Cứng như bê tông cũng... nhũn
Trung, bạn tôi nổi tiếng “bê tông cốt thép”, kiểu người mà các cụ nhà ta nói là “đo lọ nước mắm đếm, củ dưa hành”. Bỗng nhiên một hôm y gọi tôi đi uống cà phê (lạ nhỉ, trời sắp bão đây), y nói: “Ông có cách nào giúp tôi với”. Rồi hắn kể với tôi về một cô sinh viên năm thứ nhất trường ĐH NN. Hắn cho cô này mượn xe máy, vừa mới hớt hải chạy về báo mất.
Bắc thang lên hỏi ông trời... Ảnh minh họa - nguồn Internet |
Cô bé này thuê trọ ngay sát nhà hắn, lúc rỗi rãi thường sang nhà chơi với thằng con trai chưa đầy tuổi của hắn. Những lúc sang nhà Trung, cô sinh viên thường mặc cái áo cổ khoét sâu hun hút, không lộ liễu nhưng đủ để người ta phải hình dung đủ thứ.
Mỗi lần cô cúi xuống đùa với thằng cu là hắn lại xây xẩm mặt mày… Một buổi trưa, Trung nhắn tin rủ Tú (tên cô sinh viên) đi uống cà phê, Tú từ chối: “Xuống đây gần một năm nhưng em đã biết quán cà phê Hà Nội thế nào đâu, nhỡ vợ anh hiểu nhầm thì chết”.
Gần hai tháng sau hắn mới mời được Tú đi uống cà phê, rồi cô bị đau bụng vật vã (màn kịch dựng sẵn). Ngập ngừng mãi rồi Trung cũng đề nghị đưa Tú vào nhà nghỉ “cho đỡ đau”, Tú phản đối dữ dội lắm nhưng chắc vì đau không chịu được nên cô “nhắm mắt” để Trung dìu lên phòng… Hùng than thở: “Tôi cứ ngỡ lừa được nó, ai ngờ tôi mới là thằng bị lừa”?!
Mỗi tháng Trung cho cô bồ kém mình hơn chục tuổi 500 ngàn đồng “tiền ăn quà”. Số tiền đó đối với Tú có vẻ “còm” lắm so với cái nhà to đùng của Trung nên Tú cứ nhè lúc hắn “đang hứng” là nói thiếu nước gội đầu, xà bông, khăn mặt, son phấn… Trung nói: “Thì ra nó yêu tôi vì tiền, nó sắp đặt tất cả, gần hai thứ tóc mà thua nó ông ạ. Nó giả vờ mất xe, lộ chuyện thì tôi khó mà sống với mụ vợ”.
Tôi nhờ một người bạn là cảnh sát khu vực đến gặp Tú, cô bé lấy xe gửi về trả cho Trung nhưng khóc tấm tức: “Hắn lừa em, lúc đầu hắn bảo sẽ cho em 10 triệu để mua xe. Vậy mà no xôi chán chè rồi thì cứ lờ đi. Vài ngày lại rủ em đi nhà nghỉ mà cả tháng đưa có 500 ngàn, rẻ hơn cả mấy con đứng đường. Em chỉ định lấy thứ mà em phải được hưởng thôi. Con bạn cùng lớp em cặp với chính bạn hắn, một tháng được mấy triệu”.
Thì ra Trung cũng đã kịp “mai mối” cho anh bạn một cô sinh viên. Vài tháng sau, đi nhậu ở Giảng Võ tôi gặp lại Tú, cô bé nháy mắt cười và trước lúc về đã gí vào tay tôi tờ giấy ghi số phôn.
Sau đó ít lâu, tôi mời Tú ra quán cà phê bên hồ Ngọc Khánh, nói chuyện để hiểu thêm về tay bạn. Cô bé nói: “Em dại quá, hôm đó các anh mà đưa vào công an thì bố mẹ em chết mất”. Rồi Tú phân trần: “Bọn em ở quê xuống Hà Nội học, thiếu thốn đủ thứ, nhiều đứa phải làm trong vũ trường, quán karaokê. Một số khác, đành kiếm ai đó tốt bụng để nương nhờ đến khi ra trường, tất nhiên phải chấp nhận họ có vợ, đôi khi già hơn cả bố mình. Số em đen gặp ngay thằng ky bo”.
Cô nửa đùa nửa thật: “Để em giới thiệu đứa bạn em cho anh, dáng đẹp lắm”. Tú điện thoại mời tôi ăn tối, đi cùng là một cô bé khá xinh tên Yến, ăn xong Tú lấy cớ có việc về trước. Khác hẳn với Tú, Yến (quê Hải Phòng, sinh viên năm thứ 4 trường K.) mạnh dạn và thẳng thắn: “Em không như con Tú, mập mờ rồi lĩnh đủ, nếu có anh nào nhận em nâng khăn sửa túi chỉ cần bỏ ra 3 củ một tháng, một tuần gặp nhau 2 lần trừ thứ Bảy, không đi quá sâu vào đời tư, không đến khu trọ, càng không được đến trường. Bù lại, em sẽ làm cho người đó có những cảm giác khó quên”.
Thấy tôi không mặn mà lắm nên Yến đòi về vì “có bạn đến chơi”. Một thời gian sau Tú nói với tôi: “Con Yến giờ cặp với ông to lắm, suốt ngày chỉ đếm phong bì và đi mua sắm”.
Qua cậu em bán máy ảnh, tôi quen một ông bạn (55 tuổi, làm nội thất) khá vui tính, vì cũng là chỗ thân tình với cậu em tôi, nên mấy anh em rủ nhau đi uống bia. Được vài ly, ông bạn già khoe: “Anh có con bồ, hơi bị ngon, sinh viên trường Đ. vừa tròn hai mươi mùa xuân. Món anh khoái nhất là gái trẻ, nếu chú cùng sở thích thì anh sẽ giúp, toàn rau sạch”.
Anh nói tiếp: “Buồn cười nhất là hôm bố mẹ cô bé lên thăm con, đang không biết chui vào đâu thì cô bé nhanh trí giới thiệu “đây là thầy giáo con” làm hai ông bà lúng túng như gà mắc tóc vì sợ mếch lòng thầy”. Rồi anh ta điện thoại cho cô bé đến, tiếng cô gái nói (qua loa ngoài): “Em vừa đi thi về mệt muốn chết, mua cho em cái thẻ nạp tiền Vinaphone 200 thì em đến”.
Hồng Nguyên, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học V, quê Nam Định, nổi tiếng sành điệu, quần áo đắt tiền, điện thoại đời mới nhất, xe đẹp… Theo bạn bè thì nhà cô ở quê cũng thường thường bậc trung nhưng cô sống vào loại “quí tộc”.
“Bò sữa” của Nguyên là một chủ thầu xây dựng trên 50 tuổi đi “xế hộp” tiền tỷ, nghe đâu tay này bao cả Nguyên và cô em gái con dì Nguyên đang học cao đẳng Giao thông. Sau đó tay chủ thầu tốt số “hoa thơm đánh cả cụm” bị bố mẹ Nguyên từ quê lên mắng một trận ầm ĩ cả nhà trọ.
Anh bạn đồng nghiệp của tôi lấy tư cách bạn thân khuyên: “Em chơi với ai phải cân nhắc, mình là con gái thiệt lắm”. Nguyên đáp liền: “Anh lạc hậu lắm. Thay vì yêu một thằng trẻ ranh vừa chơi vừa phá, em có một người đàn ông thành đạt, yêu em và cho em đủ thứ. Em đâu có thiệt, thằng nào chả là đàn ông”?!
Mất cả chì lẫn chài
Trong trăm ngàn cuộc tình vụng trộm kiểu “Già nhân ngãi non vợ chồng” ấy có khá nhiều sinh viên đã tốt nghiệp nhờ tiền kiếm được từ hợp đồng “vợ hờ”. Tuy nhiên, lối sống thực dụng đó lành ít dữ nhiều, đa số “đối tác” đều đã có gia đình nên cuộc tình có thể bị “vỡ” bất cứ lúc nào. “Đối tác” có thể là giám đốc, thương nhân, trí thức, kỹ sư, buôn bán, xe ôm… là bất cứ ai nếu có tiền, mục đích cũng nhiều: Ham chơi, thích của lạ, khẳng định mình vẫn “có giá”…
Cẩn thận kẻo mất cả chì lẫn chài... Ảnh minh họa - nguồn Internet |
Các sinh viên chấp nhận làm “vợ hờ”, hoặc có hoàn cảnh khó khăn, hoặc thích đua đòi ăn diện, cũng có cô “cặp cho biết” chứ không cần tiền. Nguyễn Thị A. sinh viên trường múa, làm “vợ hờ” của một đại gia nghành thép, mỗi tháng được 500 Mỹ kim. Được 5 tháng thì bà vợ đại gia thuê một nhóm người đến tận căn hộ A thuê ở Trung Hoà đánh ghen, cắt mất mớ tóc dài như suối, đau khổ và nhục nhã, cả tháng cô không dám đến trường nên đã bị đuổi học.
Cũng có không ít cô “mất cả chì lẫn chài” vì chọn nhầm “lái trâu”, lúc đầu hứa hẹn đủ điều, sau vài lần hưởng thụ là “lặn không sủi tăm”.
Nhà tâm lý Bùi Tuệ cho rằng: “Sinh viên nữ làm “vợ hờ” không còn là của hiếm nữa, họ có hai nhu cầu, một là vì tiền thì hay, hai là thực sự muốn lấy chồng để thoát khỏi cảnh nghèo. Những sinh viên muốn lấy chồng thực sự, rất dễ bị lừa vì “đối tượng” là những người đàn ông đã có tuổi rất biết chiều chuộng, nhưng khi đã chinh phục được thì lại muốn tìm một đỉnh cao khác.
Số sinh viên chấp nhận làm “vợ hờ” để kiếm tiền nhiều hơn, họ nhiều mánh khoé để làm đẹp lòng “đối tượng”, khi không cần thiết hoặc có hợp đồng khác “ngon” hơn là họ sẵn sàng dứt bỏ. Đến với nhau không vì tình yêu đều là sự lợi dụng, rất bất trắc và nguy hiểm cho cả đôi bên”. Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự đều có những quy định xử lý chuyện này.