Ngày 17/2, ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - cho biết, Tỉnh ủy sẽ tổ chức thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy cho hai huyện Lắk và Buôn Đôn.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, việc tuyển chọn Bí thư Huyện ủy cũng là một giải pháp chống chạy chức, chạy quyền.
Theo ông Cường, việc này dựa trên cơ sở Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác cán bộ (nêu việc thí điểm tuyển chọn cán bộ).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn và có văn bản xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ sau đó ban hành Quy định về đổi mới cách tuyển chọn Bí thư, Chủ tịch UBND huyện theo hướng mở rộng dân chủ, chọn người thực tài.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk việc tổ chức tuyển chọn này nhằm thực hiện cơ chế tuyển chọn cạnh tranh, bình đẳng, dân chủ, công khai, khách quan để lựa chọn những công chức lãnh đạo, quản lý thực sự có năng lực, trình độ và triển vọng. Tạo môi trường, điều kiện để ứng viên nghiên cứu học tập nâng cao trình độ bản thân, chắt lọc các đề án, giải pháp khả thi để xây dựng phát triển huyện.
Theo kế hoạch tuyển chọn Bí thư Huyện ủy huyện Lắk và Buôn Đôn, công tác tổ chức yêu cầu phải bảo đảm và giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, chỉ đạo mọi mặt công tác tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý; nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm. Nội dung và hình thức tuyển chọn khoa học, đảm bảo đánh giá khách quan về trình độ, năng lực thực sự của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí lãnh đạo cần tuyển chọn.
Theo dự kiến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chọn khoảng 3-5 ứng viên là những cán bộ, công chức đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, đã có quy hoạch chức danh tuyển chọn hoặc quy hoạch chức danh tương đương trở lên (được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Đồng thời các ứng viên này phải có 3 năm liền kề hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trở lên; không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, Điều 82 Luật Cán bộ, công chức. Đối với vị trí Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, ứng viên là người dân tộc thiểu số.
Bí thư Bùi Văn Cường cho biết, các ứng viên được lựa chọn phải chuẩn bị đề án đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Quá trình báo cáo đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ hỏi về việc xử lý tình huống để chọn ra người có thực tài.
"Khi chọn được nhân sự nổi trội, Ban Thường vụ sẽ giới thiệu để làm quy trình theo đúng quy định. Người được chọn sẽ bắt tay vào việc ngay theo đề án mình đã chuẩn bị, được Ban Thường vụ góp ý, sẽ rất tốt và vững tâm. Việc đổi mới cách tuyển chọn này cũng tính đến yếu tố dân tộc bằng việc cán bộ người Kinh sẽ so sánh với cán bộ người Kinh, cán bộ người dân tộc sẽ so sánh với cán bộ người dân tộc để đảm bảo tỷ lệ cán bộ dân tộc theo quy định" - ông Cường cho biết.
"Đây cũng là một trong những giải pháp chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, ai giỏi hơn sẽ được lựa chọn, chống đặc quyền của Bí thư trong công tác cán bộ và tìm giải pháp khả thi trong phát triển địa phương" - ông Cường nói thêm.
Theo kế hoạch, ngày 25/2, Hội đồng tuyển chọn tổ chức việc tuyển chọn; các ứng viên tham gia tuyển chọn trình bày nội dung “Chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện” ở vị trí chức danh cần tuyển chọn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định danh sách nhân sự tham gia tuyển chọn; quyết định việc thành lập hay không thành lập Hội đồng thi tuyển; giải quyết các vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền của Hội đồng trong quá trình tổ chức tuyển chọn; xác định danh sách người được tuyển chọn để thực hiện quy trình công tác cán bộ.