Dân Việt

Trào lưu đúc tượng, lập đền thờ cá nhân - suy nghĩ lệch dẫn tới phát triển văn hóa lệch

Thanh Hà (thực hiện) 13/02/2020 12:15 GMT+7
PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ với Dân Việt: “Nếu ai đó suy nghĩ, khi Nhà nước cho phép, có thể làm gì thì làm, miễn không vi phạm pháp luật, có thể đúc tượng, lập đền thờ người thân là quyền của họ và người dân muốn thì vào lễ bái, tôi cho đó là suy nghĩ lệch, dẫn tới hệ luỵ phát triển lệch lạc về văn hoá”. 

Thưa PGS. TS Bùi Hoài Sơn, gần đây dư luận đang xôn xao về hiện tượng doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch văn hoá tâm linh, trong đó lập đền thờ và đúc tượng người nhà thờ trong đền, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Việc đưa hương linh vào trong chùa là một trong thói quen truyền thống của người Việt Nam, vì thế khi vào chùa chúng ta để ý có thể thấy trong chùa có khu để gia đình có thể đặt bát hương, ảnh thờ và gọi đó khu hương linh cho gia đình thờ. Vì vậy một ai đó nếu đưa vong linh người nhà mình vào trong chùa thì đó là câu chuyện có thể hiểu và chấp nhận được.

img

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà

Tuy nhiên, cách đưa vào phải làm sao cho tế nhị, tránh tạo ra dư luận không hay, nhất là với những người nổi tiếng vì luôn nhận được sự quan tâm của người dân.

Còn Nhà nước không có quy định cho những việc như thế này, vì thế chúng ta khó có thể có hình thức chế tài. Và từ trước đến nay, câu chuyện như thế này liên quan tới tâm linh, đó là thói quen của rất nhiều người Việt kể cả từ xa xưa cho tới thời điểm hiện nay.

Là một chuyên gia nghiên cứu về văn hoá, xin ông cho biết ngày trước việc lập đền, miếu của người Việt Nam như thế nào?

- Trước kia việc lập đền hoặc miếu là sự tôn vinh của cộng đồng. Chúng ta cũng thấy các di tích, đình, đền thờ các vị như Hoàng hậu, Hoàng phi…, bởi họ là những người đã có công quyên góp xây dựng lên chùa, đình hoặc đền đó và khi họ mất đi người dân đã suy tôn thành Thành hoàng và lập bát hương thờ họ ở các ngôi chùa, đình hoặc đền. Nếu bây giờ mọi người cũng làm theo cách của người xưa, tôi nghĩ sẽ tạo được sự đồng thuận, tức là sự tôn vinh của xã hội, của cộng đồng đã được nhận, được chịu ơn đối với công trình quyên góp xây dựng có giá trị tín ngưỡng tôn giáo, có ích cho cộng đồng sở tại nơi đó.

Việc lập đền thờ dù không có quy định, chế tài, nhưng cũng đã có phần thay đổi, không còn theo truyền thống có sự đồng thuận, tôn vinh của cộng đồng như xưa kia và đã gây xôn xao dư luận, mà mới nhất là đền Tứ Ân nằm trong quần thể di tích Tam Chúc xây dựng hoành tráng thờ 1 người là cư sĩ Diệu Liên, tức vợ đại gia Xuân Trường, chủ đầu tư khu di tích tâm linh này. Đứng ở góc độ nhà quản lý, ông thấy các sự việc này thế nào?

- Tôi nghĩ đây là việc rất nên cân nhắc trong bối cảnh xã hội đang cần những tấm gương. Với những người nhận được sự quan tâm của công chúng, như nghệ sĩ, doanh nhân, người nổi tiếng… cần phải tế nhị khi xây dựng hình ảnh cho mình, cho người thân ở những di tích, đặc biệt các di tích nổi tiếng nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.

Còn đứng ở góc độ quản lý, tôi nghĩ câu chuyện này rất khó để xử lý. Tôi nói khó bởi đây là khu vực chủ đầu tư có quyền được khai thác và về mặt luật pháp họ có quyền được làm những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên câu chuyện này động chạm tới vấn đề văn hoá, đạo đức, tín ngưỡng và tâm linh. Vì liên quan tới những vấn đề như thế mà chúng ta làm, chúng ta nghĩ rằng mang tính cá nhân không bị pháp luật nghiêm cấm có thể làm gì thì làm.

Thực ra từ trước tới giờ đã có một số câu chuyện về vấn đề này. Trước kia cũng có một trường hợp nhưng là được cộng đồng tôn vinh, cộng đồng đứng ra bảo vệ, vì thế sức sống của nó là trường tồn, giá trị mang tính bền vững. Còn bây giờ khi xã hội, kinh tế phát triển, người ta nghĩ cá nhân có thể làm được, có thể thay thế cả một cộng đồng thì tôi nghĩ cần phải xem xét lại.

Thưa PGS. TS, vừa qua cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về sự việc này, có người cho rằng khi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư và được nhà nước cho phép, họ xây dựng và muốn làm gì đó là quyền của họ. Họ đúc tượng, lập đền thờ người nhà cho riêng gia đình họ, người dân nếu muốn có thể vào lễ bái. Họ không sai, không vi phạm pháp luật. Có ý kiến lại cho rằng, điều đó thể hiện sự ngông cuồng và không đúng với tín ngưỡng của người Việt. Vậy ông nghĩ sao về hai chiều dư luận này?

- Trước hết với suy nghĩ doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư và được Nhà nước cho phép, họ xây dựng và muốn làm gì đó là quyền của họ. Họ đúc tượng, lập đền thờ người thân cho riêng gia đình họ, người dân nếu muốn có thể vào lễ bái và việc làm đó họ không sai, không vi phạm pháp luật, tôi cho đó là suy nghĩ lệch dẫn tới hệ luỵ làm phát triển lệch lạc về văn hoá.

Đúng là chủ đầu tư có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm và về nguyên tắc quản lý chúng ta không có bất cứ hình thức xử lý nào cho những sự việc như vậy. Nhưng chúng ta phải rất cân nhắc khi có hành động để người khác nghĩ rằng mang tính riêng tư, là câu chuyện của cá nhân đối với khu du lịch tâm linh. Việc nhạy cảm như vậy, tôi nghĩ doanh nghiệp nên cân nhắc khi làm những việc liên quan tới tâm linh, tín ngưỡng của người dân ở nơi thu hút nhiều người dân tham gia.

Cũng có nhiều ý kiến e ngại, ban đầu là lập đền thờ mang tính chất gia đình, cá nhân, nhưng theo thời gian, khi đền thờ đó nằm trong quần thể của khu du lịch tâm linh, vẫn bán vé cho người dân vào lễ bái thì dễ bị hiểu nhầm là nhân vật lịch sử, và lúc đó sẽ không còn là của riêng cá nhân?

- Theo ý kiến cá nhân của tôi, chúng ta cần rút kinh nghiệm. Việc thiêng hoá một nhân vật cần phải trải qua quá trình chắt lọc theo thời gian, chứ không thể một cá nhân mong muốn thiêng hoá nhân vật nào đó là có thể làm được ngay. Việc thiêng hoá nhân vật cần chắt lọc qua thời gian để tạo lên giá trị, tạo thành biểu tượng và câu chuyện này đã có và xảy ra trong quá khứ chúng ta cũng đã chiêm nghiệm thấy.

Tôi nghĩ đây sẽ là những thông tin để ai đó có ý định hay muốn thiêng hoá nhân vật người thân của mình cần xem xét, cân nhắc.

Xin cảm ơn PGS, TS Bùi Hoài Sơn.