Thuận lòng dân
Chạy xe máy dọc theo đường Cây Trôm Mỹ Khánh về các ấp Mỹ Khánh, Bình Hạ Đông, Bình Thượng 1… vào những ngày cuối tháng 2, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những công trình văn hóa, giáo dục, y tế phục vụ cộng đồng khang trang, sạch sẽ, những sọt rác ngăn nắp, gọn gàng nằm dọc 2 bên đường- những dấu hiệu của cuộc sống mới sung túc nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Đức – Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Quản lý xây dựng NTM xã Thái Mỹ chia sẻ, để có được những con đường làng láng nhựa, đổ bê tông chắc chắn trải dài ra tận ruộng đồng, trên 1.000 hộ dân đã sẵn sàng hiến đất, dù là mảnh vườn “đẹp” nhất của gia đình, dòng họ.
Từ khi chuyển đổi sang trồng củ từ, bà Tư Hủi có thể thu hơn 30 triệu đồng sau 6 tháng chăm sóc. |
Cụ thể, sau gần 3 năm thực hiện đề án, cả xã có gần 1.300 hộ dân hiến gần 265.000m2 đất, ước đạt gần 106 tỷ đồng để xây mới nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, công trình văn hóa, giáo dục… Theo bà Đức, để thành công, xây dựng NTM phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, được sự đồng thuận, ủng hộ và góp sức của bà con.
Khi được hỏi về những đóng góp xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Riêu (ngụ ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ) chia sẻ, mấy năm trước, đời sống còn khó khăn, mỗi một khoản đóng góp dù là nhỏ nhưng cũng là vấn đề lớn đối với gia đình. “Mới cách đây 2 - 3 năm, con đường trước nhà tui toàn ổ gà, ổ voi, mùa mưa thì lầy lội, bùn đất nhão nhẹt, mùa nắng thì bụi bay mù mịt. Giờ thì đường nhựa láng o, đèn đường sáng trưng ra tận bờ ruộng, đi làm đồng ban đêm cũng được nữa”- ông Riêu phấn khởi.
Thu nhập tăng, cuộc sống ổn định
Là 1 trong 5 xã do TP. HCM chọn thí điểm xây dựng NTM từ năm 2010, đến nay, Thái Mỹ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Dọc theo những con đường bê tông mới đổ, chúng tôi gặp và trò chuyện với bà Ngô Thị Sữa (ngụ ấp Bình Thượng 1, xã Thái Mỹ, Củ Chi) trên cánh đồng bắp sắp vào mùa thu hoạch. Bà Sữa cho biết, gia đình tham gia tổ hợp tác trồng bắp giống cho Công ty cổ phần C.P Việt Nam với diện tích khoảng 3 công đất. Bên công ty giao giống miễn phí và ký hợp đồng thu mua với giá 8.300 – 8.500 đồng/kg.
“3 công bắp kỳ này, tôi thu chắc 3 tấn trái, trừ phân bón chi phí này nọ, gia đình thu lãi hơn 15 triệu đồng sau 3 tháng chăm sóc”- bà Sữa cho biết. Trong khi đó, đối diện ruộng bà Sữa, bà Kiều Thị Hủi cũng đang dẫn nước từ con kênh bên cạnh vào ruộng củ từ vừa được hơn 1 tháng tuổi. Bà Hủi cho biết, trước đây gia đình trồng lúa nhưng do hiệu quả thấp, không có lãi nên đã chuyển sang trồng bắp, trồng củ từ. Với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, bà Hủi có thể thu gần 30 triệu đồng mỗi mùa củ từ.
Bà Đức cho biết thêm: “Đến nay, gần như 100% trong số hơn 8.000 lao động ở độ tuổi lao động của xã có việc làm. Những người đã nghỉ hưu, ở nhà nội trợ vẫn có thu nhập từ 40.000 – 50.000 đồng/ngày nhờ tham gia làm mây tre đan xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cũng cho biết, khi xây dựng đề án thí điểm NTM, thu nhập bình quân trên đầu người tại Thái Mỹ đạt khoảng 17 triệu đồng/người/năm. Đến nay, con số này tăng lên xấp xỉ 31 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1,8 lần so với mức thu nhập khi xây dựng đề án.
Thuận Hải