Dân Việt

Hô "biến" con đường rác ở Hà Nội thành các tác phẩm nghệ thuật

Ngọc Hải 19/02/2020 07:13 GMT+7
Với những đồ dùng bỏ đi, nhóm 16 họa sĩ đã thu gom và tái sử dụng biến đoạn đường vốn được mệnh danh là "con đường rác" bên bờ đê sông Hồng trở nên sống động.

Clip: Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ven sông Hồng.

img

Thời gian gần đây, người dân sống tại ven sông Hồng (khu vực thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ khi con đường đầy rác thải sau nhà nay đã biến thành không gian nghệ thuật công cộng với nhiều công trình, tác phẩm đẹp mắt tạo chỗ vui chơi, hóng mát cho nhiều người dân khu vực lân cận.

img

Dự án cải tạo này có tên “Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân” nằm trong dự án cải tạo bức tường bảo vệ hành lang sông Hồng phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Nhóm thực hiện dự án gồm có 16 nghệ sĩ cả trong và ngoài nước, đã thức tỉnh không gian sống thực sự của bà con. 

img

Dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địạ thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa của nhiều yếu tố văn hoá lịch sử của mảnh đất Thăng Long Kẻ Chợ, từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, từng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.

img

Tác phẩm “Phản chiếu song hành” của hoạ sĩ Cấn Văn Ân, trong dự án lần này, hoạ sĩ tạo ra 1 con thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng, trên đó gắn 5.000 mảnh gương để phản chiếu hình ảnh chính cây cầu Long Biên. Ngụ ý của tác giả khi ghép từ những mảnh gương nhỏ là để tạo nên những ánh sáng lấp lánh phản chiếu những lớp sóng của dòng sông.

img

Trao đổi với PV Dân Việt, Anh Nguyễn Thế Sơn – giám tuyển nghệ thuật của dự án và cũng là một trong 16 nghệ sĩ tham gia dự án nghệ thuật công cộng. Anh Sơn cho biết, nhận đề bài của UBND quận Hoàn Kiếm “biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật” thuộc dự án “Cải tạo bờ bên lở sông Hồng”. Anh đã lên ý tưởng từ mùa hè năm ngoái và dự định sẽ hoàn thiện trong vòng 1 tháng, cả sau Tết và trước Tết. 

img

Tác phẩm "lịch sử vỡ" của tác giả Vương Văn Thạo được sắp đặt từ 36 đĩa gốm đường kính 30cm, tương tác với câu chuyện về ngôi làng cổ làm gốm ven sông - làng gốm Bát Tràng. Tác phẩm vẽ những hình bóng những ngôi đình làng trong phố cổ Hà nội bị phân thành các mảnh vỡ. Sau đó được ghép lại bằng vàng giống như 1 sự suy tư về những giá trị văn hoá bị mất mát trong lịch sử và gợi lên những câu hỏi về ứng xử của thời đại này với những giá trị di sản đó.

img

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từ sắt phế thải và inox gương, mang đến tác phẩm sắp đặt cho thấy hình ảnh của những gánh hàng rong, những người lao động ở bến sông Hồng, cùng với 2 bức phù điêu với tổng chiều dài 6m phục dựng lại bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp. Tác phẩm sắp đặt của anh giống như cuộc đối thoại về ngữ cảnh cuộc sống, những di sản nghệ thuật từng tồn tại và bị biến đổi theo thời gian.

img

Tác phẩm "Bức tường danh vọng" của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế - Giảng viên trường Mỹ Thuật Việt Nam. Các mô hình này được làm từ chính những đồ phế thải tập kết ở con đường ven sông. Nguyên liệu được thu gom thêm từ nhiều nơi và được chính người dân xung quanh cung cấp hỗ trợ. Với sự thay đổi này, con đường thu hút nhiều khách du lịch đến khám phá và chiêm ngưỡng những bức hoạ lột tả lại giá trị văn hoá xưa cũ của người dân ven sông Hồng.

img

 Với 10.000 chai nhựa, tác giả Vũ Xuân Đồng đã tạo thành 4 chiếc thuyền buồm gợi nhớ hình ảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hơn 100 năm.

img

Với tác phẩm này, người nghệ sĩ muốn người dân nhớ về nơi bến sông tấp nập buôn bán xưa kia trên con sông Hồng đầy kỷ niệm.

img

“The Red River’s Dragon” là tác phẩm của Diego Cortiza, với tác phẩm sắp đặt lần này, anh đã thu nhặt những bu gà bỏ đi ở chợ Long biên để tạo nên những lồng đèn nhiều màu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường kết hợp xếp gương vỡ thành hình cầu Long Biên. Ngoài ra, Diego còn thiết kế 1 dãy ghế sắt tái chế từ những khung cửa sổ sắt cũ để thành nơi nghỉchân ngắm tác phẩm cho du khách và người dân.

img

Những bức tường hành lang ven sông Hồng như “khoác lên mình bộ áo mới” khiến trẻ em sống quanh đây thêm tò mò, thích thú.

img

Hình ảnh cây cầu Long Biên được khắc bằng lazer kết hợp với hệ thống đèn led trên bề mặt thùng phuy là tác phẩm của tác giả Lê Đăng Ninh. Sử dụng các thùng phuy bỏ đi là những vật liệu không thể thiếu của những ngôi nhà nổi trên sông Hồng. Tác giả muốn khắc hoạ những hình ảnh xưa cũ của ngôi làng ven sông lên những chiếc thùng giúp chúng ta liên tưởng tới hình ảnh những người ngụ cư sống lênh đênh trên những ngôi nhà nổi làm bằng những chiếc thùng phuy này.

img

Với dư án này, nhóm nghệ sĩ hy vọng sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, nâng cao ý thức của mọi người, đồng thời biến thành điểm nhấn tiếp theo của thành phố, thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hoá, môi trường và tham quan du lịch cho chính người dân địa phương.