Clip: Chương Mỹ lập chốt kiểm dịch tại ổ dịch cúm A/H5N6.
Con đường ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội - nơi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 đầu tiên những ngày này trắng xóa vôi bột.
Đặc biệt ở khu vực những nhà dân phát hiện ra dịch khung cảnh trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.
Ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, ngày 3/2, địa phương phát hiện ổ dịch đầu tiên tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, ngay lập tức cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và phát hiện đàn gia cầm dương tính với cúm A/H5N6.
"Sau khi có kết quả, chúng tôi tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy gia cầm gặp bệnh để phòng chống dịch bệnh lây lan. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã cho tiêu hủy hơn 6.800 con gia cầm theo đúng quy định, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngay tại thôn Phú Vinh và cho rắc vôi phun phòng dịch tiêu độc khử trùng" - ông Hùng nói.
Ghi nhận của PV Dân Việt trong chiều 11/2 cho thấy, tại thôn Phú Vinh, lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ đã lập chốt kiểm dịch tại ổ dịch cúm A/H5N6.
Các phương tiện đi từ trong thôn ra đều phải dừng lại ở "chốt kiểm dịch" để cán bộ Trạm Thú y của địa phương phun thuốc khử trùng.
Theo một cán bộ trực ở chốt kiểm dịch này cho biết, họ phải trực ở đây - làm việc 24/24h, mỗi ngày chia đều 3 ca thay nhau, chủ yếu là lực lượng công an xã và cán bộ Thú y.
Sau mỗi lần phun thuốc khử trùng, lực lượng chức năng lại rắc vôi bột phòng dịch tiêu độc khử trùng.
Các phương tiện lưu thông qua trạm kiểm dịch đều được cán bộ trực chốt ghi lại...
Ông Trần Bá Vệ - Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho hay, ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 được phát hiện đầu tiên tại đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ngày 3/2 đến ngày 9/2 tiếp tục phát sinh thêm 3 hộ chăn nuôi ngan thương phẩm có ngan ốm chết.
Là một trong nhiều hộ dân chưa phát hiện dịch bệnh, anh Ngô Văn Khải (44 tuổi, thôn Phú Vinh) rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh xảy ra. Hiện hơn 3.000 con vịt của gia đình anh đang được "cách ly" và chăm sóc đặc biệt nhằm tránh nhiễm dịch bệnh.
"Cũng may, ngay sau khi có người báo dịch, chính quyền địa phương rất nhanh chóng khoanh vùng và thông báo cho người dân được biết để phòng tránh. Đàn vịt của gia đình tôi đã được cán bộ thú y tiêm phòng chống dịch, đồng thời cấp vôi để người dân rắc và mỗi ngày đều có cán bộ thú y đi phun thuốc khử trùng xung quanh..." - anh Khải chia sẻ.
Lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay chính quyền địa phương đang tập trung vào phòng chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân sẽ được thực hiện theo quy định của nhà nước.
Theo thống kê, tổng đàn gia cầm nuôi toàn xã Phú Nghĩa có trên 294.900 con, trong đó gia cầm sinh sản trên 107.500 con, gia cầm thương phẩm có trên 187.300 con. Tại thôn Phú Vinh (thôn có dịch) có trên 71.600 con, trong đó gia cầm sinh sản là 2.656 con, gia cầm thương phẩm là 69.028 con.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nưôi và Thú y Hà Nội thông tin, hiện đơn vị duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch bệnh và ATTP. Tiếp tục chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã tổng tẩy uế, tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi tập trung, các hộ gia đình. Duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào TP….
Hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có trên 31 triệu con gia cầm của trên 119.000 hộ, cơ sở chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã triển khai tới các quận, huyện thị xã ra quân tiêu độc khử trùng toàn TP, đồng khuyến cáo người chăn nuôi với thời tiết cực đoan, lạnh, mưa phùn ẩm ướt kéo dài là điều kiện thuận lợi cho virut tồn tại nên nguy cơ bùng phát bệnh cúm gia cầm H5N6 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc gia cầm là rất cao. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút... Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Bộ Y tế yêu cầu, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. |