Để thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, dự kiến số tiền mà Lâm Đồng cần lên đến 4.500 tỷ đồng và hiện ngân hàng đã đồng ý cho nông dân vay 3.200 tỷ đồng.
Vườn cà phê của Lâm Đồng đang cần được cải tạo lại để tăng năng suất.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 140.000ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê dưới 10 năm tuổi chỉ chiếm 15%; diện tích từ 10 – 20 năm tuổi chiếm 73%; và 12% còn lại là cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi. Do đó, mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là từ nay đến 2015, cả tỉnh cần cải tạo 23.000ha cà phê già cỗi, kém năng suất và chất lượng thấp với tổng vốn đầu tư cho chương trình này là 4.500 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch phối hợp với Ngân hàng NNPTNT (Agribank) chi nhánh Lâm Đồng để thực hiện. Theo đó, Agribank Lâm Đồng sẽ đảm nhận khoảng 70% nguồn vốn trên cho nông dân vay để tái canh cà phê với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là có áp dụng chế độ “ân hạn” cho khách hàng nông dân trong thời gian kiến thiết cơ bản vườn cà phê tái canh.
Theo ước tính của các nhà chuyên môn, sau tái canh, 23.000ha cà phê nói trên của Lâm Đồng sẽ đạt doanh thu khoảng 3.100 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, con số 4.500 tỷ đồng cho chương trình này không còn là lớn. Tuy nhiên, để có 3.100 tỷ đồng mỗi năm, không thể không có 4.500 tỷ đồng bỏ ra từ nay đến ít nhất là 3 năm sau. Cũng có nghĩa là sự vào cuộc một cách đồng bộ của ngành nông nghiệp cùng với ngành ngân hàng và chính quyền địa phương trong lúc này là vô cùng cần thiết!
Cũng theo cam kết của Agribank Lâm Đồng, trong vòng 3 năm tới, ngân hàng sẽ đảm bảo khoảng 3.200 tỷ đồng cho hơn 114.000 hộ dân vay với lãi suất ưu đãi. Theo ông Nguyễn Văn Chiểu – Giám đốc Agribank Lâm Đồng, hiện ngân hàng đã xây dựng 4 dự án chi tiết mẫu của kế hoạch vay vốn theo chương trình tái canh cà phê Lâm Đồng là tái canh bằng phương pháp ghép chồi; trồng giống cà phê vối ghép, trồng giống vối thực sinh và trồng mới cà phê giống chè.
Về lãi suất, ngoài tỷ lệ ưu đãi và ân hạn cho vay trong thời gian vườn cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản, Agribank Lâm Đồng còn linh động cho khách hàng nông dân “thế chấp” cả tài sản “cà phê sau kiến thiết cơ bản” để được vay vốn.