Nằm ở làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội), chùa Mía hình thành từ thế kỷ 17, là ngôi chùa danh tiếng bậc nhất xứ Đoài – vùng đất ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
Tương truyền, chùa do bà Nguyễn Thị Rong, vợ chúa Trịnh Tráng (1623-1657), cho xây dựng. Sau khi bà mất, nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà đã tạc tượng đem thờ ở chùa và tôn sùng bà là “Bà chúa Mía”.
Trong tâm thức của người dân xứ Đoài, chùa Mía là một ngôi chùa đặc biệt linh thiêng. Xung quanh ngôi chùa này, có những giai thoại thẩm đẫm màu sắc huyền bí được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng Đường Lâm, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Mía từng che chở nhiều dân làng trước họng súng kẻ thù. Có lần, giặc mở trận càn ở vùng đất Mía. Đi đến đâu, chúng gieo rắc đau thương, chết chóc đến đó.
Khi giặc về làng, người dân liền lũ lượt kéo nhau lên chùa Mía để lánh nạn. Quân Pháp đến gần chùa, biết có người ẩn náu bên trong, liền chĩa súng vào và bắn xối xả.
Lạ kỳ thay, đạn giặc như bị một bàn tay vô hình đẩy lạc hướng, không một viên nào chạm được vào các gian chùa. Nhờ đó, người dân làng Đường Lâm đã vượt qua cơn hoạn nạn, và họ tin rằng mình đã được thần linh phù hộ.
Cũng theo các bậc cao niên, chùa Mía đã cứu dân làng trong lần đê sông Hồng vỡ cách đây hơn nửa thế. Năm đó, từ tuyến đê vỡ, nước sông tràn về rất nhanh khiến dân chúng nháo nhào, tưởng như số đã tận.
Lạ thay, dòng nước đến gần làng thì chậm dần rồi dừng lại giữa con dốc trước cổng Đông. Đường vào chùa Mía không bị ảnh hưởng bởi dòng nước, ngôi chùa vẫn sừng sững uy nghiêm. Dân làng tin rằng thủy thần sợ oai linh chùa Mía mà không dám phạm vào.
Ngày nay, những câu chuyện trên có thể được nhiều người lý giải theo các cách khác nhau, không mang màu sắc tâm linh. Dù vậy, đức tin của người dân xứ Đoài về sự linh thiêng của chúa Mía vẫn vẹn toàn như hàng trăm năm trước, và đó là một nét đẹp văn hóa cần gìn giữ cho muôn đời...