Dân Việt

Chủ tịch Hà Nội giao thanh tra vụ cưỡng chế công viên nước Thanh Hà

Hoàng Thành 14/02/2020 22:28 GMT+7
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu Thanh tra Hà Nội thanh tra việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà (khu đô thị Mường Thanh, phường Phú Lương, quận Hà Đông).

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản số 439 gửi Chánh Thanh tra TP truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thanh tra làm rõ trách nhiệm UBND các cấp phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà

Đồng thời, làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật, đề xuất các biện pháp xử lý.

Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra đến Thành ủy, UBND TP.Hà Nội trước ngày 29/2/2020. 

Văn phòng UBND TP được giao theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị thực hiện chỉ đạo trên, tổng hợp báo cáo UBND TP.

img

Công viên nước bị chính quyền quận Hà Đông (Hà Nội) cưỡng chế trong năm 2019.

Liên quan đến vụ việc, chiều 11/2, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho rằng, công viên nước Thanh Hà thuộc dự án Thanh Hà – Cienco5, đất quy hoạch là đất công cộng đô thị, nhưng chủ đầu tư xây dựng không phép. “Các cơ quan chức năng của Hà Đông đã thiết lập biên bản, hồ sơ xử lý việc xây dựng không phép. Việc thiết lập hồ sơ theo trình tự, thủ tục của pháp luật quy định”- ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, trong quá trình lập hồ sơ xử lý, quận đã gửi đầy đủ thông báo cho chủ đầu tư, các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp cưỡng chế, cũng như thông báo yêu cầu thực hiện, chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của quận.

“Về việc cho rằng có một số hạng mục bị phá dỡ không thuộc hạng mục bị cưỡng chế, qua các biên bản đã thiết lập có 19 hạng mục công trình thuộc dự án công viên nước Thanh Hà vi phạm trật tự xây dựng, các hạng mục bị phá dỡ là 19 công trình này” - ông Ngọc khẳng định.

Về việc có thông báo cho doanh nghiệp trước khi cưỡng chế hay không? Phó Chủ tịch quận Hà Đông cho biết, trong quá trình triển khai xử lý vi phạm, từ UBND cấp phường, quận đã trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp, vận động, thuyết phục, yêu cầu tự tháo dỡ. 

Ngày 26/11/2019, chủ đầu tư có công văn số 19 thông báo xin tự giác tự tháo dỡ, bắt đầu từ ngày 6/12/2019. Các cơ quan chức năng cũng có thông báo, đôn đốc chủ đầu tư nhiều lần cần thực hiện các biện pháp khắc phục theo đúng thời gian quy định.

“Theo báo cáo của các đơn vị chức năng, UBND quận thấy rằng, hết thời hạn quy định nhưng chủ đầu tư không tự giác tháo dỡ. Vì vậy, UBND quận theo đúng quy trình, trình tự pháp luật, giao UBND phường tổ chức thực hiện cưỡng chế, xử lý công trình theo trình tự pháp luật” - ông Ngọc thông tin.

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về phương án cưỡng chế đã được phê duyệt chưa, là tháo dỡ hay phá dỡ, ông Ngọc cho biết: Quận đã thuê các đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ, cơ quan chuyên môn thẩm định, quận ra quyết định phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

“Việc để công trình xây dựng không phép trong thời gian dài, xử lý trách nhiệm đến đâu hiện quận đang xem xét trách nhiệm của các đơn vị, các cơ quan được giao nhiệm vụ trong quản lý xây dựng và sẽ xử lý trách nhiệm. Sai đến đâu, trách nhiệm đến đâu thì xử lý nghiêm túc trách nhiệm của các bộ phận có liên quan đến đó” - ông Ngọc khẳng định.

Được biết, mới đây Công ty Cienco5 đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ. Phía Công ty cho rằng, UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả không đúng pháp luật, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ tài sản doanh nghiệp, gây thiệt hại lớn về tài sản đối với Công ty.