Trong làng Ái Văn có hàng chục người phải đi cách ly, có những gia đình tất cả những thành viên phải vào viện. Nhưng người dân Ái Văn đã cắt cử nhau bảo vệ tài sản của những gia đình phải tạm ly hương vì bệnh tật, tình làng nghĩa xóm của người dân Ái Văn như bền chặt, bao bọc nhau hơn trong cơn hoạn nạn, họ không oán trách cô gái đầu tiên bị bệnh Covid19 đem từ Vũ Hán về đến làng mình.
Bà Phạm Thị Văn - người phụ nữ 64 tuổi tự nguyện làm tình nguyện viên chống dịch đã nói: “Trước kia xã Sơn Lôi chúng tôi nghèo nhất tỉnh Vĩnh Phúc, nhờ công nghiệp hóa, các nhà máy xí nghiệp về địa bàn xã, con em chúng tôi ngoài làm ruộng thì đi làm công nhân, mà bộ mặt làng xóm thay đổi, chúng tôi thực sự giàu lên. Con cháu đi tập huấn ở Trung Quốc không may bị mắc bệnh nguy hiểm thì cả làng không ai trách, mà chỉ thương các cháu thôi. Cả làng làm được gì thì đều làm cho gia đình có nạn nhân cả”.
Khẩu hiệu “Bình an cho Vĩnh Phúc” được nhiều người lồng vào ảnh đại diện của mình trên trang cá nhân để thể hiện sự chung lòng với Vĩnh Phúc. Đồ họa: Việt Anh
Cũng vì dịch bệnh mà cả xã Sơn Lôi có 8 đường đi ra vào, thì đã được 8 đội phòng chống dịch chốt chặn. Nói là nội bất xuất ngoại bất nhập nhưng thực tế thì bà con đã chủ động phòng dịch tại chỗ. Có những người đã tự nguyện tạm dừng công việc ở Hà Nội để ở nhà tuyên truyền chống dịch. Họ là những người có ý thức và tự trọng, họ hiểu biết để bảo vệ cho cộng đồng và bảo vệ chính mình.
Trên mạng xã hội, những khẩu hiệu “Vĩnh Phúc cố lên”, “Bình an cho Vĩnh Phúc” được nhiều người lồng vào ảnh đại diện của mình như là thể hiện sự chung lòng với Vĩnh Phúc để đẩy lùi dịch Covid19. Một lần nữa lúc dịch bệnh lại là lúc người Việt mình có cơ hội để mở lòng với nhau, nhường nhịn chia sẻ từ chiếc khẩu trang, chai nước khử khuẩn. Chính phủ điều cả một chuyến bay để đón công dân của mình từ vùng tâm dịch về. Những chiến sỹ công an, bộ đội, ăn ngủ, thức cùng những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Những bác sỹ vã mồ hôi trong bộ đồ phòng dịch, thức trắng đêm trong phòng bệnh nhân, và đã có 7/16 người khỏi bệnh.
Vậy mà trên mạng xã hội, vẫn có những thông tin tẩy chay người Vĩnh Phúc, thông tin nghi ngờ cách phòng dịch của nhà nước, và xã hội ta. Đây là những thông tin điên rồ và ngu ngốc, bất nhẫn và đi ngược lòng người, đi ngược toàn dân đang hướng về vùng dịch và chống dịch một cách khoa học và lạc quan. Tại sao họ có thể cầu nguyện cho Nhà thờ Đức Bà Paris trong cơn hỏa hoạn, cầu nguyện cho Australia lúc cháy rừng, mà không thể nhân ái với đồng bào mình đang gặp khó khăn?
Tôi đã vào vùng dịch để làm nhiệm vụ của một nhà báo, với sự bảo vệ tốt nhất theo đúng quy trình an toàn. Ngày cách ly tôi cũng ở đó, nhưng là ngoài barier, và tôi chắc chắn một điều là, khi được phép, tôi sẽ trở lại ngay Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Những cái tên đó, rất tự nhiên, đã là một phần trong trái tim tôi. Ở đó có những người dân dúi nước diệt khuẩn vào tay tôi bảo dùng đi, rồi tặng tôi khẩu trang, tự nguyện dẫn tôi đi lấy thông tin viết bài - họ biết đường và tránh cho tôi đi lạc vào những gia đình đã có người mắc bệnh.
Tôi nghĩ rằng với dịch bệnh chúng ta phải thận trọng và cảnh giác, nhưng không sợ sệt kiểu thiếu căn cứ vô nguyên tắc đến mức cạn kiệt tình người. Lúc đó chúng ta chỉ là những sinh vật giành nhau quyền sống, rồi kêu gào, khóc lóc chê bôi, uất ức.
Xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã được cách ly, phong tỏa từ 13/2 để phòng chống dịch virus corona lây lan. Ảnh: Ngọc Hải
Hãy bĩnh tĩnh và tin tưởng. Cảm xúc tích cực sẽ sinh ra những năng lượng tốt, đưa con người ta có những quyết định sáng suốt và đúng đắn vượt cả sức của mình, để tạo ra những miễn nhiễm vô địch mà không loại bệnh tật và sự hiềm tị nào có thể đánh gục. Hãy chống dịch một cách thông minh, đúng đắn và lạc quan, hãy chiến thắng bệnh tật và cả sự u tối trong lòng mình.
Nếu những bài viết của tôi về vùng dịch làm ấm lòng người dân Vĩnh Phúc, làm bạn đọc thấy được tinh thần chống dịch của bà con Sơn Lôi, thì tôi sẽ vẫn tiếp tục. Là công việc của một nhà báo, nhưng bằng sự tin tưởng vào những nỗ lực chống dịch, bằng sự hiểu biết vào khoa học và cuộc sống, bằng sự lạc quan và biết ơn, bằng tình người, mà những người nông dân ở Ái Văn đã tiếp sức và trang bị cho tôi, và họ không hề biết rằng họ đã đem lại cho tôi những điều quý giá đó, trong lúc dịch bệnh có thể bủa vây cuộc sống của họ.
Tôi cũng đã thay ảnh đại diện của mình trên Facebook cá nhân bằng tấm ảnh có lồng khung “Bình an cho Vĩnh Phúc”. Vĩnh Phúc hãy cố lên, hãy lạc quan để chúng ta cùng sống và chiến đấu với các loại dịch bệnh, nhất là sự hiềm tị, u mê đang là thứ dịch bệnh lây nhanh trên mạng xã hội và ở ngoài đời, nhanh hơn cả virus corona, ở một số người.