Dân Việt

Chống xâm lăng văn hóa

06/03/2013 13:10 GMT+7
(Dân Việt) - Lại thêm một chiến dịch tuyên truyền chủ quyền biển đảo có thủ đoạn “đặc sệt” Trung Quốc. Không chừa bất kỳ cơ hội nào, các chiến dịch nhỏ lẻ của họ nằm trong chiến lược xâm lăng bằng các sản phẩm, ấn phẩm khác nhau.

Bộ sách dành cho học sinh vào lớp 1 có nhan đề Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ có bức tranh vẽ cổng trường có cắm cờ đỏ nhưng không phải cờ Việt Nam mà lại là cờ Trung Quốc. Đến nỗi một học sinh tiểu học phải thốt lên “sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc?”.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng vừa thu hồi 480 cuốn sổ tay và lịch để bàn của Công ty TNHH TCIE vì "có nội dung, hình ảnh vi phạm những quy định về xuất nhập khẩu văn hóa phẩm của Nhà nước Việt Nam". Bìa sau của các ấn phẩm in bản đồ các nước mà công ty này đặt chi nhánh. Tuy nhiên, phần bản đồ Việt Nam lại không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

img
Trang 16 cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của NXB Dân Trí đăng cờ của Trung Quốc (trái) và đèn lồng ở Hải Phòng dán hình sao vàng năm cánh đè lên chữ Trung Quốc (phải)

Lại thêm một chiến dịch tuyên truyền chủ quyền biển đảo có thủ đoạn “đặc sệt” Trung Quốc. Họ không chừa bất kỳ cơ hội nào để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo theo kiểu “mưa dầm thấm đất” rằng, Hoàng Sa – Trường Sa không phải của Việt Nam mà thuộc về Trung Quốc.

Các chiến dịch nhỏ lẻ, nằm trong chiến lược xâm lăng bằng các sản phẩm, ấn phẩm khác nhau. Tại Trung Quốc, sách giáo khoa dạy cho học sinh Trường Sa, Hoàng Sa của Trung Quốc là giáo dục chính thống. Họ còn mở rộng ra cả thế giới bằng cách in bản đồ Trung Quốc có 2 quần đảo này. Không dừng lại ở đó, họ in hình lưỡi bò lên hộ chiếu, để công dân Trung Quốc đi khắp thế giới và quốc gia nào cho họ nhập cảnh như là sự thừa nhận về chiếc lưỡi bò mà họ vẽ ra.

Tết Nguyên đán vừa qua, Trung Quốc tuồn đèn lồng vào Việt Nam có chữ Tam Sa và Nam Sa (bằng tiếng Trung). Dân mình không biết, mua đèn về treo, và cái gọi là “thành phố Tam Sa” do họ lập nên lại xuất hiện công khai tại Việt Nam. Thâm độc như vậy chỉ có Trung Quốc. Chỉ cần mất cảnh giác, cái bóng Trung Quốc lù lù xuất hiện, từ Tây Nguyên đến đồng bằng, từ biên giới phía Bắc đến tận Cà Mau.

Ở các nơi có nhà thầu Trung Quốc hoạt động, bảng hiệu chữ Hán giăng đầy. Tên của các con lộ trong phạm vi dự án cũng được đặt tên bằng tiếng Trung. Cách thức xâm lăng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà tại Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng thực hiện một cách kiên nhẫn và đầy chủ ý.

Hãy thử mở TV, dò các kênh truyền hình, sẽ đụng phải rất nhiều phim Trung Quốc. Văn hóa đại Hán tràn ngập, từ phim “chưởng” cho đến bắn súng. Những giai thoại lịch sử, tiểu thuyết chương hồi, truyện kiếm hiệp cho đến chính sử Trung Quốc, qua màn ảnh nhỏ thấm vào óc não của người Việt Nam.

Chống lại xâm lăng văn hóa chỉ có vũ khí duy nhất là sức mạnh văn hóa, bản lĩnh văn hóa. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải khuyến khích, tạo điều kiện cho toàn dân phát huy bản lĩnh và sức mạnh văn hóa của dân tộc mình.