Dân Việt

Xây dựng nông thôn mới ở A Lưới: Thiếu vốn, thừa... nỗ lực

06/03/2013 09:28 GMT+7
(Dân Việt) - Là huyện vùng biên của tỉnh Thừa Thiên- Huế, hiện cả người dân và chính quyền huyện A Lưới đều đang rất hăng hái, nỗ lực để xây dựng nông thôn mới (NTM). Song do nguồn vốn hạn hẹp, nên “ngọn lửa” NTM ở đây vẫn chưa thể bùng lên được.

Nan giải nguồn vốn

Toàn huyện A Lưới có 20 huyện, thì có 16 huyện đã bắt tay vào xây dựng NTM, trong đó có 2 xã được chọn làm điểm của tỉnh là: Hương Phong và Nhâm, cùng một xã được huyện chọn làm xã điểm là Hương Lâm. Sau hơn 1 năm thực hiện chương trình, hiện 2 xã đã đạt trên 10 tiêu chí, riêng xã Hương Phong đạt 16 tiêu chí, còn lại hầu hết các xã chỉ đạt từ 5 - 9 tiêu chí.

img
Với đặc thù địa hình, A Lưới cần nhiều hơn những nguồn vốn.

Ông Hồ Văn Thơ (Văn phòng HĐND xã Nhâm) cho biết: “Bà con trong các thôn hưởng ứng rất nhiệt tình phong trào xây dựng NTM như hiến đất, phá dỡ tường rào để mở đường, nhưng do thiếu nguồn vốn, nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn chưa được triển khai nhiều”. Hiện tại, Nhâm là xã đi đầu trong việc hiến đất góp công xây dựng NTM với diện tích đất hiến là 10.015m2, tổng giá trị đất và tài sản trên đất đóng góp trên 220 triệu đồng, kế đến là Hương Lâm 53.403.000 đồng… đây là một số tiền không nhỏ đối với một huyện vùng sâu, xa như A Lưới.

Ở Nhâm, có thể kể đến một số hộ gia đình có đóng góp lớn như ông Lê Văn Đôn, góp hơn 27 triệu đồng, bà Hồ Thị Kan Râu, góp 26,8 triệu đồng, ông Hồ Viên Vã góp 27,4 triệu đồng. Theo ghi nhận, hiện cán bộ và nhân dân các xã ở A Lưới đang rất quyết tâm để xây dựng NTM. Song rào cản lớn nhất đối với địa phương hiện vẫn là nguồn vốn hạn hẹp khiến chính quyền cùng người dân không thể triển khai một cách đồng bộ và quy mô được.

Cần thêm động lực

Do nguồn vốn hạn hẹp, huyện A Lưới đã vạch ra mục tiêu chiến lược, trước mắt cần ưu tiên đầu tư cho các xã điểm để về đích NTM vào năm 2015, còn các xã khác sẽ chọn những tiêu chí dễ, ít cần vốn để làm trước.

Dù bà con nhân dân cũng như chính quyền các xã ở A Lưới đã rất nhiệt tình xây dựng NTM, song nếu chỉ dựa vào nguồn nội lực của địa phương và đóng góp của bà con là chưa đủ, A Lưới vẫn cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, nhất là vốn. Bởi theo tính toán, để xây dựng NTM trên các xã vùng cao, chi phí bỏ ra phải lớn hơn gấp nhiều lần so với những xã vùng xuôi có điều kiện thuận lợi.

Ước tính bình quân mỗi xã ở A Lưới muốn đạt chuẩn NTM phải đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện A Lưới, năm 2012 huyện đã triển khai nguồn vốn trực tiếp gần 700 triệu đồng “rót” vào Chương trình NTM, chưa tính nguồn kinh phí dành cho xây dựng hạ tầng cơ sở (ngân sách nhà nước cấp 100%). Theo đó, đầu tư cho sản xuất 250 triệu đồng (chủ yếu ở 3 xã Nhâm, Hồng Thủy, A Roàng), cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ 160 triệu đồng, công tác tuyên truyền 50 triệu, hỗ trợ công tác quản lý tuyên truyền xây dựng NTM cho cán bộ xã 214 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Ngư - Trưởng phòng NNPTNT huyện A Lưới cho biết: “Những con số trên chưa thể đáp ứng với thực tại nhu cầu của các xã”.