Dân Việt

Những chuyến xe vắng khách vì dịch corona

Đoàn Loan 19/02/2020 11:55 GMT+7
Nằm đợi trong bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) gần 2 giờ, chiếc xe khách 40 chỗ lên đường chỉ với 5 hành khách.

Chiếc xe đi Lào Cai khởi hành lúc 18h song từ hơn 15h ngày 17/2, anh Nguyễn Văn Quyết (43 tuổi, tài xế của hãng xe Sao Việt), đã đánh xe vào bến đợi khách. Anh Quyết kể, trước đây hàng ngày anh và một đồng nghiệp cùng lái 2-3 lượt chặng Hà Nội - Lào Cai, đón 30 - 35 khách mỗi chuyến, song từ khi có dịch corona thì khách giảm sút hẳn. 

Gần 17h, trên hệ thống bán vé của nhà xe Sao Việt vẫn chưa có khách nào mua vé khiến hai tài xế nhìn nhau ngao ngán. Khi xe gần xuất bến, chỉ có 5 người mua vé lên xe. 

img

Lái xe Nguyễn Văn Quyết xác nhận giấy tờ ở bến xe. Ảnh: Anh Duy.  

"Có 4 - 5 khách là tốt rồi, nhiều hôm xe xuất bến không có khách nào", anh Quyết nói. Đi đường dài, lái xe muốn có người trò chuyện cho đỡ buồn, nhưng nay cả xe vắng lặng, ai cũng đeo khẩu trang kín mặt.  

Thu nhập của tài xế được chia theo doanh thu của xe. Giai đoạn khách đông, doanh thu mỗi tháng đạt đến 300 đến 400 triệu đồng, anh Quyết được trả lương trên 20 triệu đồng. Khi khách giảm như trong tháng qua, anh Quyết ước thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vợ bán hàng tạp hóa, cuộc sống gia đình phần lớn trông vào lương anh Quyết, nên anh giảm thu nhập thì cả nhà sẽ phải thắt chặt chi tiêu. 

"Trước đây mỗi ngày lái xe đi 3 lượt Hà Nội - Lào Cai song tinh thần phấn chấn, còn nay thì nhàn hơn, mỗi ngày chỉ lái 2 lượt nhưng tâm lý lại bất ổn. Thời gian tới khách ít quá thì có thể mất việc", anh Quyết chia sẻ. 

Xe khách đi Lào Cai là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc nên các lái, phụ xe thường tiếp xúc với hành khách người Việt từ Trung Quốc về và cả khách Trung Quốc. Ngoài ra, gần đây xe anh Quyết còn đón một số nhóm hành khách là những người vừa trải qua đợt cách ly 14 ngày ở Lào Cai. 

"Khách bảo họ vừa ra khỏi khu cách ly thì tôi thoáng giật mình, song không thể từ chối chở họ, hơn nữa họ được ra khỏi khu cách ly nghĩa là không nhiễm virus. Dù sao tôi vẫn đeo khẩu trang suốt ngày", anh Quyết chia sẻ. 

Từ khi có dịch, anh Quyết mới về nhà một lần mặc dù gia đình ở Phú Thọ, nằm trên cung đường anh qua hàng ngày. "Tôi tiếp xúc nhiều hành khách nên không muốn về nhà trong dịp này, hàng ngày chúng tôi ngủ trên xe, ăn cơm tại quán phía sau bến xe Mỹ Đình", anh nói.

img

Gần đến giờ xe xuất bến (chiều 17/2) song hành khách thưa thớt. Ảnh: Anh Duy

Hãng Sao Việt lâu nay có 30 xe khách chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, hiện chỉ còn 10 xe chạy thường xuyên. Sản lượng hành khách giảm bình quân trên 50% so với các tháng trước đó. 

Giám đốc hãng xe Sao Việt, ông Đỗ Văn Bằng, chia sẻ, mỗi một xe khách xuất bến, doanh nghiệp phải chi trả 7 triệu đồng tiền xăng dầu, phí cầu đường, công lái xe... trong khi doanh thu có chuyến chỉ vài trăm nghìn, nên "nhìn thấy lỗ hàng tỷ đồng mỗi tháng". Không cách nào khác, hãng phải giảm tần suất chạy xe và thông báo trên trang web về giờ chạy.

"Giảm chuyến mà vẫn vắng, có những chuyến chỉ 1-2 khách chúng tôi vẫn phải chạy vì đã bán vé và không thể bỏ chỗ đã đăng ký trong bến", ông Bằng nói.  

Bến xe Mỹ Đình những ngày này vắng vẻ. Quầy bán vé của các nhà xe lớn thường ngày đông người mua, nay chỉ thưa thớt. "Chưa khi nào xe trong bến giảm sút như thời điểm này", ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình nhận định.

Ông Sơn cho biết, bến xe này thường có gần 1.000 lượt xe chạy mỗi ngày, nay đã giảm bình quân khoảng 15%, số khách giảm 30 - 40%; giảm nhiều nhất là xe chạy các tuyến đường dài như Móng Cái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. 

"Dịch bệnh tác động mạnh khiến hành khách hạn chế đi lại, ngoài ra còn do sinh viên được nghỉ học và đây cũng là dịp thấp điểm đi lại sau Tết", ông Sơn phân tích.  

Không chỉ doanh nghiệp vận tải khách, nhiều đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, du lịch, vận tải hàng hóa, container cũng "kêu cứu" vì thua lỗ.

Mấy ngày qua, 25 xe hợp đồng loại 17 - 45 chỗ của Công ty liên doanh quốc tế DNT thường nằm im trong bãi xe, trái ngược so với năm trước là lịch chạy kín tuần. "Chúng tôi gần như tê liệt, không có hợp đồng chở khách các tháng tới", bà Nguyễn Thu Ngần, Giám đốc Công ty nói.

Theo bà Ngần, từ khi có dịch, hàng loạt tour du lịch bị hủy và các lễ hội tạm dừng nên hợp đồng thuê xe trong tháng 3, 4 của Công ty bị hủy gần hết. Trước đây, mỗi tháng, doanh nghiệp này có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, nay chỉ còn dưới 500 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi tháng, chi phí văn phòng, chi trả lương cho người lao động khoảng 300 triệu đồng, chưa kể phải trả lãi ngân hàng, khấu hao tài sản. "Chúng tôi ước tính quý một sẽ lỗ hơn 7 tỷ đồng", bà Ngần chia sẻ. 

Chuyên vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh phía Nam sang Trung Quốc,  hiện một số xe container của tập đoàn Sơn Hà cũng đang bị kẹt tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ngoài ra, nhiều xe khác của hãng này đã giảm tần suất chạy từ 5 chuyến mỗi tháng xuống còn 2-3 chuyến; doanh thu không đủ chi phí, trả lãi ngân hàng. 

"Mỗi xe chúng tôi lỗ 30 triệu đồng, doanh nghiệp có hơn 100 đầu xe, tính ra lỗ hơn 3 tỷ mỗi tháng", ông Nguyễn Thái Học, đại diện tập đoàn Sơn Hà, chia sẻ.

Cuối tuần trước, Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội đã họp khẩn với các doanh nghiệp thành viên để ghi nhận tình hình kinh doanh. "Lâu nay nhiều doanh nghiệp thường xuyên kêu khó khăn do chi phí cao, nay lại thêm dịch bệnh. Trước mắt các đơn vị kinh doanh vận tải khách chịu ảnh hưởng lớn nhất, vì đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mua xe phải vay ngân hàng tới 70%", ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cho hay.

Ông Liên cho biết, Hiệp hội sẽ kiến nghị cơ quan nhà nước chỉ đạo doanh nghiệp BOT giảm phí đường bộ cho các đơn vị vận chuyển hàng nông sản đến hết quý hai; đồng thời kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho đơn vị gặp khó khăn.

"Hiện đường bộ chiếm 70% trong thị phần vận tải hành khách nên nếu doanh nghiệp không được hỗ trợ thì sẽ ảnh hưởng đến cả ngành vận tải", ông Liên nói.