Dân Việt

Hết corona lại đến cúm gia cầm A/H5N6, giá tôm hùm, thịt gà, vịt, trái cây rớt thảm

Hà Kiều 16/02/2020 16:01 GMT+7
Tuần qua, do ảnh hưởng của dịch virus corona và cúm gia cầm A/H5N6, giá tôm hùm, thịt gà, vịt, trái cây rớt thảm. Trong khi đó, rau xanh mất mùa, giá tăng cao chót vót.

Tôm hùm chỉ còn 600.000 đồng/kg vì ảnh hưởng của dịch corona

Theo Sở NN&PTNT Khánh Hòa, trước Tết 2020, tôm hùm có giá tốt, khoảng 1,9 triệu đồng/kg, nay giảm xuống còn 1,2 triệu đồng/kg; tôm hùm loại nhỏ giá 900.000 đồng/kg nay chỉ còn 600.000 - 650.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Trước đây, tôm hùm Khánh Hòa xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm trên 80%. Tại thị trường nội địa cũng là dạng "xuất khẩu tại chỗ", nghĩa là phục vụ cho khách du lịch nước ngoài, trong đó chủ yếu khách du lịch Trung Quốc, người Việt Nam ăn không đáng kể. Nhưng hiện tại, ngành du lịch đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên tôm hùm không thể tiêu thụ được, ngư dân rất khó khăn.

img

Tôm hùm rớt giá thảm, giảm nửa giá vẫn không có người mua

Trong khi đó, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, sản lượng tôm hùm đang vào vụ khai thác chưa xuất bán được ước tính khoảng 600 tấn. Trong đó, tại Vạn Ninh hơn 30 tấn, Cam Ranh khoảng 550 tấn.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, Lãnh đạo Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết: "Trước mắt, chúng tôi động viên bà con tiếp tục nuôi, duy trì, mặc dù nếu tiếp tục nuôi sẽ phải chịu lỗ thức ăn. Nhưng với tình hình hiện tại chỉ có thể chờ vài ba tháng nữa xem tình hình dịch bệnh như thế nào. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ ngành cùng tháo gỡ cho bà con".

Gia cầm rớt giá thảm hại, thấp hơn giá rau muống

Theo thông tin từ các trại chăn nuôi gà, vịt, ngan ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, giá gà, vịt từ sau Tết đến nay giảm liên tục.

Theo đó, nếu như trước Tết giá gà trắng (gà công nghiệp) tiêu chuẩn (2 - 2,5 kg/con) dao động từ 25.000 - 26.000 đồng/kg, sau Tết giảm còn 21.000 - 22.000 đồng/kg, hiện còn 12.000 - 13.000 đồng/kg, tức giảm 50% trong chưa đầy 1 tháng và thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng gà quá lứa, vượt trọng lượng chuẩn, khoảng 3 - 4 kg/con hiện chưa tới 10.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá rau muống (khoảng 15.000 đồng/kg).

img

Thịt gà rớt giá thảm, rẻ hơn giá rau muống

Tương tự, giá gà màu hay còn gọi là gà thả vườn trước Tết từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, nay giảm mạnh còn 25.000 đồng/kg, gà tam hoàng từ 50.000 - 60.000 đồng cũng giảm còn 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Giá vịt tại các trại chăn nuôi ở Đồng Nai trước Tết từ 46.000 - 51.000 đồng/kg, nay giảm còn 18.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người nuôi gia cầm đang lỗ nặng, do giá bán ra chỉ khoảng ½ chi phí chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn đến giá gà, vịt giảm sâu là do học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều nhà máy xí nghiệp cũng chưa hoạt động bình thường trở lại nên các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm nhiều loại thực phẩm.

Thời tiết bất thường, rau mất mùa, tăng giá

Những ngày qua, tại nhiều khu vực ở miền Bắc, rau xanh mất mùa do mưa lớn. Tại nhiều chợ và siêu thị ở Hà Nội, giá mặt hàng này tăng mạnh so với trước.

Tại chợ Hôm (Hà Nội), một mớ rau muống có giá 20.000 - 30.000 đồng, súp lơ xanh có giá 80.000 đồng/cân, rau cải bắp giá 17.000 đồng/kg... “Tôi phải nhập các loại rau với giá tăng lên 2 -3 lần so với trước Tết và chưa có dấu hiệu hạ xuống”, một tiểu thương chuyên buôn rau ở chợ Hôm cho biết.

Tương tự, tại một chợ dân sinh ở khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa), giá nhiều loại rau cũng có giá cao. Rau cải cúc có giá 10.000 đồng/mớ, cải ngọt 12.000 đồng/mớ, su hào trung bình có giá 10.000 đồng/củ.

Trái cây mất giá nông dân muốn khóc, tiểu thương âm thầm ăn lãi đậm

Ảnh hưởng từ dịch viêm phổi cấp do virus corona khiến hoạt động thông quan hàng hoá ở biên giới gần như tê liệt, một số loại trái cây ở nước ta không thể xuất khẩu sang Trung Quốc dẫn đến giá cả lao dốc, rẻ hơn giá rau.

Đơn cử, tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, hàng vạn tấn thanh long đến ngày thu hoạch nhưng bế tắc đầu ra. Doanh nghiệp trước đó đặt cọc mua hàng nay huỷ kèo, chỉ đền bù giá 5.000 đồng/kg và không nhận hàng.

Trong khi đó, tại Gia Lai, Bình Định,… nông dân cũng khóc ròng vì giá dưa hấu giảm xuống chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều nhà vườn trồng dưa cho biết, với giá bán rẻ hơi rau như hiện tại, họ chịu lỗ khoảng hơn 100 triệu đồng/ha.

img

Ảnh hưởng dịch corona, trái cây rớt giá thảm hại

Hay như ở Hậu Giang, nông dân trồng mít đang đứng ngồi không yên. Bởi, trước Tết, mít Thái được tại vườn với giá 25.000 - 35.000 đồng/kg tuỳ loại. Nay, do ảnh hưởng bởi dịch corona, Trung Quốc ngừng ăn khiến giá giảm xuống chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg mà thương lái vẫn không mặn mà chuyện thu mua.

Trong khi cả cộng động chung tay giải cứu nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc nhằm chia sẻ khó khăn với người nông dân thì tại nhiều khu chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, các loại trái cây trên vẫn được bán ở mức giá cao ngất ngưởng.

Cụ thể, tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân), Đại Từ (Hoàng Mai),... giá dưa hấu hắc mỹ nhân vẫn có giá 20.000 đồng/kg. Điều đáng nói, loại dưa này ở các vùng trồng chuyên canh giá chỉ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Tương tự, tại Bình Thuận, Long An, người nông dân phải ngậm đắng nuốt cay bán thanh long ruột đỏ với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg thì tại những khu chợ này giá thanh long ruột đỏ vẫn ở mức 40.000 đồng/kg.

Giá mít cũng vậy, tại chợ Hà Nội tiểu thương vẫn giữ giá mít bóc múi ở mức 70.000 đồng/kg, mít bổ miếng giá 40.000 đồng/kg. Mức giá này không giảm, trong khi giá mít tại nhà vườn ở Hậu Giang đã giảm xuống còn 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Tại chợ Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), mít Thái được bán với giá 35.000 đồng/kg, dưa hấu giá 18.000-20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ loại 1 giá 40.000 đồng/kg, loại quả nhỏ tai đã ngả vàng giá 25.000 đồng/kg.

Đầu năm, thị trường ôtô ảm đạm

Khảo sát các đại lý ôtô tại Tp. HCM, những ngày đầu năm này khách đến tìm hiểu, mua sắm rất thưa thớt. Nhân viên tư vấn tại đại lý ôtô trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình cho biết: "Có lẽ do virus corona nên nhiều người ngần ngại đi xem xe lúc này". Còn theo nhận định từ các nhà phân phối ôtô, những tháng đầu năm được xem là mùa thấp điểm nhất trong năm của thị trường xe hơi.

Theo phụ trách của một đại lý ôtô tại quận 5, tuy thấp điểm nhưng sức mua năm nay còn ảm đạm hơn những năm trước. Hầu hết các hãng xe, đại lý hiện phải "chạy" nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh để thu hút khách hàng nhưng vẫn chưa thấy khởi sắc.

img

 Đầu năm, thị trường ô tô ảm đạm

Theo đó, đại lý nào cũng khuyến mãi tặng gói phụ kiện hàng chục triệu đồng, bên cạnh đó còn trực tiếp giảm tiền mặt hàng chục triệu cho đến cả trăm triệu đồng cho khách mua xe.

Chẳng hạn, tại một đại lý ôtô Toyota ở quận 1, nhân viên bán hàng giới thiệu các mẫu xe lắp ráp trong nước đều có mức ưu đãi rất cao so với xe nhập khẩu. Theo đó, khách mua xe Innova, Fortuner sẽ được giảm giá trực tiếp từ 70-100 triệu đồng, tùy phiên bản. Còn tại đại lý ôtô Hyundai, mẫu SUV Santafe cả hai phiên bản dầu và xăng đều giảm giá 40 triệu đồng/chiếc, mẫu Kona giảm 50 triệu đồng, Elantra giảm 45 triệu đồng. Các đại lý của Honda cũng đang khuyến mãi nhiều mẫu xe, như CR-V giảm 50 triệu, HR-V giảm 80 triệu đồng…

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xe nhập khẩu đang giảm khá mạnh, trong tháng 1 các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ hơn 4.000 xe, giảm đến 2.600 xe so với tháng 12/2019. Còn theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng xe nhập khẩu trong nhiều tháng qua giảm liên tục. Cụ thể, năm 2019, tháng 10 nhập khẩu 16.000 xe, sang tháng 11 còn 11.700 xe và tháng 12 chỉ 6.600 xe.

Nhiều hãng ôtô thừa nhận do nguồn hàng từ năm ngoái tồn quá lớn, cũng như họ phải điều chỉnh lại mức tăng trưởng trong năm nay phù hợp với thực tế, nên lượng xe nhập khẩu trong thời gian tới sẽ giảm theo nhu cầu thị trường.

Tôm hùm rớt giá thảm, từ tiền triệu giảm hơn nửa vẫn không có người mua

Hàng nghìn tấn tôm hùm đang vào vụ khai thác đang đứng trước nguy cơ không có đầu ra và rớt giá sâu. Hiện giá tôm hùm...