Long bào được coi là một trong những biểu tượng vương quyền của hoàng đế Trung Quốc thời phong kiến. Giống như các vua chúa, Tần Thủy Hoàng cũng có long bào nhưng cách chọn màu sắc hoàn toàn khác.
Cụ thể, đa số hoàng đế xuất hiện trước quan lại và dân chúng trong bộ long bào có màu vàng là chủ đạo.
Thế nhưng, Tần Thủy Hoàng - hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc thống nhất thiên hạ - quyết định mặc long bào màu đen.
Nhiều người không khỏi tò mò vì sao Tần Thủy Hoàng lại chọn màu đen để may long bào. Màu sắc này có ý nghĩa đặc biệt như thế nào với Tần Thủy Hoàng?
Trước bí ẩn này, một số chuyên gia, nhà khoa học đã thực hiện một số nghiên cứu. Theo đó, nhiều chuyên gia ủng hộ giả thuyết Tần Thủy Hoàng sử dụng long bào màu đen là dựa theo quy luật của Ngũ hành.
Vào thời Tần Thủy Hoàng, Ngũ hành đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Đặc biệt, tác phẩm "Sử ký" của Tư Mã Thiên có ghi chép về việc Tần Thủy Hoàng cho rằng, các nước Hạ, Thương, Chu, Tần lần lượt ứng với Mộc Đức, Kim Đức, Hỏa Đức, Thủy Đức.
Vương triều nhà Tần thuộc Thủy Đức. Theo Ngũ hành, màu đen đại diện cho nước. Chính vì vậy, Thủy Hoàng chọn long bào màu đen nhằm tượng trưng cho việc ông lên ngôi cửu ngũ chí tôn là thuận theo ý trời.
Một giai thoại khác cho rằng, Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước thành giang sơn đồ sộ. Dù bị nhà Tần thống nhất, tàn dư của những nước bị sáp nhập vẫn còn cháy âm ỉ chờ thời cơ vùng lên giành lại giang sơn.
Thuật âm dương thời ấy quan niệm Tần Thủy Hoàng tượng trưng cho Thủy Đức có thể dập tắt "ngọn lửa" chống đối từ các nước bị thu phục.
Dùng nước để dập lửa để lại những vệt đen. Theo đó, Tần Thủy Hoàng chọn màu đen làm chủ đạo để may long bào với hàm ý các nước bị nhà Tần thu phục sẽ không bao giờ có cơ hội hồi sinh từ đống tro tàn.