia cầm thôn Phú Vinh (thôn có dịch) là trên 71.600 con, trong đó gia cầm sinh sản là 2.656 con, gia cầm thương phẩm là 69.028 con. Tổng đàn gia cầm nuôi gia công cho công ty tại thôn Phú Vinh là 14 hộ tổng số 370.000 con gà thương phẩm.
Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã cấp cho trạm chăn nuôi và thú y huyện Chương Mỹ 450.000 liều vaccine để tiêm phòng bao vây các đàn xung quanh và tiến hành tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng bùng phát dịch trong thời điểm hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nưôi và Thú y Hà Nội thông tin, hiện đơn vị duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch bệnh và ATTP. Tiếp tục chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã tổng tẩy uế, tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi tập trung, các hộ gia đình. Duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào TP….
Hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có trên 31 triệu con gia cầm của trên 119.000 hộ, cơ sở chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã triển khai tới các quận, huyện thị xã ra quân tiêu độc khử trùng toàn TP, đồng khuyến cáo người chăn nuôi với thời tiết cực đoan, lạnh, mưa phùn ẩm ướt kéo dài là điều kiện thuận lợi cho virut tồn tại nên nguy cơ bùng phát bệnh cúm gia cầm H5N6 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc gia cầm là rất cao.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút...
Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Bộ Y tế yêu cầu, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, TP, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con gia cầm. Từ đầu tháng 01/2020 đến nay, cả nước có 4 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh; Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội. |