Dân Việt

45 phút và những thông điệp sống

11/03/2012 07:17 GMT+7
Không rao giảng đạo đức khô cứng, không ép buộc học sinh phải “làm thế này thế kia”. Trong 45 phút ngắn ngủi cô dẫn trò vào một thế giới đầy nhân văn với những câu chuyện làm người, những lời dặn dò “rủ rỉ” bên tai…

Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi giữa những Văn, Toán, Anh văn, Tin học, các em vẫn hào hứng đón nhận tiết học Giáo dục công dân của cô Lê Thị Hồng Hoa, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội...

img
Cô Lê Thị Hồng Hoa trong giờ giảng

Bài giảng cuộc sống

Nói đến môn Giáo dục công dân THPT, đa phần HS rất ngại học các bài về triết học. Nhưng, với HS trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) lại khác…

Bài học hôm nay, cô giáo Lê Thị Hồng Hoa dạy về quy luật mâu thuẫn. Cô lấy ngay một ví dụ gắn với học trò: “Ai cũng có mâu thuẫn. Các con mâu thuẫn giữa chơi và học. Vấn đề là chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn thế nào, dẹp cái chơi, đẩy cái học lên ra sao để cho mình tiến bộ” Chuyển sang quy luật lượng-chất, cô Hoa lại nói: “Sự biến đổi của lượng đến một giới hạn nhất định sẽ thay đổi về chất. Nếu chăm chỉ học thì một ngày các con sẽ đỗ vào ĐH-đó chính là thay đổi về chất ở các con”.

“Dạy môn giáo dục công dân khó mà không khó. Khó vì đó là môn dạy làm người nên phải làm sao để bài học ngấm vào học sinh. Nhưng, không khó vì con người ta ai cũng hướng thiện. Chỉ cần biết lối thì trái tim HS sẽ mở rộng đón nhận”- cô Hoa tâm sự.

“Lối” ấy chính là những câu chuyện cuộc sống, những thực tiễn mà cô sưu tầm, chiêm nghiệm trong cuộc đời để rồi lại kể cho HS qua mỗi tiết học. Dạy HS về tình yêu thương, cô kể chuyện một cậu bé rất ngỗ ngược và hay cáu giận. Mẹ đã dắt bé vào rừng và bảo cậu hét thật to câu: Ta ghét người. Trong rừng bỗng vẳng lại tiếng nói đó. “Các con biết không, mình ghét ai thì cũng sẽ nhận lại điều đó từ người khác. Vì thế, các con hãy yêu thương nhau thật nhiều”. Cả lớp lặng đi, không nói. Đây đó, có những ánh mắt chan chứa nhìn cô…

Một HS lớp 12 đã nhớ mãi câu chuyện cô Hoa kể về những cái lỗ đinh. Cậu bé trong câu chuyện trước khi định nói lời cáu giận với ai đó lại ra đóng một chiếc đinh lên hàng rào. Cơn giận qua, cậu bé nhổ đinh đi nhưng tấm gỗ đã không còn nguyên vẹn vì lỗ đinh. “Mỗi khi định nói lời tổn thương ai đó, em lại nhớ đến cậu bé kia và dặn mình rằng, đừng bao giờ để lại vết đinh trong tâm hồn người khác”.

Còn Mạnh Cường cựu HS, giờ là chủ một cửa hàng sửa xe lại xúc động kể, năm ấy cậu là HS cá biệt trong lớp. Chẳng mấy người tin cậu sẽ “hướng thiện” được nhưng cô Hoa vẫn đề nghị cử cậu làm lớp phó. Được cô tin tưởng, cậu đã thay đổi không ngừng, tốt nghiệp THPT và tìm được việc làm. Ấy là cô Hoa đã vận dụng quy luật Vận động của triết học để “cảm hóa” học trò.

Không chỉ là cô giáo

Cô Hoa tâm sự, muốn HS phục và nghe mình thì người thầy phải có tâm, có tầm. Dạy môn giáo dục công dân thôi nhưng người thầy phải hiểu cả về xã hội, triết học, về lịch sử, địa lý, luật pháp… nữa. Lên lớp mà có sự kiện gì đang diễn ra mà cô giáo lại không biết là… hỏng.

Gần 30 năm theo nghề, giờ đã bước sang tuổi trên 50 nhưng tối tối, “bà giáo Hoa” lại đeo mục kỉnh lên mạng lướt web, đọc báo để cập nhật thông tin. Như cái lần công chúng xôn xao về vị khách sau khi chơi gameshow truyền hình đã lộ tẩy đang trốn lệnh truy nã nên bị bắt, ngay hôm sau, cô mang chuyện thời sự đó lên lớp để rút ra bài học cho HS: Khi phạm tội, con người có lẩn trốn thế nào nhưng cuối cùng cũng sẽ bị bắt. Đó là công lý.

Tuy nhiên, cô Hoa thừa nhận, đôi khi bài học đạo đức trong sách không phải bao giờ cũng trùng khớp với thực tiễn cuộc sống. “Vừa dạy cho các em cái đúng, tôi cũng khẳng định có những cái xấu vẫn đang tồn tại để các em bình tĩnh đón nhận. Vấn đề không phải là lo sợ mà là ứng phó với cái xấu thế nào”.

Như lần cô dạy về bài học tôn trọng luật pháp, có HS đã đứng lên nói: “Ba con bảo nếu không phạm luật thì làm gì có tiền nuôi con”. Khi đó, cô lại ôn tồn giải thích: “Đó là cách đi của ba con. Nhưng còn con, hoàn toàn có thể tìm ra con đường cho mình mà không phạm luật”.

Bữa đó, kết thúc buổi học, cô dặn học trò: “Sai trái, tốt xấu mới là xã hội. Nhưng, nếu mỗi người chịu tuân thủ pháp luật nghĩa là ta đã đóng góp điều tốt cho xã hội”.

“Khi đứng trên bục giảng, đôi lúc tôi thấy mình không còn là cô giáo mà giống mẹ của các HS nhiều hơn”. Cùng là tiết giáo dục công dân thôi nhưng bài giảng của cô không bao giờ giống nhau giữa các năm, các lớp. Dạy cho lớp có nhiều HS nữ, “mẹ Hoa” nhấn nhiều vào ứng xử tuổi dậy thì, về hậu quả mang thai ngoài ý muốn. Dạy lớp có nhiều HS nam, cô lại nói tới quyền bình đẳng giữa vợ-chồng.

“Có quan niệm con gái sinh ra để rửa bát quét nhà. Thực ra không phải vậy. Tổ ấm chỉ hạnh phúc khi người chồng cũng cùng chia sẻ công việc với vợ”. Nhưng, cô Hoa cũng không quên “tái bút”: Tuy vậy, người vợ cũng đừng nên lấn át chồng quá nhé…

“Tôi chưa bao giờ tủi thân và coi giáo dục công dân là môn học phụ. Ai cũng phải học làm người đến hết cuộc đời. Vì thế, tôi nguyện là người dạy lẽ sống cho các em trong vài năm đầu nhỏ nhoi. Nhưng tôi hy vọng khi đã có nền tảng nhân cách thì lớn lên con người sẽ không bao giờ gục ngã”.

Cô giáo Lê Thị Hồng Hoa về công tác tại trường Nguyễn Thị Minh Khai năm 1994. Cô đã giành giải nhiều giải cao ở TP và quốc gia trong các cuộc thi dạy giáo dục công dân, giải Nhất TP cho cách xử lí tình huống pháp luật trong bài giảng hay nhất. Ngoài giờ lên lớp, cô đang sống hạnh phúc bên gia đình. Con gái cô hiện đang là sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Hà Nội.
Theo PNTĐ