Hàng chục năm qua, người đi viếng mộ tại nghĩa trang khối 7 phường Thanh Hà đã không còn lạ lẫm với hình ảnh người đàn ông da dẻ đen đúa, mặt mày dữ tợn, toàn thân nổi những khối u mọng nước, hằng ngày vẫn đi nhặt hoa quả cúng ở nghĩa trang. Người đàn ông kỳ dị khiến người ta khiếp đảm đó là ông Đặng Văn Phước (53 tuổi) trú khối 7, phường Thanh Hà, TP.Hội An, Quảng Nam.
Trên người ông là hàng trăm khối u dị dạng. |
Sống đơn độc giữa nghĩa trang
Lần theo con đường đất đỏ dẫn vào nghĩa trang Thanh Hà, lòng vòng qua các lối đi quanh co, hun hút, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được căn nhà nhỏ của ông Phước “quỷ sứ” (biệt danh mà người đi viếng mộ thường gọi ông Phước).
Đánh tiếng gọi mãi mới thấy ông Phước đi ra từ rặng dâm bụt phía sau nhà. Thở dốc từng hơi, ông bảo: “Ngoài nghĩa trang bữa ni họ cúng lớn hơn mọi ngày vì trúng bữa cúng Thiên Chúa. Tôi đứng chực từ sáng, chờ họ cúng xong xin hoa quả về ăn. Mấy hôm rồi trời trở lạnh, ít người đi viếng mộ nên bụng dạ đói meo”. Ông kể, từ trước đến nay ông sống một thân một mình ở nghĩa trang. Ngay cả mặt mũi cha mẹ mình ra sao ông cũng không thể mường tượng được. Chỉ nghe người cậu nhận ông về nuôi kể lại rằng, ba ông bỏ mẹ con ông từ lúc ông mới chào đời. Mẹ ông vì lao tâm khổ tứ bươn chải kiếm cơm mà đổ bệnh rồi qua đời sau đó không lâu.
“Bức tranh phác họa mẹ là di ảnh duy nhất tui còn giữ được. Hồi đó, cậu tôi nhờ người vẽ lại từ một cái ảnh đen trắng cũ rách. Lúc mẹ tôi qua đời, cậu thương tình đem tôi về cưu mang. Nhiều đêm nhớ mẹ, tôi bật dậy khóc đi tìm. Có lần tôi lang thang suốt đêm, đi lạc ra đến Đà Nẵng. Mấy hôm sau, cậu lùng sục đi tìm và đưa tôi về. Từ đó, cậu dọa nạt không cho ra ngoài nên không gian của tôi bó hẹp trong căn nhà nhỏ với bốn bức tường.” - ông Phước hồi tưởng.
Ngay từ khi lọt lòng mẹ, trên người ông Phước đã mọc những khối u nhỏ rất gớm ghiếc, trông như mụn nhọt. “Lúc nhỏ, những khối u quái ác chỉ xuất hiện như hột mụn bọc trên cánh tay. Dần dần, chúng lan tỏa và ngày một sưng tấy thành những cục to tướng, ứ như cục mủ. Bây giờ toàn thân tôi đều nổi chi chít, đau nhức lắm. Bạn bè thuở nhỏ hễ thấy tui là bỏ chạy tán loạn. Chúng cứ trêu tôi là đồ con quỷ.” - giọng ông Phước nghèn nghẹn khi nhắc đến căn bệnh quái ác mà mình mắc phải suốt hơn 50 năm qua.
Vì không chịu nổi sự gièm pha, hắt hủi của người đời, năm lên 7 tuổi, cậu bé Phước phải ra nghĩa địa lầm lũi sống. Tôi hỏi: “Thế hồi còn nhỏ không sợ ma hay sao mà ông dám ra nghĩa địa sống một mình?”. Giọng cười như mỉa mai, ông đáp: “Không ra nghĩa địa thì còn biết đi đâu? Lúc mới ra cũng thấy hãi lắm vì xung quanh toàn mồ mả, không có lấy một nóc nhà dân. Dần dần, vài ba năm thấy cũng quen. Mình không quậy phá gì chỗ yên nghỉ của họ thì chắc họ không hiện hồn hù dọa mình đâu. Suy nghĩ thế nên tôi không thấy sợ nữa. Vậy là hơn 40 năm qua, tôi sống ở nơi của người chết”.
Ông Phước sống đơn độc cùng con chó ghẻ ở nghĩa trang. |
Không ít lần chứng kiến cảnh những đứa trẻ được ba mẹ dắt đi viếng mộ, được ba mẹ âu yếm, yêu thương, khóe mắt cậu bé Phước lại thấy cay cay. Niềm ao ước về một gia đình chưa khi nào thôi âm ỉ trong tâm hồn của đứa trẻ mà người đời gọi là “quái nhân”. “Nhiều người đi viếng mộ thương tình, sau khi cúng viếng xong họ để dành thức ăn cho mình chứ không mang về. Còn một số người thấy mình tới chầu chực thì mắng nhiếc, họ tưởng mình đi xin tiền nên xua đuổi. Những hôm may mắn gặp gia chủ có lòng thì no cái bụng, còn không ngồi bấm bụng đau vì đói” - ông Phước trải lòng trong niềm tủi hổ.
Nhìn về phía chiếc giường chân còn chân mất, bất giác chúng tôi bắt gặp một chú chó mình mẩy ghẻ lác, miệng sùi bọt mép nằm thở hổn hển. Ông Phước phân trần: “Con chó đó theo tôi đã gần 10 năm nay rồi. Nó vừa là bạn, vừa là người thân của tôi. Bữa nào tôi đói thì nó đói theo. Hai ngày rồi nó nhịn theo tôi nên đói vật vã ra đó”.
Khát khao một ngày hạnh phúc
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chốc chốc ông lại bật khóc òa như đứa trẻ. Tiếng khóc đầy bi ai, não ruột. Không phải ông khóc vì căn bệnh hành hạ khiến toàn thân tê tái, mà khóc vì thương cho số kiếp bạc bẽo của mình. Cuộc sống với ông mang một màu xám xịt khiến nhiều lúc ông chỉ muốn tìm đến cái chết để được giải thoát. Nhưng trong sâu thẳm tâm khảm, ông vẫn ấp ủ một niềm hy vọng: “Tôi cầu xin mọi người giúp tôi chữa trị căn bệnh lạ này để một ngày nào đó tôi có cơ hội sống ra hồn một con người, chứ không phải một "con quỷ" khiến mọi người khiếp sợ”.
Từ độ những khối u bắt đầu phát tán dữ dội, lan rộng khắp chân tay, mình mẩy và sau đó xuất hiện chi chít trên mặt, ông mới trốn biệt ra nghĩa trang. Lúc đó có một tổ chức từ thiện nước ngoài đã trực tiếp đưa bác sĩ đến khám cho ông, nhưng sau một thời gian dài điều trị bằng liệu pháp phương Tây, các mọng nước không những không có dấu hiệu tan biến mà càng lúc càng đọng mủ, đau nhức hơn, dày đặc toàn thân. “Đêm nằm trở mình thôi cũng thấy đau buốt, tối tôi chỉ chợp mắt được 1 - 2 tiếng đồng hồ rồi nằm trằn trọc suốt cả đêm. Nhiều đêm, tôi nằm mơ thấy mình có cha có mẹ, sống trong một gia đình êm ấm như người ta, thấy hạnh phúc lắm. Nhưng lúc tỉnh dậy thì nỗi hụt hẫng vùi lấp hết, ngẫm thấy cuộc đời bất công với mình quá” - ông Phước bộc bạch.
Dẫu bây giờ ông đã được chính quyền địa phương quan tâm, xây cho một ngôi nhà nhỏ bên nghĩa trang nhưng cuộc sống “ăn chực” người chết luôn khiến ông thấy tủi hổ, mặc cảm. Ước mơ nhỏ bé được sống một ngày bình thường vẫn còn xa vời đối với người đàn ông mang hình hài “quỷ sứ” này.