Dân Việt

Những tâm tư ghi từ “tâm dịch” virus corona ở Vĩnh Phúc

Thành An 13/02/2020 20:07 GMT+7
Ngày đầu tiên diễn ra việc phong tỏa, cách ly vùng có dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, mọi quy trình đang được kiểm soát nghiêm ngặt.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập

Ngày 13/2 - ngày đầu tiên diễn ra việc phong tỏa, cách ly vùng có dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, phía bên ngoài những tấm biển, băng rôn hướng dẫn về phòng chống dịch COVID-19 đã được dựng lên để người dân tiếp cận. Bất kỳ hoạt động ra, vào nào tại đây đều được hướng dẫn, thông báo từ các tổ công tác về việc chấp hành việc phong tỏa, cách ly. 

img

12 chốt kiểm soát bao gồm các lực lượng công an, quân đội, y tế kiểm soát người dân ra vào xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc trong ngày đầu diễn ra hoạt động phong tỏa, cách ly vùng có dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) tại đây. (ảnh: Ngọc Hải)

Ông Nguyễn Văn Ngạch (59 tuổi) từ trong thôn Ái Văn, xã Sơn Lôi đeo khẩu trang đi xe máy ra đến trạm kiểm soát dịch COVID-19 gần đường tỉnh lộ 310 - trục đường giao thông chính vào xã Sơn Lôi (đoạn thôn Ngọc Bảo), ngay lập tức ông bị lực lượng chức năng chặn lại. 

“Tôi ra ngoài lấy mấy bao cám về cho lợn ăn” – ông nói với lực lượng chức năng, tuy nhiên, thượng úy Ngô Văn Chỉnh (Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động Công an tỉnh Vĩnh Phúc) bảo: “Nếu ông ra ngoài bây giờ thì không được vào trong nữa, đây là quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19  của tỉnh...”. 

Sau một hồi nghe giải thích, ông Ngạch hiểu rõ vấn đề và gọi điện cho cửa hàng kinh doanh chở gần 1 tấn cám lợn đến. Khi xe chở cám đến muốn qua chốt kiểm dịch để đưa vào nhà ông Ngạch, lúc này thượng úy Chỉnh tiếp tục nói với ông Ngạch rằng: “Nếu xe này vào thì cả người và xe sẽ không được đi ra khỏi xã trong vòng 20 ngày” - nghĩa là nếu đã vào vùng cách ly thì không được đi ra trong thời gian cách ly khoảng 20 ngày. 

Ông Ngạch được hướng dẫn nên sử dụng phương tiện trong xã ra để chở cám vào bên trong, ông vui vẻ đồng ý. “Cơ quan chức năng của tỉnh làm như vậy là đúng và rất tốt, đảm bảo an toàn cho người dân trong xã và cho người dân ở nơi khác. Bởi dịch bệnh này rất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn, đặc biệt là đến tính mạng con người”- ông Ngạch nói.

img

Tất cả những đường chính, đường nhỏ hay lối mòn dẫn vào xã Sơn Lôi đề có các chốt trực của cơ quan chức năng. (ảnh: Ngọc Hải)

Cũng tại chốt kiểm soát này, anh Nguyễn Mạnh Hà đi từ xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đến, dừng xe máy, anh tới trình bày với lực lượng kiểm soát rằng mình mới đi làm ngày đầu tiên ở trong Khu công nghiệp Bình Xuyên, thuê trọ trong xã Sơn Lôi, nay công ty thông báo tạm nghỉ nên anh muốn quay trở lại phòng trọ…

“Em ở nơi khác đến thì không được vào hoặc bây giờ em vào thì sẽ không được ra nữa” - thiếu úy Chỉnh dứt lời, Hà nói: “Giờ em vào chuyển đồ đạc ra chứ không ở đây nữa” và nhận câu trả lời “em có thể nhờ chủ nhà giữ đồ đạc hộ, chứ giờ em vào là không thể ra trong vòng 20 ngày tới. Hiện tại khu vực này đã là khu vực cách ly, em vào là không ra được nữa. Em hiểu không…”. 

Nghe xong những lời giải thích của lực lượng kiểm soát tại trạm, anh Hà đồng ý không vào nhà trọ của mình trong xã nữa và gọi điện cho chủ nhà nhờ trông đồ giúp rồi lên xe trở về quê. “Sau khi được lực lượng chức năng giải thích rõ tôi đã hiểu và phải chấp hành đúng quy định, tôi mong tình hình sớm ổn định để trở lại công ty làm việc” – Hà rầu rĩ nói.

Xã Sơn Lôi có diện tích gần 1.000 ha, với trên 2.800 hộ dân, gần 11.000 nhân khẩu (bao gồm cả dân số cơ học đến địa bàn sinh sống, làm ăn). Dọc theo con đường tỉnh lộ 310 hơn 1 km, chúng tôi thấy hàng loạt các trạm kiểm soát được lập, không chỉ là trạm kiểm soát ở những trục đường xe cộ qua lại cả những đường ngách, thậm chí cả những “đường mòn lối mở”cũng được lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc giám sát chặt chẽ người dân ra-vào. Lều bạt dã chiến đều được dựng lên ngay cạnh trạm. Nhiều người dân đã nắm được các thông tin và chấp hành các quy định về việc không lưu thông ra khỏi khu vực địa bàn xã.

img

Những hoạt động mua bán thường ngày của người dân xã Sơn Lôi sẽ bị hạn chế, người dân trong xã sẽ chỉ được đi vào và không được phép đi ra. Người dân ở những xã khác sẽ không được phép vào bên trong xã Sơn Lôi. (ảnh: Ngọc Hải)

Thượng úy Ngô Văn Chỉnh cho biết, theo kế hoạch phân công của ban lãnh đạo Công an tỉnh, anh được phân công trực chốt, kiểm dịch cùng các lực lượng công an của huyện Bình Xuyên và các lực lượng khác như y tế, quân đội... của tỉnh với nhiệm vụ kiểm soát người dân ra, vào khu vực xã Sơn Lôi. “Cơ bản người dân nhận thức được tốc độ lây lan của dịch bệnh nên cũng chấp hành rất tốt, họ tự giác nêu cao tinh thần phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương” – thượng úy Chỉnh nhấn mạnh.

Thượng tá Hoàng Việt Lào - Phó Trưởng Phòng PA83, Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông tin nhanh với PV Dân Việt trong quá trình đi kiểm tra tại các trạm kiểm soát dịch cho biết, hiện tỉnh đã lập 12 chốt tại các đường, lối vào xã để kiểm soát chặt chẽ người ra, vào xã 24/24h trong vòng 20 ngày theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Mỗi chốt có nhiều lực lượng như công an, quân đội, y tế, cán bộ địa huyện, xã… số lượng có thể tăng giảm tại các chốt.

“Tất cả các khu vực vị trí đường ra-vào xã Sơn Lôi thì thành lập các chốt, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cũng đã có quyết định xác định đây là khu vực cách ly cũng là hộ dịch. Theo quy định chỉ cần có 1-2 trường hợp thì đã là hộ dịch. Tức là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”” – Thượng tá Lào nói và cho biết, vẫn có trường hợp người dân được ra-vào ví dụ như như bị ốm phải chuyển đi tuyến trên, nếu không sẽ phải cách ly hoàn toàn. 

Sống chung với dịch

Tại trạm kiểm soát thôn Lương Câu, sau khi chăm sóc đàn lợn ở trang trại gần khu vực cách ly, anh Nguyễn Văn Sáu trở về nhà, tại trạm kiểm soát, anh Sáu đưa chứng minh thư nhân dân của mình cho lực lượng kiểm soát để chứng minh mình là người trong xã. “Tôi là người dân trong xã, hiện đang chăn nuôi trang trại lợn ở bên ngoài, giờ tôi muốn được 1 ngày 2 lần đi vào-ra để chăm sóc lợn thì phải làm như thế nào” – anh trình bày mong muốn với lực lượng chức năng và được giải thích rằng, anh có thể đến UBND xã Sơn Lôi xin giấy “đi lại” trong trường hợp này. 

Ông Lê Duy Thành - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho hay đây là việc làm rất cần thiết với mục tiêu hạn chế dịch, dập dịch Covid-19. Quyết định này đã cân nhắc từ thực tế là trong số 10 trường hợp của tỉnh Vĩnh Phúc nhiễm Covid-19 (có 3 trường hợp đã khỏi bệnh, xuất viện) thì riêng xã Sơn Lôi có tới 5 trường hợp. Và điều đặc biệt là tất cả những trường hợp ban đầu đều xuất phát từ xã Sơn Lôi rồi lây ra các trường hợp khác. "Vì vậy, chúng tôi quyết định việc cách ly xã Sơn Lôi là việc làm cần thiết lúc này" - ông Thành nói.

Anh Sáu cảm ơn lực lượng chức năng và khẳng định sẽ lên Ủy ban xã để trình bày nguyện vọng. “Tôi cũng biết dịch bệnh này nguy hiểm, cũng không muốn đi ra ngoài trong hoàn cảnh hiện nay nhưng vì công việc tôi chỉ ra ngoài ngày 2 lần cho lợn ăn, dọn dẹp chuồng trại xong lại về luôn” – anh Sáu khẳng định.

Tại một chốt kiểm soát khác tại thông Lương Câu, qua lớp khẩu trang kín mít, ông Nguyễn Văn Tuyên (58 tuổi) cho biết, 2 người con gái đi làm tại Khu công nghiệp Bình Xuyên đều đã nhận được thông báo tạm nghỉ việc để thực hiện việc cách ly, phòng dịch. “Chúng tôi rất ủng hộ với qui định của tỉnh để kiểm soát tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn trong một số trường hợp có thể được hỗ trợ. Ví dụ như trường hợp cung ứng hàng hóa, vật tư phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc tới khi đàn lợn của người dân tới thời kỳ xuất chuồng thì có thể xuất bán ra bên ngoài” – ông Tuyên nói.

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, một số cửa hàng tạp hóa tại xã Sơn Lôi đã thực hiện bổ sung thêm nhiều hàng hóa như mỳ tôm, đồ khô, nhu yếu phẩm cần thiết khác để đảm bảo phục vụ người dân trong thời gian phong tỏa.

img

Theo ông Nguyễn Như Tâm – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lôi người dân trong xã xác định sống chung với dịch. (ảnh: Ngọc Hải)

Bà Trần Thị Tính (50 tuổi, thôn Bá Cầu, chủ cửa hàng tạp hóa Tính Linh) cho biết: “Cửa hàng nhà tôi vừa nhập thêm 40 thùng mỳ tôm và một số mặt hàng khác. Việc nhập hàng hóa này cũng được thực hiện ngay tại chốt kiểm tra chứ không ra bên ngoài. Người dân cũng thực hiện nghiêm việc cách ly của chính quyền địa phương”.

Trao đổi với PV Dân Việt ngay tại trạm kiểm soát tại trục đường chính vào xã Sơn Lôi, ông Nguyễn Như Tâm – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lôi cho rằng, thông qua báo chí và mạng xã hội, ông biết được dư luận ở nhiều nơi cho rằng người dân xã Sơn Lôi rất hoang mang về tình hình dịch bệnh đang diễn ra trên địa bàn xã và có nhiều thông tin sai trái về việc chính quyền không quan tâm đến đời sống người dân. 

“Thực tế, người dân trong xã của chúng tôi không hoang mang lắm, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh và cả trung ương nên tâm lý nhân dân rất vững vàng, hàng vạn tờ rơi và nhiều cuộc họp để thông báo để nhân dân thấu hiểu” – ông nói.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lôi, khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay là ổn định tâm lý nhân dân. Trước nhân dân xác định sống chung với dịch, nhưng hiện nay theo quy định phải cách ly 20 ngày, công ăn việc làm, thu nhập của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng, cho nên chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động đến nhân dân để tránh trường hợp vì đồng tiền, miếng cơm manh áo mà bỏ trốn ra ngoài để đi làm. 

“Bây giờ lo lắng nhất là việc này. Chúng tôi phải tuyên truyền làm sao để có được sự đồng thuận trong nhân dân, đây là trách nhiệm và nghĩa vụ cơ bản nhất cho đến thời điểm này. Tức là người dân phải tự bảo vệ chính mình, bảo vệ cho cộng đồng…” – ông Tâm nhấn mạnh.

Về việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong những ngày khoanh vùng, cách ly dịch, ông Tâm cho biết, các cơ quan chức năng đã có kế hoạch, kịch bản chi tiết và phân công nhiệm vụ về việc cung ứng hàng hóa vào địa bàn xã Sơn Lôi. Theo đó sẽ có những cửa hàng bình ổn giá phục vụ người dân, không để khan hiếm hàng hóa. 

“UBND xã Sơn Lôi đã chuẩn bị sẵn trung tâm văn hóa của xã thực hiện các quầy bán hàng bình ổn giá, UBND huyện cũng đã chọn các Doanh nghiệp, các hộ tư nhân kinh doanh để bán hàng theo đúng giá niêm yết thị trường trong khu vực. Thời gian tới, hàng hóa phục vụ nhân dân trong xã sẽ không thiếu, không khan, giá cả sẽ được giữ vững ở mức chung trên địa bàn của huyện”- ông Tâm khẳng định.

Đáng chú ý, lãnh đạo xã Sơn Lôi thông tin, ngay trong chiều nay (13/2), Đảng ủy xã và các chi bộ của xã tiến hành họp chuyên đề mở rộng để quán triệt phổ biến các văn bản chỉ đạo của cấp trên từ đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động thuyết phục người dân để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc cách ly hiện nay.

“Nói thật, nhân dân xã Sơn Lôi không được phép sợ mà phải sống chung với dịch để cùng nhau vượt qua. Không còn cách nào khác là phải như vậy, sợ cũng không được nên phải tích cực, chủ động phòng chống cho mình và cho người khác” – Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Trung - Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho biết từ sáng 13/2 địa phương bắt đầu cho phong tỏa toàn bộ xã Sơn Lôi trong 20 ngày (13/2 đến 3/3) để khoanh vùng, dập dịch Covid-19. 

“Qua ngày đầu triển khai, người dân cơ bản đồng tình với phương án cách ly, vừa để giữ an toàn cho bản thân, cũng là vì cộng đồng. Chúng tôi cũng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết tâm dập dịch”, Chủ tịch UBND huyện nói.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ mỗi người dân 40.000 đồng/ngày nếu cách ly tại nhà và 60.000 đồng/ngày đối với trường hợp cách ly tập trung. Đồng thời tổ chức các điểm bán hàng lưu động, đưa hàng hoá thiết yếu vào từng thôn, xóm.

Bên cạnh việc cách ly, địa phương cũng tập trung lên danh sách những trường hợp có tiếp xúc với các bệnh nhân đã dương tính trước đó để theo dõi chặt chẽ. Theo Chủ tịch UBND huyện, một số trường hợp người dân có tiếp xúc với bệnh nhân, tuy nhiên không khai báo vì sợ bị cách ly, gây khó khăn cho cán bộ y tế cơ sở. Đến nay, danh sách người có tiếp xúc với bệnh nhân trên địa bàn huyện Bình Xuyên khoảng 200 người.