Là một trong số các điều dưỡng đang làm việc tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc nCoV ở Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), điều dưỡng Bùi Lan Anh (sinh năm 1992) chia sẻ, cô vốn ở trọ ở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội).
Nghỉ Tết giữa chừng thì Lan Anh đã được bệnh viện gọi gấp đến để vào đội trực chiến phòng chống dịch. Sau một số ngày lăn lộn trong bệnh viện, cô chưa kịp về khu trọ thì đã nhận được nhiều tin nhắn rằng “đừng bén mảng đến khu nhà trọ”.
Lý do là nhiều tin đồn Lan Anh ở cái bệnh viện “đầy virus” đấy thì chắc chắn đã mắc virus corona, nếu về nhà sẽ lây cho người xung quanh. Vì thế chòm xóm nơi cô ở đánh tiếng “cẩm cửa” cô về, nếu gặp cô “mon men” đến gần đó sẽ xua đuổi.
Lan Anh ngậm ngùi, cô cảm thấy rất tủi thân khi hết dịch sẽ không thể quay về khu nhà trọ.
Thậm chí, chủ nhà trọ còn bảo Lan Anh rằng, tổ dân phố đã họp và thống nhất ý kiến sẽ không cho cô về nhà trọ. Dù cô đã giải thích dù cô làm ở viện nhưng luôn có đồ phòng hộ cẩn thận, không thể mắc bệnh, nhưng người dân vẫn không tin.
“Em còn chẳng kịp lấy quần áo, đồ dùng cá nhân gì. Em vào viện ở dùng tạm quần áo của đồng nghiệp và mặc đồng phục cơ quan. Nhiều lúc thấy tủi thân ghê gớm cơ, cũng may em còn có gia đình, đồng nghiệp thông cảm luôn động viên mình” - Lan Anh tâm sự.
Cùng trong nhóm thường trực chăm sóc bệnh nhân mắc nCoV ở khu cách ly đặc biệt, điều dưỡng Ngô Đình Tú (sinh năm 1989, Khoa Cấp cứu) đã ở bệnh viện từ “năm ngoái đến năm nay”.
Điều dưỡng Tú và Dung đều tá túc trong bệnh viện suốt từ Tết đến giờ. Ảnh: D.L
Tú cho biết, từ trước Tết Canh Tý, khi dịch do virus corona bùng phát ở Trung Quốc, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện bắt đầu cho thành lập các khu, phòng cách ly để tiếp nhận bệnh nhân mắc và nghi ngờ mắc nCoV. Tú đã được bệnh viện huy động để làm công tác chăm sóc bệnh nhân mắc nCoV.
“Mỗi ngày chúng tôi chia nhau làm 3 ca, ca 1 từ 7h đến 13h30, ca chiều từ 13h30 đến 19h30 và ca tối từ 19h30 đêm trước đến 7h30 sáng hôm sau. Mỗi ca trực có 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng. Chúng tôi phải mặc quần áo bảo hộ kín mít suốt 6-7 giờ và chỉ được nghỉ một lần, cởi bỏ quần áo bảo hộ để giải quyết việc cá nhân hoặc ăn cơm, sau đó lại mặc đồ bảo hộ và túc trực trong các khu cách ly. Công việc hàng ngày của chúng tôi là phát thuốc, phát cơm, đo huyết áp, nhiệt độ cho bệnh nhân” - Tú cho biết.
Hàng ngày các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Cấp cứu phải nhận cơm qua những "khe cửa" hẹp thế này. Ảnh: D.L
Tú cười vui nói mình chưa lập gia đình, thường xuyên nội trú trong viện nên không quá tâm tư, lo lắng. Tú cũng không sợ mình mắc bệnh vì trong quá trình làm việc đã bảo hộ kín mít, các quy trình về an toàn, chống nhiễm chéo virus từ bệnh nhân cũng được thực hiện nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, những đồng nghiệp có gia đình, có con nhỏ thì khá lo lắng. Nếu dịch kéo dài thì chẳng lẽ lại “biệt phái” luôn khỏi gia đình. Như vậy, mọi chuyện sinh hoạt, tình cảm đều xáo trộn. Đã thế còn có những đồng nghiệp bị kỳ thị, xa lánh khiến họ càng buồn và suy nghĩ.
Chia sẻ về vất vả trong việc chăm sóc các bệnh nhân mắc nCoV, điều dưỡng Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1993, Khoa Cấp cứu) cho biết, việc phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt 3-4 giờ là một việc không dễ dàng gì.
“Cả người bí bách, khó chịu nhưng chúng em đều phải cố gắng. Khó nhất là muốn đi vệ sinh cũng phải cố đợi đến giờ được nghỉ giải lao mới được cởi bỏ bộ quần áo. Khi cởi quần áo bảo hộ cũng rất căng thẳng, tỉ mỉ vì chỉ cần sai quy trình một chút là sẽ có nguy cơ mắc virus corona” - Dung tâm sự.
Bộ quần áo kín mít mà các điều dưỡng khi vào khu cách ly đặc biệt dành cho bệnh nhân mắc nCoV phải mặc suốt 3-4 tiếng.
Dung cũng vào viện tá túc từ đầu mùa dịch. Công việc vất vả, kỷ luật ngặt nghèo không khiến cô chạnh lòng bằng việc bạn bè khi biết cô là điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, trong tâm dịch đã nhiều người buông lời xa cách. Họ cho biết bây giờ phải tạm thời “nghỉ chơi với Dung để đợi hết dịch mới kết bạn lại”.
“Tuy rằng chỉ là lời nói đùa nhưng cũng khiến em chạnh lòng. Em đã cố gắng làm công việc thật tốt nhưng lại chẳng được lời động viên”, Dung chia sẻ.
Còn nhân viên Trần Thị Toàn (sinh năm 1985) đã có gia đình và 2 con nhỏ. Chị cho biết mình làm công việc hành chính nên không phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân mắc nCoV. Tuy nhiên, chị và các đồng nghiệp khác của Khoa Cấp cứu đều phải căng mình trong công tác phòng chống dịch, không hề lơi là ở bất kỳ quy trình nào để tránh lây nhiễm chéo.
Nhân viên y tế Trần Thị Toàn đi giữa những giường bệnh "chờ" bệnh nhân nCoV tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư).
Hàng ngày, chị Toàn vẫn về nhà với gia đình, tuy nhiên trước khi về nhà đều phải trải qua một lần “tiệt trùng”, về đến nhà lại một lần “tiệt trùng” nữa mới dám gần mọi người. Mùa dịch này, hai đứa con chị đều nghỉ học, nhưng rất may mẹ chồng chị giúp trông con nên chị mới yên tâm bận bịu trong viện.
“Rất may mọi người trong gia đình đều hiểu và thông cảm cho công việc của tôi. Mọi người thường hỏi han và dặn dò tôi không nên chủ quan trong việc phòng bệnh. Là người làm ở bệnh viện, ngày thường tôi chú ý đến việc phòng hộ 1 thì mùa dịch này phải chú ý 10. Mong rằng dịch không quá lâu để các đồng nghiệp phải trực chiến trong bệnh viện được sống cuộc sống bình thường trở lại” - chị Toàn chia sẻ.
Tổng số điều dưỡng, bác sĩ tại Khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) đang “trực chiến” với dịch virus corona ở cơ sở 2 Đông Anh (Hà Nội) là 19 người, chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm. Mỗi ca trực 3 điều dưỡng cùng một bác sĩ. Công việc của họ là chăm sóc bệnh nhân mắc nCoV (đã tiếp nhận 4 bệnh nhân nhưng hiện 3 bệnh nhân vừa xuất viện, còn 1 bệnh nhân) và mỗi ngày đón 25-30 người nghi mắc nCoV vào khu cách ly.
Khung cảnh vắng lặng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: D.L
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) hiện cũng đang sát cánh cùng với các đồng nghiệp tại cơ sở 2 Đông Anh. Anh cho biết, toàn bệnh viện có hơn 60 bác sĩ, y tá, điều dưỡng tại 3 khoa cùng tham gia vào công tác khám, sàng lọc, cách ly và điều trị cho bệnh nhân nghi mắc và mắc nCoV. Từ khi công bố dịch, gần 60 người “trực chiến” đều ăn ngủ tại bệnh viện, hạn chế tiếp xúc với người khác. Bệnh viện chỉ cố gắng thu xếp một khu nhà ở tạm cho các bác sĩ nên điều kiện sinh hoạt cũng tối giản hết sức. Hàng ngày cơm ăn đều đặt từ một công ty cung cấp mang vào phát cho bệnh nhân và nhân viên y tế.
“Không thể nói rằng chúng tôi không lo lắng, căng thẳng, nhưng công việc đã lựa chọn yêu cầu chúng tôi phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình” - bác sĩ Cấp nói.